|
Hồ Phú Ninh ở Tam Kỳ |
Địa đạo Kỳ Anh, làng Thạch Tân, bãi sậy Sông Đầm… là những địa danh, di tích lịch sử của vùng cát Tam Thăng (Tam Kỳ). Và rất đáng mừng là giờ đây, cả vùng đất ấy đang được đánh thức bởi các dự án phát triển du lịch, kinh tế.
Để thoát nghèo, Tam Thăng chọn con đường phát triển du lịch, khai thác triệt để lợi thế di tích lịch sử quốc gia địa đạo Kỳ Anh, mở khu du lịch sinh thái Sông Đầm, dọc sông Bàn Thạch; đồng thời, làm sống lại nghề đan chiếu cói thủ công truyền thống Thạch Tân. Khi bàn về giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, lãnh đạo thành phố Tam Kỳ đã nhắm ngay tới việc trùng tu, sửa chữa các hầm chính địa đạo.
Chưa thu hút nhiều du khách, song thời gian qua, tour du lịch mỏ vàng Bồng Miêu - địa đạo Kỳ Anh tạo ấn tượng đẹp. Từ “thung lũng vàng” nằm xa tít ở núi rừng Tam Lãnh (Phú Ninh), du khách xuôi về lũy tre làng bao bọc địa đạo, hiểu thêm điều kỳ lạ của người xưa về cuộc hành trình ngày đêm đào đất xây hầm không mệt mỏi.
Mỏ vàng Bồng Miêu - địa đạo Kỳ Anh thực sự trở thành tour du lịch hấp dẫn và giàu ý tưởng. Theo ông Phạm Cưu, Trưởng phòng Công thương- du lịch- dịch vụ thành phố Tam Kỳ thì khi “Phú Ninh- điểm hẹn” đa dạng các loại hình du lịch, lập tức đã thu hút lượng khách đến với đất địa đạo. Mặc dầu, còn khiêm tốn trong doanh thu dịch vụ du lịch, song bước đầu như vậy, tạo được bệ phóng, kinh nghiệm, để người dân địa phương biết khai thác, lấy du lịch nuôi sống mình.
Tam Thăng có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Một bãi sậy chạy dọc sông Bàn Thạch hơn 2 km, với 100 ha mặt nước, không gian ở đây thơ mộng, có sức quyến rũ riêng. Đầm phá nước lặng như tờ. Hoa sen đua nở bốn mùa; những cây sậy lô nhô, phấp phới trong gió; sông Đầm lắm cá nhiều tôm. Những cánh cò chấp chới trên rặng bần lúc hoàng hôn, đủ hút hồn những ai muốn thưởng lãm du lịch dã ngoại. Theo phó chủ tịch UBND xã Tam Thăng thì mới đây doanh nghiệp tư nhân Hồng Đức đặt vấn đề thuê đất nuôi cá sấu, chim thú để phục vụ cho phát triển du lịch sinh thái trong tương lai. Thành phố quy hoạch vĩ mô, địa phương cũng tìm cách vận động, mời gọi doanh nghiệp đến đầu tư. Hiện nay, trang trại trồng trọt và nuôi thả cá rộng 30 ha của nhiều hộ dân ở địa phương đem hiệu quả kinh tế cao cũng nằm trong vùng quy hoạch du lịch của xã trong thời gian tới.
Làng nghề chiếu cói Thạch Tân cũng đang hồi sinh trở lại. Không chỉ sản xuất các loại chiếu có mẫu mã, hình dáng đẹp, tạo được thương hiệu “chiếu Thạch Tân” những người thợ khéo léo, giỏi giang còn đang được các sản phẩm, đồ dùng trang trí từ cây lác, có thể làm quà lưu niệm. Làng Thạch Tân có 200 hộ dân, thì ít nhất có 50 hộ quanh năm suốt tháng theo nghề chiếu cói.
Vùng cát trắng đang chuyển mình cùng bắt tay với du lịch phát triển hài hòa, đồng bộ để tìm đến một tương lai xán lạn.
. Theo báo Quảng Nam
|