Dung Quất ở phía bình minh
16:49', 25/12/ 2006 (GMT+7)

Đã một năm trôi qua kể từ ngày Nhà máy lọc dầu Dung Quất được khởi động lại, sự hối hả  càng hiện rõ hơn trên công trường sôi động này. Vậy là, một bình minh no ấm đang dần ló dạng tại vùng quê nghèo khó, có tên Dung Quất.

 

Mô hình Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ảnh: T.Đ

 

Mùa xuân năm 1994, lần đầu tiên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đặt chân lên đất Vạn Tường- nơi đang hình thành một thành phố “đẹp nhất bên bờ biển Đông” như lời căn dặn của ông ngày ấy. Sau chuyến thị sát vịnh Dung Quất và vùng đất Vạn Tường, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã thuyết phục Đảng và Chính phủ đồng ý hình thành nơi đây một khu kinh tế, trong đó, linh hồn là nhà máy lọc dầu.

Đây là dự án lọc dầu đầu tiên của Việt Nam, không đặt tại phía Nam hay phía Bắc -những nơi năng động nhất của nền kinh tế Việt Nam đang hồi sinh - mà là đặt tại miền Trung - “mảnh đất chỉ quen đánh giặc chứ nào biết gì về làm kinh tế” - như lời của một số đại biểu phát biểu tại nhiều kỳ họp Quốc hội sau đó. Những tưởng cả Quốc hội lẫn Chính phủ đồng ý cho dự án lọc dầu triển khai tại Dung Quất là xong, nào ngờ suốt cả chục năm sau đó, hàng trăm cuộc họp của đủ các cấp các ngành, hàng nghìn trang tài liệu về nhà máy lọc dầu vẫn luôn được đặt lên để xuống mà lọc dầu thì vẫn xa tít mù khơi. 

Phải qua 10 năm thăng trầm, dự án về nhà máy lọc dầu đầu tiên mới trở về đúng vạch xuất phát. Mãi đến tháng 11.2005, Nhà máy lọc dầu Dung Quất mới được khởi động lại với số vốn đã vọt lên tới 2,5 tỷ USD chứ không còn 1,5 tỷ USD như ban đầu nữa. Lần đầu tiên, Việt Nam đã bỏ ra số tiền đầu tư lớn nhất cho một dự án và cũng là dự án được triển khai lâu nhất với khoảng  15 năm.

Bây giờ là lúc không còn bàn cãi về việc có nên triển khai dự án lọc dầu tại Dung Quất hay không mà là làm cách nào để có thể chạm được đích vào quý I năm 2009. Nghĩa là, đến đầu năm 2009, những thùng dầu đầu tiên do Việt Nam sản xuất sẽ có mặt tại cảng Dung Quất để hòa vào “dòng chảy thế giới”. Từ đây đến đó là cả một chặng đường dài mà những nhà quản lý đã đặt lên bàn cân cho từng cột mốc thời gian.

Bão số 1 Chanchu càn quét bên tận đảo Đông Sa của Đài Loan khiến hàng trăm ngư dân Việt Nam phải bỏ mạng. Ít ai nghĩ rằng, cơn bão ấy cũng đã kịp “quét” qua dự án Nhà máy lọc dầu, ngay tại gói thầu 5A là đê chắn sóng, với số tiền thiệt hại khoảng chục tỷ đồng! Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, thay mặt cho Công ty Lũng Lô, đơn vị đang thi công đê chắn sóng khi nghe bão số 6 sẽ trực diện Quảng Ngãi đã bạc mặt bạc mày. Hỏi vì sao, ông mới thẽ thọt đưa ra con số thiệt hại nói trên. “Mới chỉ chịu ảnh hưởng thôi mà đã thiệt hại như thế, giờ đánh giáp lá cà với sóng cao 11 mét, chắc con đê trôi luôn ra biển thôi”. Ông Hùng thở dài.

Con đê đã vươn ra giữa biển cả trên ngàn mét nhưng là đơn thương độc mã. Chỉ cần gió cấp 8-9, coi như hàng vạn khối đá sẽ chuồi tự do ra biển đông! Thôi thì người còn của còn, cả lính lẫn thợ đều tự động viên và rút quân trước khi bão ập vô. Hóa ra bão tràn qua Đà Nẵng, thế là đê chắn sóng một lần nữa thoát hiểm. Trời không thương cho cú đó, không biết thiệt hại bao nhiêu mà kể. Nên biết điều này: Đê chắn sóng là gói thầu phức tạp nhất hiện nay với số vốn “đội” lên so với dự kiến hàng chục triệu USD nhưng vẫn chưa có hồi kết. Chính phủ đã ưu ái tối đa cho đơn vị thi công, song đến nay họ đã… thả tay vì không kham nổi do phải thi công trên một địa hình phức tạp mà họ chưa gặp bao giờ.

