|
Việc sản xuất cây bông vải đã mang lại hiệu quả kinh tế không nhỏ đối với nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Chư Jút. |
Trong những năm qua, việc sản xuất cây bông vải đã mang lại hiệu quả kinh tế không nhỏ đối với nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Chư Jút…
Trong những năm qua, việc sản xuất cây bông vải đã mang lại hiệu quả kinh tế không nhỏ đối với nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Chư Jút. Với những lợi thế về đất đai, khí hậu, cây bông vải được huyện Chư Jút chú trọng và đưa vào cơ cấu cây trồng hàng năm nhằm tăng hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân tại đia phương. Tuy nhiên, việc sản xuất và phát triển diện tích cây bông vải vài năm gần đây vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định. Đó là do giá cả của các sản phẩm cây trồng khác trong cùng thời vụ như ngô lai, đậu nành, đậu phụng tăng cao, làm ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển diện tích của cây bông vải. Để khuyến khích phát triển diện tích bông vải tại các địa phương, Công ty cổ phần Bông Tây Nguyên đã có những chính sách ưu đãi giúp người trồng bông đảm bảo thu nhập. Theo báo cáo của công ty thì năm 2006, diện tích bông vải trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vẫn chưa đạt được chỉ tiêu kế hoạch đặt ra. Trong đó, huyện Chư Jút được xem là vùng trồng bông vải lớn của tỉnh cũng chỉ gieo trồng được 650 ha, đạt 60% kế hoạch. Xã Ea Pô: 240 ha, Chư Knia: 190 ha, Nam Dong: 94 ha, Đăk Wil: 71 ha, Đăk Rông: 48 ha và Tâm Thắng: 6 ha.
Theo anh Ngô Minh Nhật, trạm trưởng Trạm bông Chư Jút để giúp bà con nông dân có đủ điều kiện sản xuất bông vải, ngoài việc thực hiện bảo hiểm giá mua bông hạt ngay từ đầu vụ là 6.000 đồng/kg, công ty còn thường xuyên duy trì hoạt động của các tổ nhóm nhân viên kỹ thuật bám sát địa bàn, hướng dẫn cho bà con nông dân tổ chức sản xuất đạt hiệu quả cao nhất. Công ty cũng đã triển khai thực hiện hiệu quả chương trình trợ giá cước giống bông của tỉnh và của công ty đến với người dân. Riêng vụ bông năm 2006, trên địa bàn huyện Chư Jút tổng số vốn đầu tư của công ty đã lên đến 1,2 tỷ đồng, bình quân suất đầu tư trên một ha là 1,9 triệu đồng. Công ty còn áp dụng kỹ thuật gieo trồng mới, tăng mật độ cây trên một đơn vị diện tích. Biện pháp giúp nông dân tiết kiệm được đất, nhưng vẫn đảm bảo được năng suất sẽ cao hơn so với cách gieo trồng trước đây. Đáng chú ý là mô hình xen canh bông vải với ngô lai được áp dụng rộng rãi, tạo thêm thu nhập cho người trồng bông.
Đến thời điểm hiện nay, hầu hết các trà bông trên địa bàn Chư Jút đều sinh trưởng phát triển tốt, bà con nông dân đang chuẩn bị bước vào thu hoạch. Dự kiến sản lượng bông năm nay trên địa bàn huyện ước đạt 1.200 tấn bông hạt, năng suất bình quân đạt 18,5 tạ/ha. Nhằm thu mua hết sản lượng bông trong dân, công ty đã tập huấn cho nông dân biết về việc phân loại sản phẩm để thuận lợi cho việc chế biến của nhà máy. Giá mua của sản phẩm là 6.000 đồng/kg.
Diện tích bông vải năm nay tuy có giảm hơn so với mọi năm nhưng ngành bông vẫn kiên trì bám ruộng để tiếp tục đầu tư, hướng dẫn cho nông dân tổ chức chăm sóc, thu hoạch. Bước vào vụ thu hoạch năm nay, bông vải vẫn nở trắng trên đồng đất Chư Jút.
. Theo báo Đăk Nông