|
Một tiết mục chòi cổ. |
Bài chòi là một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống đặc sắc của miền Trung, phổ biến từ Quảng Bình đến Bình Thuận. Cũng như hát bộ, bài chòi ra đời từ dân gian. Nhưng hát bộ đi vào cung đình để trở thành nghệ thuật bác học, còn bài chòi phát triển thành nghệ thuật chuyên nghiệp, nhưng vẫn bám trụ trong lòng nhân dân lao động ở nông thôn.
Nói về nguồn gốc của bài chòi, theo ông Phan Ngạn - nghệ sĩ ưu tú, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bài chòi cổ dân gian Bình Định cho biết: từ thời xa xưa, cứ vào dịp xuân về, trong gia đình, trong từng nhóm dân cư thường tổ chức chơi bài (tứ sắc, tam cúc...). Người ta chơi trên chiếu, quây quần từ 5-10 người. Cuộc vui có tính chất hạn hẹp và đơn điệu. Về sau người ta mới sáng tạo xây chòi cao, giống như nhà sàn nhỏ của đồng bào dân tộc ở vùng núi Tây Nguyên. Như vậy có bài, có chòi nên mới gọi là bài chòi. Đầu tiên đặt ra đánh bài chòi, người ta sáng tác những câu hò, những làn điệu dân ca, rồi xuất hiện các nghệ nhân mà điển hình là “Anh hiệu”.
Vào dịp Tết hay lễ hội, người ta tổ chức đánh bài chòi ở các thôn làng. Một thôn nhiều khi có từ 2 đến 3 điểm chơi, trên khoảng sân rộng trước đình làng hay ở nơi họp chợ. Người ta dựng 9 cái chòi tre, mái lợp tranh, chòi cao cách mặt đất 2m, được lót khịa tre để khoảng từ 4-5 người ngồi chơi. Bộ bài chơi là bộ tam cúc, gồm 27 hoặc 30 cặp, chia làm 3 pho: Văn, Vạn, Sách. Mỗi pho có 9 hoặc 10 cặp bài có tên gọi riêng. Tùy theo mỗi tỉnh, tên gọi các con bài thay đổi như sau: Một: nhất trò – Hai: nhì nghèo, nhì bí – Ba: tam quăng, ba bụng - Tứ: tứ cẳng, tứ giống... “Anh hiệu” nhân vật chính của đánh bài chòi, có kiến thức văn chương, độc diễn cùng với tiếng trống, tiếng đàn cò, phèng la...
Văn chương bài chòi là văn chương bình dân nhưng vẫn đảm bảo chất thơ. Khi con bài rút ra, anh hiệu bắt đầu hô những câu thai liên hồi kỳ trận, những lời khôi hài, dí dỏm, người lớn cười đám trẻ cũng cười và mê đến ngẩn tò te. Những người ngồi chơi niềm vui đong đầy với tâm trạng thấp thỏm, hồi hộp. Đối với dân sành đánh bài chòi thì chỉ cần nghe câu hò đầu tiên là có thể đoán con bài. Ví dụ: con ba bụng, ở Quảng Nam Đà Nẵng hô: Chồng nằm chính giữa / Hai vợ hai bên / Lấy chiếu đắp lên / Gọi là ba bụng / Huơ ba bụng! Khi gặp con nhất trò thì ở Bình Định hô: Đi đâu mang sách đi hoài / Cử nhân không đậu, tú tài cũng không.
Đánh bài chòi là một trò chơi giải trí mang tính chất văn chương bình dân. Người ta đánh bài chòi để thử thời vận hên xui dịp đầu năm, chứ không tính ăn thua đỏ đen.
Bài chòi đã phát triển đi lên thành một nghệ thuật quần chúng. Từ một nghệ nhân ban đầu là “Anh hiệu” đóng đủ mọi vai khi bài chòi có tính cách tự sự, về sau xuất hiện nhiều nghệ nhân và hình thành một sân khấu hẳn hoi như sân khấu tuồng truyền thống. Những làn điệu dân ca đã tiến xa với những tuồng tích hoàn chỉnh như Lâm Sanh – Xuân Nương, Phạm Công – Cúc Hoa, Thạch Sanh – Lý Thông... Khoảng thời gian trước đây, khi các phương tiện truyền thông còn nghèo nàn thì hát bài chòi là món ăn tinh thần của mọi người dân ở vùng nông thôn. Khi có một gánh hát bài chòi về ở địa phương nào là mọi người dân từ già đến trẻ đều đi xem, hết đêm này đến đêm khác.
