Vì sao cửa khẩu Cầu Treo bị... chê
13:44', 11/12/ 2006 (GMT+7)

Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) từng sầm uất, náo nhiệt thu về cho Nhà nước từ 400 đến 500 tỷ đồng mỗi năm. Những tháng cuối năm này, nơi đây vắng vẻ đến lạ thường.

Cách đây năm, sáu năm, thị trấn Tây Sơn (giáp biên giới) tràn đầy hàng hóa, chủng loại đa dạng từ đồ điện tử, ti vi, máy lạnh, quạt điện đến hàng mỹ phẩm, gạo nếp, rượu, bánh kẹo… chẳng thiếu thứ gì. Thế nhưng, nay hàng hóa chỉ lèo tèo đôi chai rượu, nước ngọt, gói bánh… mà người dân phải sang tận Lạc Xao (tỉnh Bô Ly Khăm Xay, Lào) để mua về, chủ yếu bày bán phục vụ những tháng áp Tết.

Những tháng cuối năm này, cửa khẩu Cầu Treo vắng đến lạ thường.

Tại Cửa khẩu Cầu Treo cán bộ hải quan và biên phòng như rảnh rỗi hơn. Thủ tục thông quan chủ yếu làm vào buổi chiều nhưng cũng chỉ có vài chiếc xe đò 12 chỗ đậu ven khu vực cửa khẩu. Theo chị Nguyễn Thị Hương, một thương nhân thì trước kia tấp nập lắm. Giờ trông mà buồn. Chờ mấy tháng cuối năm thì… Trót theo cái nghề buôn rồi, bỏ chẳng biết làm gì.

Theo ông Nguyễn Quang Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, tình hình này không phải mới xảy ra mà đã 2 năm nay hàng hóa về không nhiều. Từ khi Quyết định 177(sau này thay thế bằng Quyết định 53) của Thủ tướng Chính phủ ra đời và có hiệu lực, cho phép các địa phương giữ lại nguồn thu để tái đầu tư cho Khu kinh tế Cửa khẩu, không phải nộp vào ngân sách Trung ương. Lẽ ra, Hà Tĩnh phải mừng hơn là lo vì được hưởng một cơ chế ưu đãi đặc biệt như vậy. Thế nhưng cũng từ đây đã phát sinh nhiều bất cập mà lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh không thể lường trước được.

Theo quy định trước đây tất cả hàng hóa khi qua cửa khẩu nào, bắt buộc phải mở tờ khai và nộp thuế ngay tại cửa khẩu đó. Nhưng theo quy định tại Quyết định 177 có lợi cho các doanh nghiệp (DN) hơn. Hàng qua cửa khẩu chỉ làm thủ tục thông quan, kẹp chì và chủ hàng tự quyết định lựa chọn bất kỳ một đơn vị hải quan nào trong nước để mở tờ khai. Điều đó có nghĩa nếu Hà Tĩnh muốn các DN mở tờ khai tại địa phương mình thì phải đưa ra các cơ chế thông thoáng, có cơ sở vật chất đảm bảo, đội ngũ kiểm hóa đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của các DN. Xem ra 3 tiêu chí trên, hiện nay Cửa khẩu Cầu Treo mới có được 1.

Để các DN lựa chọn làm điểm mở tờ khai, nơi đó phải có kho, bến bãi thoáng, rộng đảm bảo hàng hóa của họ khi mang ra kiểm tra không bị môi trường tác động hư hỏng. Thế nhưng cho đến nay, nơi đây vẫn chưa có một địa điểm nào đáp ứng được yêu cầu này.

Vấn đề thứ 2, hầu hết các DN muốn mở tờ khai tại cửa khẩu nhưng lại sợ trong quá trình vận chuyển bị các cơ quan chức năng sau cửa khẩu “làm khó”. Theo anh Phạm Minh H, giám đốc Cty TNHH tại Nghệ An thì Theo Luật Hải quan và Quyết định 177 thì hàng được kẹp chì (chưa mở tờ khai) thì không được kiểm tra, kiểm soát. Như vậy, nếu chúng tôi hoàn chỉnh mọi thủ tục ở cửa khẩu rồi thì các đơn vị kiểm lâm, quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế, thuế vụ… họ có quyền kiểm tra, gây khó dễ.

Một thực trạng buồn trên quốc lộ 8A gây phản cảm cho các DN. Hàng hóa qua lại ít nhưng có quá nhiều trạm, đội kiểm tra, kiểm soát. Ngoài lực lượng Hải quan, biên phòng nơi đây còn phát sinh một Trạm kiểm soát liên ngành, đội tuần tra cảnh sát giao thông từ tỉnh đến huyện, thuế vụ, quản lý thị trường, kiểm lâm và nhiều điểm ‘bắn lén” tốc độ. Mấy năm trở lại đây, một số DN đã chuyển sang chạy tuyến đường 7 và 46 (Nghệ An), đường 9 (Quảng Trị), đường 12 (Quảng Bình) để vận chuyển hàng hóa.

Muốn các DN chọn Cầu Treo là nơi thông thương, trước hết chúng ta phải tạo ra một cơ chế thông thoáng ngay tại cửa khẩu. Bên cạnh đó cần phải hạn chế, giảm bớt các trạm kiểm tra kiểm soát không cần thiết trên đường 8A, Thượng úy Võ Trọng Hải, Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng, Trưởng Khu hành chính Cửa khẩu Cầu Treo nhận xét.

. Theo báo Tài nguyên và Môi trường

In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bông vẫn trắng trên đồng đất Chư Jút  (10/12/2006)
Chu Lai trong diện mạo mới  (07/12/2006)
Nghề đan mây tre lá ở Vạn Ninh  (06/12/2006)
Kon Tum - Atapư - Ratanakiri hợp tác chặt chẽ và toàn diện  (04/12/2006)
Tìm lối đi cho Cát Tiên  (01/12/2006)
Về thăm cụ Nguyễn Tiên Điền  (30/11/2006)
Công nghiệp Đà Nẵng phát triển theo hướng đa ngành  (28/11/2006)
Khi thiên đường mở cửa  (26/11/2006)
Du lịch Gia Lai: Tìm đường bứt phá  (24/11/2006)
Gốm Bàu Trúc hồi sinh  (23/11/2006)
Nước mắm tép Hà Yên - Thanh Hóa  (22/11/2006)
Để trái thanh long xuất khẩu bền vững  (21/11/2006)
Từ Hàng Đô đến Vạn Tường  (19/11/2006)
Nhìn từ Tuyên bố Hội An  (17/11/2006)
Bài chòi miền Trung  (17/11/2006)