Trước năm 1945, người Pháp chọn Sông Cầu là tỉnh lỵ Phú Yên vì nơi đây có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, trong đó đáng chú ý là tiềm năng về du lịch.
Sông Cầu có địa hình đa dạng, nhiều đồi núi nhấp nhô, nhiều nhánh núi đâm ngang ra biển Đông tạo nên các bán đảo như Tuy Phong, Tứ Nham, các đầm vịnh như Cù Mông, Xuân Đài. Bờ biển Sông Cầu dài trên 80 km, có nhiều vùng vịnh đẹp còn nguyên sơ chưa được khai thác. Vịnh Xuân Đài với diện tích mặt nước 13.000 ha, đầm Cù Mông 2.655 ha với độ sâu trung bình từ 2 đến 8 mét nước trong xanh, không có sóng lớn, có nhiều hải sản như tôm, cá, ghẹ, cua…
|
Với không gian biển trời, sông nước hữu tình Sông Cầu có thể xây dựng các làng du lịch hài hóa với thiên nhiên.
|
Với những lợi thế như vậy, Sông Cầu có thể xây dựng các làng du lịch hài hóa với thiên nhiên như bờ biển được hình thành bởi sự mài mòn bề mặt trên đá tạo nên hình thù kỳ thú như rồng bay, thằn lằn biển. Qua cầu Tam Giang rẽ tay trái đi trên con đường nhỏ láng nhựa ngoằn ngoèo, lúc cao lúc thấp, một bên là vách núi có cây xanh mượt mà mai đây sẽ xây dựng những biệt thự nhỏ nhìn xuống vịnh Xuân Đài. Đảo Nhất Tự Sơn cây cối sum suê soi bóng mà người dân nơi đây tín ngưỡng gọi là “Cây bà” không chặt phá. Các loại cây như trắc dây, kiền kiền, hương sao v.v… lâu năm ở biển đảo có hình thù rất đẹp, là điểm du lịch nghỉ dưỡng, ngắm cảnh hấp dẫn.
Từ Quốc lộ 1A vòng quanh phía đông bắc của vịnh Xuân Đài thuộc xã Xuân Thịnh, bên trái là vòng cung của núi, cây lá xanh tươi, bên phải là mặt nước vịnh Xuân Đài trong xanh trải rộng. Gắn với những vùng vịnh đẹp kín gió là những bờ cát trắng trải dài uốn cong như Vũng Chào, Vũng La, Vũng Me… Với lợi thế tự nhiên đó, những nơi này hoàn toàn có thể trở thành các điểm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách.
Đứng trên đỉnh dốc Găng phía nam thị trấn ở độ cao 80 mét so với mặt nước biển, ta nhìn thấy toàn bộ thị trấn Sông Cầu hiện đang được quy hoạch thành thị xã, gắn với phố phường, làng chài là những thảm dừa xanh ngút ngàn. Đô thị ấy đang lớn lần trên bờ vịnh Xuân Đài. Ngày mai đây nếu có đường cáp treo hoặc chiếc cầu từ đảo Nhất Tự Sơn bắc qua vịnh Xuân Đài đến Vũng Chào, Vũng Me để gắn kết các điểm du lịch lại gần hơn, khách du lịch không thể không đến với Sông Cầu! Thác Cây Đu phía tây cách thị trấn 5 km, ở độ cao 20 mét nước chảy quanh năm tung bọt trắng xóa là cảnh đẹp của thiên nhiên còn hoang sơ chưa được khai thác.
Dọc tuyến đường từ Xuân Phương - Xuân Cảnh đến Xuân Bình, phía tây là núi Yên Beo, làng mạc dưới bóng dừa, phía đông là nhà hàng quán ăn hải sản xinh đẹp được quy hoạch có những không gian trống nhìn vịnh Xuân Đài. Khu du lịch liên vùng trên đường quốc lộ 1D, như điểm du lịch sinh thái Bãi Rạng, Bãi Bàng… ở Xuân Hải - Sông Cầu cùng với Gành Ráng, Quy Hòa- Bình Định tạo thành chuổi các điểm du lịch. Các điểm du lịch khai thác địa hình tự nhiên, tạo những điểm nhìn lý tưởng ra biển Đông, hạn chế tối đa san ủi làm biến dạng sạt lở địa hình, các công trình kiến trúc xây dựng thấp tầng. Dọc theo sườn núi phía tây là rừng cây xen lẫn nhà ở kiểu trang trại thành những làng lâm nghiệp kết hợp du lịch cho thuê nghỉ dưỡng trong tương lai.
Về du lịch văn hóa, lịch sử và tín ngưỡng ở Sông Cầu có các di tích như Hòn Nân, Hòn Hương, Mả Chín Tầng, di tích khảo cổ học Gò Ốc, miếu Công Thần… trên đường đèo Cây Cưa đi La Hai- Đồng Xuân. Cách thị trấn 4 km, chùa Triều Tôn linh thiêng xây dựng từ lâu nằm bên sườn núi nhìn ra cánh đồng lúa, những địa danh trên nay mai là điểm đến của khách du lịch, là niềm tự hào của người dân Sông Cầu.
Tiềm năng du lịch Sông Cầu là rất lớn, vấn đề còn lại là sự tổ chức, quảng bá, kêu gọi đầu tư hình thành những tuyến du lịch như thế nào để khai thác những tiềm năng thiên phú đó.
. Theo báo Phú Yên |