Đến thời điểm này, trên 100 hộ đồng bào dân tộc Bah Nar ở làng Kon Klor, phường Thắng Lợi, thị xã Kon Tum (tỉnh Kon Tum) đã có cuộc sống ổn định. Nhiều hộ gia đình có mức thu hàng năm từ 25 đến 30 triệu đồng. Tuy nhiên Kon Klor còn được nhiều người biết đến bởi nơi đây là làng văn hóa, làng thanh niên tiêu biểu của thị xã.
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhà rông văn hóa của làng Kon Klor vào loại đẹp và to nhất ở tỉnh Kon Tum trị giá gần 250 triệu đồng đã được khánh thành và đưa vào sử dụng, minh chứng cho sự phát triển và đổi đời của người dân bên dòng sông Đak Bla này.
Già làng A Chăm nói: "Chúng tôi đã làm lại nhà kiên cố, mở rộng đường làng, xây dựng trường học mới, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa, cùng với chính quyền lo cho dân ngày càng giàu lên. Đặc biệt tất cả những cặp vợ chồng mới cưới đều được vận động sang vùng đất Đak Rơ Wa lập nghiệp và họ đang có những tín hiệu vui về phát triển kinh tế gia đình. Làng còn thành lập đội cồng chiêng, múa xoang để phục vụ trong các dịp lễ hội văn hóa của làng".
Cũng theo già làng A Chăm tất cả các hộ gia đình trong làng đều đăng ký thực hiện ăn sạch, ở sạch, chăn nuôi có chuồng trại, 43 hộ đã có giếng nước sạch. 100% số trẻ em trong độ tuổi được đến trường, hơn 100 em đã tốt nghiệp PTTH và đã có 2 em đang theo học đại học ngoại ngữ và sư phạm, 30 cặp vợ chồng thực hiện sinh từ 1 đến 2 con.
Nét nổi bật trong việc phát triển kinh tế- xã hội của làng thời gian qua là việc đẩy mạnh các ngành nghề truyền thống theo nghị quyết của chi bộ. Theo chị Y Hạnh, tổ trưởng tổ dệt thổ cẩm thì tổ có 15 chị em chuyên dệt các mặt hàng khăn, quần, áo, túi… mỗi tấm chăn đắp bán được 600 ngàn đồng. Ngoài tổ dệt còn tổ đan lát hàng thủ công mỹ nghệ như nhà rông, đàn tơ rưng, gùi… cũng là một nguồn thu thường xuyên của bà con trong làng.
Được biết, tổ dệt của làng đã liên kết hợp đồng với một số cơ sở ở TP Hồ Chí Minh trong việc tiêu thụ hàng thổ cẩm, đây là tín hiệu vui cho việc phát triển nghề truyền thống của bà con các dân tộc ở Kon Tum. Theo chị Y Le, một người dân trong làng thì muốn làm giàu, người dân phải dựa vào sức mình là chính, không được trông chờ, ỷ lại vào nhà nước, phải học tập cái mới phải cho con em đi học chữ… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nghèo đói, nhưng cái chính vẫn là chưa biết tính toán làm ăn, văn hóa thấp, phong tục tập quán còn lạc hậu và đẻ quá nhiều. Những vấn đề này, người dân Kon Klor đã nhận thấy và đã đang dần khắc phục theo hướng dẫn, vận động của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể. Chi bộ, chính quyền của làng đã thống nhất thực hiện thành công 14 nhiệm vụ để phát triển kinh tế, xã hội bền vững, phấn đấu thu nhập từ 3,5 triệu đồng trở lên/khẩu/năm, 100% gia đình có vườn rau xanh cải thiện bữa ăn hàng ngày, không còn hộ đói, giảm hộ nghèo xuống 4% và tăng nhanh số hộ khá và giàu, tất cả đều đăng ký thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh đủ sức lãnh đạo nhân dân hoàn thành nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn phát triển mới, xây dựng buôn làng ngày thêm văn minh, giàu đẹp.
Đêm về trên làng Kon Klor, ánh điện đường tỏa sáng mọi nhà. Bên nhà rông, tiếng cồng chiêng ngân vang trong điệu xoang nhịp nhàng mà say đắm của những chàng trai, cô gái Bah Nar bên ngọn lửa hồng và men rượu cần nồng ấm, ánh mắt mỗi người như rực sáng niềm tin và hy vọng ở ngày mai. Cuộc sống mới, chính là nơi hội tụ của lòng dân, ý Đảng.
. Theo Thời báo Ngân Hàng |