Có thể nói gần 100% người dân miền Trung, đặc biệt là người dân Bình Định đều mê bài chòi. Giáo sư Hoàng Chương, phụ trách Hội đồng hương Bình Định ở Hà Nội nói: “Vào những năm chống Mỹ, cứ mỗi lần tổ chức một cuộc họp, dù rộng hay hẹp đều có yêu cầu hát bài chòi. Những diễn viên của Đoàn Bài chòi Liên Khu V như Điệp Nữ, Quỳnh Em, Hạnh Nguyên, Văn Mùi... khi cất lên những điệu xuân nữ, xàng xê, hồ quảng... thì cả hội trường như lắng xuống để uống hết các âm điệu ngọt ngào của tiếng hát quê hương!”.
Trong các hội thảo về ca kịch bài chòi, có hai ý kiến của hai nhà nghiên cứu là Mịch Quang và Lệ Thi thường đối nghịch nhau. Mịch Quang thì luôn bảo vệ quan điểm giữ bài chòi cổ và chỉ nên gọi là “hô bài chòi”, không nên dùng từ “ca hoặc hát bài chòi”. Còn Nghệ sĩ nhân dân Lệ Thi thì kiên trì đi theo xu hướng cải tiến bài chòi, cách làm mà bà đã thành công trong nhiều vở như Thoại Khanh – Châu Tuấn, Tiếng sấm Tây Nguyên...
Rõ ràng cả hai ý kiến đều có những lý lẽ để bảo vệ cho quan điểm của mỗi người. Nhiều người cho rằng ở Bình Định còn giữ phong cách và mực thước của bài chòi cổ nếu được xem vở Thoại Khanh – Châu Tuấn, một vở diễn đã ra đời và thành công cách đây hơn 40 năm và cho đến nay vẫn tồn tại ở nhiều đoàn bài chòi khắp miền Trung. Trong vở này chỉ sử dụng có 4 làn điệu là xuân nữ, xàng xê, cổ bản và hồ quảng, thế mà không thấy đơn điệu chút nào. Người nghe cảm nhận lời ca xoáy sâu vào lòng, rồi đọng lại những dư âm không bao giờ tan biến.
Vào năm 1962, Đoàn Dân ca Kịch Bài chòi Bình Định được thành lập, tiền thân của nó là Đoàn Nghệ thuật Bài chòi Liên khu V. Tên đoàn chắc chắn cho ta rõ là bài chòi đã theo hướng phát triển của nghệ sĩ nhân dân Lệ Thi, với những nghệ sĩ danh tiếng như nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Kiểm, Hoài Huệ, Hồ Thu... Đến năm 2002, đoàn kỷ niệm 40 năm ngày thành lập. Các nghệ thuật truyền thống nói chung, dù hay đến đâu, đẹp đến chừng nào cũng còn những nhược điểm mà các thế hệ nghệ sĩ phải tiếp thu, đồng thời phải cải tiến. Vấn đề này, Bác Hồ đã nói: “Tuồng tốt đấy, nhưng cần phải cải tiến, chớ dẫm chân tại chỗ, song đừng gieo vừng ra ngô!”.
Do đó, nếu chỉ chú ý cái gốc mà quên sự vận động của nó thì chưa chắc đã tìm ra cái bản chất của văn hoá dân tộc. Nếu chỉ đi tìm cái gốc và chỉ giữ gìn cái gốc sẽ rơi vào “nệ cổ”. Nhưng ngược lại, nếu gạt bỏ cái cổ thì rồi sẽ rơi vào một thứ hư vô mất gốc. Vì vậy trong vốn cổ hiện nay, trong đó có bài chòi, các nhà nghiên cứu, sáng tạo, còn cần phải tìm ra sự phát triển cho nó.
|