Đến ngày 1-1-2007, Cát Tiên sẽ tổ chức kỷ niệm 20 năm hình thành và phát triển. Hai mươi năm qua, khát vọng sống và tình yêu mãnh liệt đối với vùng đất cổ, người dân Cát Tiên đã và đang biến nơi đây thành vùng đất “Khi ta ở đất chỉ nơi ta ở/Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”…
Chỉ trong vòng 5 năm qua, Cát Tiên phải hứng chịu ba trận lũ lụt lớn, mỗi một trận cuồng phong đều cướp đi của Cát Tiên hàng trăm tỷ đồng. Vì mất tinh thần bởi toàn bộ công lao trồng trọt nhiều năm bị cuốn phăng chỉ trong một trận lũ… Có người suy luận rằng: các cộng đồng cư dân cổ đã phải từ bỏ vùng đất, từ bỏ thánh địa của tổ tiên chỉ vì lũ lụt? Xét về góc nhìn địa văn hóa, suy luận trên không có cơ sở. Bởi thoạt kỳ thủy, dòng sông Đồng Nai (các tộc người Cơ Ho, Mạ gọi là sông Đạ Đờn, Đa Dăng, Đạ Dờng), không phải chuyển quá tải toàn bộ mực nước của tỉnh Lâm Đồng và thủy điện Thác Mơ như bây giờ.
Theo các chuyên gia thủy lợi, khi xây dựng đập Đa Nhim, người ta đã chặn dòng một con sông, biến nó thành dòng sông chết, đồng thời xây dựng một đập tràn xả lũ về hướng dòng Đạ Đờn. Sở dĩ tốc độ lũ rừng càng ngày càng nguy hiểm là do những tác động quá lớn đến môi trường như: nạn phá rừng làm nương, rẫy trồng trà, cà phê, dâu tằm, nạn khai thác lâm sản, khoáng sản, tốc độ đô thị hóa quá nhanh… Giờ đây, người dân Cát Tiên đang tìm cách chấp nhận, thích nghi và điều chỉnh phương thức sản xuất, sao cho họ có thể sống chung với lũ, như truyền thống ngàn đời của người dân đồng bằng sông Cửu Long.
Ở một vùng đất vừa có đồi, núi, rừng, vừa có một hệ thống sông, suối chằng chịt, nhiều bàu đầm, chen giữa các triền phù sa… thì việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng xây dựng vùng chuyên canh lúa đặc sản, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và mùa vụ. Phát triển chăn nuôi bò thịt gắn với kinh tế đồi rừng như nghị quyết của Đảng bộ Cát Tiên là một hướng đi chấp nhận sống chung với lũ, đồng thời tìm cách thích nghi và điều chỉnh. Theo ông Huỳnh Văn Đẩu, chủ tịch UBND huyện Cát Tiên thì đang vận động nhân dân cải tạo đồng ruộng, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tiến hành xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lúa đặc sản ở các vùng chủ động nước từ các công trình thủy lợi như Phước Cát 1, Phước Cát 2, thị trấn Đồng Nai, Đức Phổ, Phù Mỹ, Gia Viễn, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi với quy mô khoảng 2.900 ha nhằm đảm bảo diện tích gieo trồng hàng năm đạt 5.000 ha. Từ năm 2008-2010 tiến hành đăng ký và xây dựng thương hiệu gạo đặc sản Cát Tiên để tăng thu nhập trên đơn vị diện tích. Đồng thời phát triển diện tích trồng điều trên diện tích đồi sau phân định nông- lâm. Phấn đấu đến năm 2010 diện tích điều đạt trên 4.000 ha. Phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, các loại vật nuôi chính là bò thịt chất lượng cao gắn với phát triển kinh tế trang trại. Khôi phục, phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm. Khai thác tối đa diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản, phấn đấu đến năm 2010 đạt 600-700 ha ao, hồ nuôi trồng thủy sản. Tổ chức cho nhân dân trồng rừng trên diện tích 3.000 ha rừng trên đất nghèo kiệt.
Từ năm 2007-2008, quy hoạch tổng thể thánh địa Cát Tiên có quy mô 100 ha, với kinh phí 137 tỷ đồng, đã được Bộ Văn hóa phê duyệt. Thánh địa Cát Tiên đang được Chính phủ đề xuất với UNESCO phong tặng danh hiệu di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới(gắn với Vườn quốc gia Cát Tiên). Người dân Cát Tiên làm gì để đón nhận và hưởng lợi từ việc này? Trước hết ngoài việc bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, Cát Tiên nên gìn giữ các ngọn núi thiêng, có truyền thuyết như: núi Đá Mái, núi Chơ Reng, đồi Độc Lập, đồi Ma… bằng cách không chặt cây, đốt phá, san ủi… Đồng thời nên để cho tái sinh rừng ở các vùng đất ngập nước như Bầu Sen, Bàu Cá Sấu, Bàu Cá Lóc, Bàu Cá Trắng, Bãi Nai, Bãi Min... Trồng tre và một số loại cây rừng ở các khu vực này để tạo vườn chim, vườn cò… lợi dụng sinh cảnh và môi trường để nuôi rùa, ba ba, cá sấu, lươn, ếch, kỳ đà, tắc kè, nhím… Huyện Cát Tiên nên quy hoạch, xây dựng lại những buôn làng cổ của người Mạ, S’Tiêng như Buôn Go, Buôn Bù Đạt, Bù Khiêu để du khách thụ hưởng không gian văn hóa cồng chiêng, người dân bán thổ cẩm… Với tinh thần năng động, sáng tạo, người dân Cát Tiên đang kế thừa sự lựa chọn đầy thông minh của cộng đồng cư dân cổ.
. Theo báo Lâm Đồng
|