 

Thi công bể chứa dầu ở Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ảnh: T.Đ

 

Trở lại với gói thầu số 1, ngay tại trung tâm của nhà máy. Ông Trương Văn Tuyến, Trưởng Ban quản lý dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất, nói: “ Sau một năm khởi động lại, đến cuối năm 2006, khoảng 80-90% phần việc của thiết kế đã xong. Một số hạng mục chính như nhà làm việc, nhà xưởng và bồn bể đã xong phần móng. Năm 2007 sẽ là năm sôi động nhất trên công trường này với lượng người có thể lên đến một vạn rưỡi!”. Cũng theo ông Tuyến, miền Trung năm nay liên tục gió bão, song hình như “trời thương” nhà máy nên tại Quảng Ngãi lại ít mưa. Hiếm có năm nào như năm nay, thợ hồ làm việc giữa trời ngay trong tháng 9 tháng 10- những tháng mưa lụt triền miên của miền Trung. Tôi nói với ông Tuyến rằng trời thì thương nhà máy để kịp tiến độ đề ra nhưng cả chủ đầu tư lẫn bên thi công cũng phải biết thương dân nữa. Bụi và bùn thì còn ráng chịu được nhưng dự án chậm ngày nào là thiệt hại tiền của của dân ngày ấy. Ông Tuyến cười như vừa thoát khỏi một cơn bão dữ.

Năm nay là năm mà Dung Quất gặt hái nhiều nhất nguồn vốn đầu tư vào đây. Ngoài dự án lọc dầu được khởi động lại và đang thi công, tại Dung Quất đã có được hai dự án lớn là nhà máy thép của tập đoàn Tycoons Stell (Đài Loan) và dự án liên hiệp công nghiệp nặng  Doosan của Hàn Quốc với số vốn cả hai nhà máy lên đến trên 1 tỷ USD. Có thể rút ra điều này: Một khi dự án chính được khởi động thì sẽ hút được nhiều dự án khác. Ông bà ta nói “buôn có bạn bán có phường”  là vậy. Ở miền Trung hiện tại, hầu như tỉnh nào cũng có khu công nghiệp rất hoành tráng, song việc thu hút vốn đầu tư khá chậm chạp. Ngoài nguyên nhân là miền Trung không thuận lợi trong việc đi lại, giá thành sản phẩm cao do vận chuyển khó khăn, còn một nguyên nhân nữa là các tỉnh chưa tạo một điểm nhấn thật sự, hay nói đúng hơn là chưa xác định được đâu là dự án then chốt để có thể hút được các vệ tinh khác về mình.

Dung Quất đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư cũng như các nhà quản lý các tỉnh miền Trung. Bình minh đã ló dạng trên vùng đất này, song bóng đêm nghèo khó thì vẫn chưa xua tan hết. Kỳ vọng của tất cả người dân miền Trung là với dự án khổng lồ Nhà máy lọc dầu khi đi vào hoạt động sẽ trở thành đầu tàu kéo con tàu trĩu nặng áo cơm này tiến về phía trước.

  • Trần Đăng
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Về thăm địa đạo, Sông Đầm  (25/12/2006)
Nhịp cồng vui bên sông Đăk Bla  (21/12/2006)
Phát triển Sông Cầu thành đô thị du lịch  (19/12/2006)
Lặng lẽ làng đúc Phước Kiều  (18/12/2006)
Sẽ nâng cấp Đà Lạt lên đô thị loại 1  (15/12/2006)
Long Sơn Tự một danh thắng xứ Trầm hương  (14/12/2006)
Tín hiệu vui từ vùng cát ven biển  (13/12/2006)
Vì sao cửa khẩu Cầu Treo bị... chê  (11/12/2006)
Bông vẫn trắng trên đồng đất Chư Jút  (10/12/2006)
Chu Lai trong diện mạo mới  (07/12/2006)
Nghề đan mây tre lá ở Vạn Ninh  (06/12/2006)
Kon Tum - Atapư - Ratanakiri hợp tác chặt chẽ và toàn diện  (04/12/2006)
Tìm lối đi cho Cát Tiên  (01/12/2006)
Về thăm cụ Nguyễn Tiên Điền  (30/11/2006)
Công nghiệp Đà Nẵng phát triển theo hướng đa ngành  (28/11/2006)