Từ lâu hình ảnh chùa Long Sơn với tượng Kim Thân Phật Tổ (tượng Phật Trắng) trên đỉnh đôi Trại Thủy đã in vào trí nhớ của người dân và du khách đến thăm xứ Trầm Hương: “Ai về viếng cảnh Khánh Hòa/Long Sơn nên ghé, Tháp Bà đừng quên/Kim Thân Phật Tổ nhớ lên/Nhìn ông Phật Trắng ngồi trên lưng trời”.
Chùa Long Sơn không phải là ngôi chùa cổ nhất, nhưng là ngôi chùa bề thế và nổi tiếng nhất Khánh Hòa. Chùa tọa lạc tại số 20 đường 23-10, ngay dưới chân đồi Trại Thủy, cách trung tâm T.P Nha Trang khoảng 1 km. Dưới con mắt của các nhà địa lý xưa, Nha Trang là vùng đất lạ, quý hiếm, bởi có “tứ thủy triều quy, tứ thú tụ”(nghĩa là bốn mặt có nước bao bọc, có bốn quả núi mang hình bốn con thú tụ về); một trong bốn quả núi đó chính là hòn Trại Thủy mang hình con dơi, trước núi (phần đầu con dơi) có một bàu nước tròn như mặt trăng nên gọi là “Ngọc bức hàm hoàn” nghĩa là “Dơi ngậm vòng ngọc”. Nói về hòn Trại Thủy như vậy để thấy, chùa Long Sơn nằm ở một địa thế hết sức độc đáo, có sự kết hợp hài hòa với cảnh sắc thiên nhiên, phù hợp với luật phong thủy của người phương Đông xưa.
Chùa Long Sơn được nhà sư Ngộ Chí (sinh năm 1856, pháp danh Phổ Trí, tên tục là Nguyễn Tám Văn Nghi, theo dòng Thiền Lâm tế đời thứ 39) lập năm 1886. Ban đầu, chùa là một căn nhà mái tranh vách lá nằm trên đỉnh đồi Trại Thủy(ngay tại vị trí Phật Trắng bây giờ) với tên gọi là Đằng Long tự. Năm Canh Tý 1900, chùa bị sập hoàn toàn sau trận bão mạnh, nên vị tổ khai sơn chùa quyết định dời chùa xuống chân đồi Trại Thủy như ngày nay. Khi dời xuống chân đồi, sư Ngộ Chí cho xây một ngôi chùa nhỏ một giàn hai chái rồi đổi tên chùa từ Đằng Long tự thành Long Sơn tự. Nhà sư vốn theo học nghề mộc, biết chạm trổ, nên đã tự tay làm bảng hiệu “Long Sơn tự- Duy Tân Giáp Dần”, tạc 3 tượng (Phật Thích Ca, Di Lặc và Đại Phổ Trí), mõ hình cá chép… Hiện nay, mộc bản và mõ hình cá chép của sư tổ còn được lưu giữ tại chùa. Năm 1936, tuân theo di nguyện của sư tổ Ngộ Chí , gia tộc họ Nguyễn đã tiến cúng toàn bộ tài sản của chùa Long Sơn cho Hội An Nam Phật học để làm trụ sở chấn hưng Phật giáo Khánh Hòa. Chùa trở thành trụ sở của Giáo hội Phật giáo Khánh Hòa từ đó đến nay, Năm Bảo Đại thứ 14 (1938), chùa được vua ban “Sắc tứ Long Sơn tự”. Chứng tỏ, lúc bấy giờ Long Sơn đã trở thành một ngôi chùa danh tiếng, có phạm vi ảnh hưởng rộng trong đời sống tinh thần nhân dân và Phật tử Khánh Hòa.
