Về thăm cụ Nguyễn Tiên Điền
10:37', 30/11/ 2006 (GMT+7)

Sinh thời, Đại thi hào Nguyễn Du từng viết: “Bất tri tam bách dư niên hậu/Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”. Hơn 200 năm sau, tao nhân mặc khách khi đến xứ Nghệ ít người bỏ qua cơ hội được về thăm Khu di tích Nguyễn Du thuộc xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân để tỏ lòng ngưỡng mộ một nhà thơ thiên tài.

Nguyễn Du- Đại thi hào của dân tộc Việt Nam với vị trí và tầm vóc khó ai sánh nổi. Với kiệt tác Truyện Kiều, tên tuổi và sự nghiệp của Nguyễn Du không chỉ quen thuộc với mọi tầng lớp nhân dân trong nước mà còn được thế giới biết đến nhiều nhất trong các nhà thơ Việt Nam. Đến nay, Truyện Kiều có 36 bản dịch với 20 thứ tiếng trên thế giới và kiệt tác này đã trở thành một trong 2 tác phẩm duy nhất của nhân loại được người dân cùng để bói(tác phẩm của Hô-me-rơ và Truyện Kiều). Riêng các bài viết về Nguyễn Du và Truyện Kiều của giới nghiên cứu trong và ngoài nước 2 thế kỷ qua, theo thư mục của Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông- Tây lập năm 2005 là 1.550 bài, tuy nhiên, con số này chưa phải là một thống kê đầy đủ.

Khu di tích Nguyễn Du rộng chừng 20 ha, từ bờ sông La đến xứ Đồng Cùng, chỉ cách thành phố Vinh 7km về phía Nam và cách thị xã Hà Tĩnh 50 km về phía Bắc. Đây là một quần thể các di tích gắn liền với sự hình thành và phát triển của dòng họ Nguyễn Tiên Điền.

Vào đầu thế kỷ XVI, Nam Dương công Nguyễn Nhiệm, vị thủy tổ họ Nguyễn đồng thời là một trong những vị thần tổ sáng lập làng Tiên Điền từ huyện Thượng Phúc, trấn Sơn Nam vào bổ nhát cuốc đầu tiên mở đầu công cuộc khai hoang, lập nghiệp tại mảnh đất bãi bồi ven biển “ngổn ngang gò đống” mang tên U Điền. Từ đó cho đến đầu thế kỷ XIX, bằng tinh thần quả cảm, sức lao động cần cù, các thế hệ con cháu dòng họ Nguyễn Tiên Điền đã khai hoang, phục hóa, mở rộng điền trang, địa ấp, dựng nhà, lập làng, trở thành một dòng họ danh tiếng ở Nghi Xuân.

Năm 1965, sau khi Hội đồng Hòa bình thế giới ra nghị quyết kỷ niệm 200 năm năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du trên toàn thế giới cùng với 8 danh nhân khác đã có những đóng góp to lớn cho nền văn hóa nhân loại(12-1964), Khu lưu niệm Nguyễn Du được thành lập và đi vào hoạt động để phục vụ khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu. Tuy nhiên, do giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, chiến tranh ác liệt nên trong khoảng 10 năm, từ 1965 đến 1975, khu di tích này vẫn chưa có điều kiện để nâng cấp, tôn tạo, kể cả bổ sung tư liệu phục vụ trưng bày. Sau khi đất nước được thống nhất, mãi đến những năm 90 của thế kỷ nước, Khu lưu niệm Nguyễn Du mới từng bước được trùng tu, tôn tạo lớn và đến nay đã thực sự trở thành một di tích hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế với hàng vạn lượt khách/năm.

Sau đợt trùng tu, tôn tạo (2001-2004), trên khu đất tổ nghiệp của họ Nguyễn Tiên Điền, bên cạnh những di tích lưu niệm vốn có từ trước, xuất hiện thêm công trình Trung tâm văn hóa Nguyễn Du mà nổi bật nhất là tượng Đại thi hào bằng đồng(tượng cao 1,5m, bệ tượng cao 2,5m), hệ thống nhà trưng bày, thư viện, phòng hội thảo, nhà làm việc Ban quản lý… Hiện nay, khu di tích có trên 2.000 hiện vật, tư liệu về Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn Tiên Điền, trong đó có trên 500 bản truyện Kiều xuất bản qua các thời đại với những cuốn thư pháp  Truyện Kiều lớn nhất, dài nhất Việt Nam và trên 100 tác phẩm liên quan đến dòng họ Nguyễn…Qua tham quan phòng trưng bày rộng 200 m2, trưng bày 3 chủ đề chính: quê hương- dòng họ; thân thế- sự nghiệp Nguyễn Du; ảnh hưởng của Truyện Kiều đối nhân dân trong nước và thế giới, thăm quần thể di tích từ vườn cụ Quận đến mộ Nguyễn Du, du khách sẽ có được một cảm nhận tổng quan về cuộc đời và sự nghiệp của ông.

Tiếp tục nâng cấp, tôn tạo và phát triển khu di tích cho xứng với vị thế và tầm vóc của Nguyễn Du là vấn đề đang được trung ương và tỉnh quan tâm. Hiện nay, Hà Tĩnh đang triển khai dự án xây dựng Khu văn hóa Nguyễn Du theo hướng vật thể hóa và tạo hình hóa làm cho di sản thơ, văn , cuộc đời, dòng họ Nguyễn Du, vùng văn hóa Tiên Điền có thể nhìn thấy, sờ thấy, cảm thấy được qua ngôn ngữ tạo hình  tổng hợp với nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan, điêu khác, hội hoa. Khu văn hóa Nguyễn Du sẽ tái tạo lại không gian xã hội thu nhỏ về Truyện Kiều- Nguyễn Du- Tiên Điền bởi những vườn, nhà, cụm tượng… đầy cảm giác. Diện tích quy hoạch tổng thể của Khu văn hóa Nguyễn Du là  308 ha, nằm trong giới hạn của xã Tiên Điền và được cấu trúc bởi 6 không gian chính: Khu lưu niệm Nguyễn Du, không gian Truyện Kiều, không gian Nguyễn Du, không gian văn hóa Tiên Điền- Nghi Xuân, không gian cộng đồng làng Tiên Điền, không gian du lịch. Đây là một công trình văn hóa tầm cỡ quốc gia mà tổng vốn xây dựng sẽ lên đến nhiều tỷ đồng, tạo nên một không gian văn hóa đặc sắc của Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung về một con người, một dòng họ đáng kính.

. Theo báo Hà Tĩnh

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Công nghiệp Đà Nẵng phát triển theo hướng đa ngành  (28/11/2006)
Khi thiên đường mở cửa  (26/11/2006)
Du lịch Gia Lai: Tìm đường bứt phá  (24/11/2006)
Gốm Bàu Trúc hồi sinh  (23/11/2006)
Nước mắm tép Hà Yên - Thanh Hóa  (22/11/2006)
Để trái thanh long xuất khẩu bền vững  (21/11/2006)
Từ Hàng Đô đến Vạn Tường  (19/11/2006)
Nhìn từ Tuyên bố Hội An  (17/11/2006)
Bài chòi miền Trung  (17/11/2006)
Giếng cổ Champa  (16/11/2006)
Sẽ có một loại còi đuổi voi dữ ?  (16/11/2006)
Người "cổ" ở Hội An  (13/11/2006)
Du lịch biển thêm sản phẩm mới   (10/11/2006)
Lập Hội già làng - sáng kiến của Di Linh  (08/11/2006)
Khi thể thao kết hợp với du lịch và thu hút đầu tư  (07/11/2006)