Làng đúc Phước Kiều (Quảng Nam) là làng đúc nối tiếng nhưng nay đang lặng lẽ, tẻ buồn. Sự sống như đã rời bỏ làng nghề.Nghệ nhân Dương Nhi ngồi lặng lẽ nơi góc xưởng của gia đình cùng với những khuôn đúc ám đầy bụi thời gian. Ông hồi tưởng về thời huy hoàng của mấy mươi năm trước, để rồi buông tiếng thở dài khi làng đúc giờ đây chỉ là một không gian lặng đến tê người…
Đã bước sang tuổi 81, nghệ nhân Dương Nhi được xem là người có tuổi nghề cao nhất của làng đúc Phước Kiều. Theo cụ Nhi, trước kia, chưa đến cổng làng đã nghe âm thanh rộn rịp của làng vang vang. Giờ đây, ở Phước Kiều không còn tiếng gọi nhau í ới, không còn tiếng phù phù của lò lửa, không còn tiếng gõ đồng thử âm của các nghệ nhân. Sản phẩm không có đầu ra, nghề của làng dần bị mai một. Đám trai trẻ, lớp truyền nhân kế cận của làng hầu hết đều tha hương tìm kế mưu sinh. Cứ bám làng thì biết lấy gì mà sống?
Nhớ ngày có quyết định khôi phục làng nghề, bọn trẻ lũ lượt kéo về. Đứa nào cũng háo hức được trở lại với nghề của cha ông… Thế rồi chờ mãi, sắp nhỏ cũng chỉ được tham gia mấy cái lễ hội, hội chợ, rồi lại thôi. Ngồi không thì đói lại một lần nữa đành khăn gói ra đi.
Cách đây chừng 20 năm, vào thời hưng thịnh nhất, lò đúc của ông ngày nào cũng có hơn 20 thợ. Người thổi lửa, người nấu đồng, người đổ khuôn… làm không kể ngày đêm. Người dân làng đúc Phước Kiều thuở ấy sống khá sung túc. Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó. Ngoài việc đúc các nhạc cụ dân tộc như cồng, chiêng… cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Nam và các tỉnh lân cận như Bình Định, Phú Yên và các tỉnh khu vực Tây Nguyên, làng đúc Phước Kiều còn sản xuất cả xoong, nồi và nhiều vật dụng gia đình bằng nhôm rất bền và đẹp. Vậy mà giờ đây, hàng chục lò đúc trong làng phải rơi vào tình cảnh lạnh lẽo đến nao lòng. Làng lặng yên, nghệ nhân cũng lặng lẽ.
Theo nghệ nhân Dương Ngọc Sang, thời buổi kinh tế thị trường, nghề nào, sản phẩm nào cũng phải tính đến đầu ra. Với sản phẩm đồng Phước Kiều, tiếng thì có nhưng miếng thì đã mất từ lâu rồi. Dọc theo tuyến quốc lộ 1A, đoạn qua khu vực xã Điện Phương (Điện Bàn) đâu đâu cũng thấy quầy hàng trưng bày và bán các loại sản phẩm đồ đồng với bảng hiệu Làng đúc Phước Kiều. Nhưng thực tế, đa phần là những sản phẩm đồng được đem từ Huế, TP Hồ Chí Minh về bán và lấy danh tiếng của làng đúc Phước Kiều. Tất cả sản phẩm bày bán ở các quầy hàng cũng được làm rất tinh xảo, nhưng lại có giá thấp hơn so với của Phước Kiều 150-200 nghìn đồng/sản phẩm. Bởi tại Huế, TP Hồ Chí Minh, với sự can thiệp của công nghệ máy móc, mỗi ngày có thể cho ra đời hàng trăm chiếc lư đồng và các sản phẩm khác với giá thành rẻ, mẫu mã đẹp…Thử hỏi, làm thủ công như Phước Kiều thì làm sao cạnh tranh được?
Theo những người thợ trẻ ở Phước Kiều thì nếu được Nhà nước hỗ trợ thì chúng tôi sẽ về, sẽ làm việc hết mình. Tất nhiên, sản phẩm làm ra bằng phương pháp thủ công kiểu của Phước Kiều không thể đem so sánh với những sản phẩm chế tạo hàng lọat. Sản phẩm thủ công bao giờ cũng có giá trị riêng, thậm chí là giá trị nghệ thuật như dạng sản phẩm độc nhất. Tự dưng bỏ ngang nghề truyền thống làm sao không tiếc nuối.
Cái ước vọng vực dậy làng nghề cuồn cuộn trong những người con của làng nghề Phước Kiều. Những ước vọng rát bỏng cả trời chiều, cứ cuốn theo tôi trong suốt chặng đường về.
. Theo Báo Quảng Nam
|