Kiến trúc hiện nay của chùa Long Sơn là kết quả của 2 lần đại trùng tu vào năm 1941, 1971. Để vào chùa, khách phải đi qua Tam quan (được làm theo kiểu tứ trụ). Sau tam quan là con đường dẫn thẳng đến ngôi chùa chính với cảnh trí hài hòa giữa kiến trúc và cây cỏ thiên nhiên. Khuôn viên chùa có chiều rộng 44,5 m, chiều dài hơn 72 m được bố trí theo hình chữ công (chữ Hán)- kiểu kiến trúc thường gặp trong các ngôi chùa cổ. Chính điện rộng 1.670 m2, đủ chỗ cho hàng trăm Phật tử cùng làm lễ một lúc. Vào ngày rằm, cuối tháng, các ngày lễ (Phật Đản, Vu Lan)… Phật tử đến dâng hương cầu nguyện rất đông. Đáng chú ý, ở đây có một tượng Phật Tổ bằng đồng đang ngồi thuyết pháp, cao 1,6m, nặng 700 kg, được đặt tại vị trí trang trọng nhất trên bệ thờ, đằng sau là bức trướng hình lá đề chạm khắc tinh xảo và mạ nhũ vàng. Phía trước, sau cửa chính vào chính điện có bệ thờ đặt tượng Phật Bà trăm tay nghìn mắt, được chạm khắc rất tinh xảo và sống động, Nhà Đông của chùa được xây dựng theo kiểu một bảo tháp, nhà Tây gần giống với đại sảnh, được dùng làm nơi tiếp khách, đàm đạo, bởi ngay bên cạnh là giảng đường của trường Trung cấp Phật học và trụ sở của Giáo hội Phật giáo Khánh Hòa.
Xuyên suốt cảnh chùa Long Sơn là 193 bậc tam cấp từ chân lên đến đỉnh đồi Trại Thủy. Ra khỏi chùa, bước lên 44 bậc, du khách gặp trên sườn đồi bức tượng Phật Tổ nhập Niết Bàn (đắp bằng xi măng) dài 17 m, cao 5 m. Đức Phật nằm nghiêng hướng về phía Nam, đầu quay về hướng Tây và kê lên một bàn tay, tay còn lại đặt dọc hông, hai chân duỗi thẳng. Đằng sau tượng là một bức phù điêu cao 5m, chạy dài theo bức tượng mô phỏng cảnh 49 đệ tử túc trực niệm Phật… Lên cao chừng 5 m nữa theo sườn đồi, du khách sẽ gặp một tháp chuông với quả đại hồng chung (chuông lớn) cao 2,2m, nặng 1.500 kg được Phật tử ở Huế dâng cúng năm 2002. Trên chuông có chạm khắc 2 bài thơ tứ tuyệt với ý tứ sâu xa, đậm tính Thiền.
Cao nhất trên đỉnh đồi Trại Thủy là bức tượng Kim Thân Phật Tổ (còn được gọi là Phật Trắng) đang ngồi thuyết pháp, nơi mà du khách không bao giờ bỏ qua khi ghé thăm chùa Long Sơn. Tượng cao 21 m, trong đó đài sen làm đế cao 7 m xung quanh chậm khắc hình các hòa thượng, đại đức lần lượt tự thiêu trong thời gian từ tháng 4 đến 9-1963 để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật tử. Thấp hơn chân đế vài mét là những bức tường được chia thành từng ngăn nhỏ để chứa hàng ngàn hũ tro hài cốt các gia đình Phật tử gởi. Mỗi khi đến chùa lễ Phật, khách còn có dịp thắp hương cho người đã khuất. Đến với đỉnh đồi Trại Thủy nơi có bức tượng Phật Tổ đang ngồi, du khách có thể nhìn thấy toàn cảnh Nha Trang với những cảnh sắc thiên nhiên lộng lẫy. Được biết, hiện nay Trung tâm Quản lý di tích- danh lam thắng cảnh đang có ý định để cử chùa Long Sơn trở thành “Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia”. Đó sẽ là tin vui với những ai yêu mến ngôi chùa này.
. Theo báo Khánh Hòa |