So với các vùng, miền trong tỉnh Quảng Bình, người dân sống ở vùng cát ven biển đang còn nhiều khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, vùng đất cát ven biển lại có lợi thế để phát triển trồng rừng kinh tế, trồng cỏ phục vụ cho chăn nuôi… Những năm qua, có nhiều mô hình phát triển kinh tế vùng cát ven biển ở Quảng Ninh và Lệ Thủy mang lại hiệu quả kinh tế cao, đã mở ra hướng làm ăn mới cho người dân vùng cát.
Diện tích vùng đất cát ven biển Quảng Bình chưa được khai thác hiện còn khá lớn. Trên địa bàn 5 huyện, thành phố trong tỉnh có khoảng 35.000 ha đất cát chạy dọc theo bờ biển, nhưng chủ yếu tập trung ở 2 huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh.
Do đặc điểm tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, vùng đất cát không phù hợp cho việc trồng trọt các loại cây công nghiệp, nông nghiệp. Mùa hè chịu ảnh hưởng của gió tây nam làm cho khí hậu vùng cát rất khắc nghiệt, khó có loại cây trồng nào phát triển được. Tuy vậy, đất cát rất thích hợp để trồng cây phi lao và một số cây lâm nghiệp chịu hạn.
Người đi tiên phong trong việc chinh phục vùng đất cát ở Quảng Bình là ông Lê Ngọc Lễ, ở xã Gia Ninh (Quảng Ninh). Năm 1995 ông mạnh dạn đứng ra nhận vùng cát trắng ở ven biển xã Hải Ninh từ Lâm trường Nam Quảng Bình để trồng rừng chống cát bay, cát chảy. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài ông đã chọn những vùng đất cát trũng thấp, gần khe nước để trồng các loại cây ngắn ngày như khoai lang, sắn, ngô, lạc, đồng thời làm một vườn ươm cây phi lao, bạch đàn, tràm hoa vàng, với 50 vạn cây giống mỗi năm. Tiếp đến, ông nhận trồng 250 ha rừng trên cát từ dự án 4301, ARCD… do Lâm trường giao lại. Ngoài ra ông tự bỏ vốn ra trồng được 50 ha rừng cho gia đình và nhận bảo vệ chăm sóc thêm 500 ha rừng trồng của Lâm trường. Bây giờ ông đã có một trang trại kết hợp trồng rừng với chăn nuôi lợn theo mô hình công nghiệp có quy mô lớn nhất, nhì tỉnh Quảng Bình.
Ở xã Thanh Thủy(Lệ Thủy) có mô hình HTX trồng rừng do ông Phan Văn Lý, một nông dân thành lập khá ấn tượng, mô hình HTX hoạt động theo kiểu gia đình, có nghĩa là ông tự bỏ vốn ra và xin nhận cát trồng rừng và kêu gọi người dân trong thôn tự nguyện tham gia HTX. Năm 1999, lúc HTX này mới hình thành chuyên sản xuất công giống lâm nghiệp có quy mô nhỏ, nhưng đã có 28 xã viên tự nguyện xin vào HTX. Nhờ biết nắm bắt xu hướng phát triển ngày càng mạnh mẽ của cây lâm nghiệp trên vùng đất cát, nên quy mô HTX càng thêm mở rộng. Ông đã bỏ tiền ra đóng BHXH, BHYT cho tất cả xã viên và tạo việc làm ổn định với mức thu nhập 700- 800.000 đồng/người/tháng. Vào thời vụ trồng rừng, HTX của ông còn thu hút thêm vài chục lao động nữa. Hàng năm, HTX đã tạo được 1 đến 2 triệu cây giống phục vụ cho nhu cầu trồng rừng của người dân vùng cát và một phần dùng để trồng rừng của HTX. Hiện tại ngoài các vươn ươm cây giống ra, HTX đã trồng được 120 ha rừng vành đai chắn cát, trong đó có 15 ha rừng đầu nguồn nước. Rừng của HTX phát triển khá tốt, cây mới trồng 3-5 năm đã có đường kính 10-20 cm, cao 10 m, cỏ sữa để nuôi 60 con bò lai sind và đào ao nuôi cá, giải quyết việc làm cho 50 lao động.
Các xã vùng cát đang phát triển mạnh mô hình trồng cỏ kết hợp nuôi bò lai sind mà dẫn đầu phong trào này là xã Hồng Thủy. Hai năm qua, Hồng Thủy đã phát triển đàn bò được 600 con, trong đó có 200 bò lai sind, chủ yếu nuôi ở các đồng cỏ trên vùng cát ven biển. Toàn xã có 50 hộ gia đình nhận đất cát để trồng 750 ha rừng phòng hộ và rừng kinh tế. Các xã vùng cát Lệ Thủy, Quảng Ninh thực sự được đổi đời khi Nhà nước đầu tư tuyến đường giao thông xuyên suốt vùng cát từ Bảo Ninh đến Ngư Thủy Nam và hệ thống đường ngang nối trung tâm các xã với Quốc lộ 1A. Hệ thống điện lưới quốc gia cũng đã về tận từng hộ gia đình của bà con nông dân vùng cát. Trong đó 55000 ha cát trắng dọc bờ biển của Lệ Thủy, Quảng Ninh đã được quy hoạch để giao cho các hộ dân trồng rừng kinh tế. Đất cát vùng này có thể trồng được cây phi lao, cây keo lai, tràm hoa vàng và cây điều lộn hột. Lâm trường Nam Quảng Bình đã trồng cây phi lao từ những năm 60 của thế kỷ trước nay tạo thành rừng phòng hộ, chắn cát rất hiệu quả.
Các mô hình trồng rừng trên cát của bà con nông dân xã Gia Ninh, Võ Ninh, Thanh Thủy, Hưng Thủy… với các loại cây keo lai, tràm hoa vàng, bạch đàn… cũng khá thành công. So với việc trồng cây lâm nghiệp trên vùng đồi, cây vùng cát chậm phát triển hơn và năng suất cũng thấp hơn, nhưng bù lại vốn đầu tư ban đầu (khai hoang, cuốc hồ, vận chuyển…) trồng rừng trên cát thấp hơn: 1 ha đất cát cần đầu tư 6 triệu đồng để trồng rừng kinh tế, sau 7 năm thu hoạch được giá trị 40-50 triệu đồng, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Hiện nay có gần 2000 ha bạch đàn, tràm hoa vàng, keo lai ở vùng cát ven biển ở Quảng Bình sắp đến thời kỳ khai thác, với giá bán bình quân 40-50 triệu đồng/ha sẽ tạo ra động lực lớn thúc đẩy phong trào trồng rừng trên cát phát triển.
. Theo báo Quảng Bình
|