Sông Mã đã gắn liền với sự hình thành của miền đất cổ Thanh Hóa suốt từ vùng cao tới tận vùng đồng bằng và miền biển. Từ ngọn nguồn nơi sông Mã đổ vào địa phận xứ Thanh tại xã Tam Chung, huyện Mường Lát, chúng ta sẽ bắt gặp nơi hợp lưu của ba con sông Mã, sông Lũng và sông Sơn Trà tạo nên phố Hồ Xuân (Quan Hóa) là tụ điểm giao lưu nổi tiếng ở miền núi Thanh Hóa từ xưa.
|
Miền tây Thanh Hóa chập chùng quyến rũ du khách khám phá vô số những huyền thoại còn tiềm ẩn.
|
Ở đây, Mường cổ Ca Da còn lưu giữ nhiều vốn cổ văn hóa văn nghệ dân gian của dân tộc Thái (gồm 5 xã Phú Nghiêm, Hồi Xuân, Nam Xuân, Trung Xuân, Phú Xuân). Cách không xa Hồi Xuân là di tích huyền táng (mộ táng treo trên vách núi) mới được Viện khảo cổ học phát hiện năm 1998, có niên đại khoảng từ khoảng thế kỷ XI. Tới huyện Quan Sơn, ta sẽ được chiêm ngưỡng trống đồng Đông Sơn loại II, được lưu giữ trong nhà truyền thống, là chứng tích của văn hóa Đông Sơn ở miền tây Thanh Hóa. Nơi đây còn có một hệ thống đền đài, miếu mạo là những dấu ấn lịch sử về tinh thần đấu tranh dựng nước của cha ông, trở thành những di tích lịch sử văn hóa gắn liền với dòng sông Mã. Đó là đền thờ Trần Nhật Duật và những đến thờ các tướng lĩnh có công trạng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ở thế kỷ XV như: Đền Khăm Ban (phò mã nhà Lê tại Hồi Xuân), đền Tư Mã (xã Tén Tần, Mường Lát), đền và bia ghi sự tích về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn(ở Mường Lát)…
Tới huyện Bá Thước, sông Mã chảy vào giữa huyện nên từ đầu đến cuối huyện, những ghềnh thác, hang động với những cảnh quan mỹ lệ, huyền bí, xuất hiện nhiều truyền thuyết, giai đoạn thần kỳ và thơ mộng. Thác, ghềnh trên sông Mã tại Bá Thước như: thác Suội, thác Cả, thác Long, thác Ngốc Cùng… là những ghềnh nguy hiểm.
Các hang, động nằm ven đôi bờ sông Mã như hang Làng Tráng, Mái Đá Điều, Mái Đá Nước, hang Anh Rồ, hang làng Cốc, hang làng Chuông, hang Ma Xá, hang làng Cuộn… là những di chỉ khảo cổ học trở thành địa chỉ di tích lịch sử , văn hóa thời tiền sử, sơ sử của đất Thanh. Địa điểm văn hóa mường Ống (xã Thiết Ống), mường Ai (xã Ái Thượng) là nơi phát tích của sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” mà dấu tích Đồi Chu (Thiết Ống) vẫn còn in dấu lại. Mường Khô là nơi phát tích trường ca Khăm Panh, mường Ai nơi phát tích của xường, truyện Nàng Ơm và điệu múa Pồn Poông tha thiết. Chính những mường cổ như mường Khô, mường Ống, mường Ai, mường Khả, mường Ấm là những mường lớn lưu giữ nhiều vốn quý về văn hóa dân gian đã ngược xuôi cùng sông Mã tự bao đời nay.
Sông Mã cùng với núi rừng hùng vĩ ở Bá Thước còn tạo nên những khu thắng cảnh tuyệt đẹp như danh thắng tại xã Lương Nôi và thắng cảnh Son Bá Mười ở xã Lũng Cao…
Tại huyện Cẩm Thúy, sông Mã tiếp tục chảy vào giữa huyện tạo nên các bãi bồi đôi bờ rộng bát ngát, rất thích hợp với cây ngô. Do đó, ở Cẩm Thủy, những bãi ngôi nối tiếp nhau xanh ngút ngàn, tít tắp khiến cho cảnh quan khá gần gũi với miền đồng bằng…Ngọn núi cuối cùng ép sát dòng sông Mã nơi đây chính là ngọn núi Cửa Hà đã tạo nên một danh thắng “Cửa Hà” độc đáo của xứ Thanh.
Núi, rừng và sông Mã tại Cẩm Thủy hòa quyện vào nhau, kiến tạo nên những danh thắng tuyệt mỹ, dễ hút hồn du khách. Đó là danh thắng Mó Đóng (mó Cá), làng Dùng, xã Cẩm Liên, từng bầy, đàn cá tự nhiên bơi lượn dày đặc cả mặt nước mà dân trong vùng gọi là Mó cá thần. Suối cá thần làng Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, có nguồn nước suối quanh năm và nhiều cá vô kể. Hang động Trường Sinh(xã Cẩm Lương) khá rộng, lớn với động Thiên và Thủy vô vàn những nhũ đá lóng lánh, muôn màu sắc như cảnh thần tiên. Đặc biệt, thắng cảnh Cửa Hà (Cẩm Phong) đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên ngoạn mục “sơn thủy hữu tình”. Tại đây, hướng sông Mã dường như song song với dãy núi Hà. Sông núi hòa quyện nhau, gắn bó, rồi dành bịn rịn, dứt ra để dòng sông Mã xuôi về với đồng bằng bao la của xứ Thanh.
. Theo báo Thương Mại
|