Đà Nẵng, đô thị phát triển vắng bóng cây xanh
11:5', 28/12/ 2006 (GMT+7)

Trong buổi làm việc với TP Đà Nẵng (12-2006), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã lưu ý chính quyền thành phố cần quan tâm nhiều hơn nữa đến quản lý quy hoạch và giữ gìn môi trường. Trời phú cho Đà Nẵng những non xanh nước biếc, quy hoạch vì thế không thể chỉ nhắm đến đất mà phải gắn với tôn tạo thiên nhiên, khai thác tích cực những lợi thế về sông, núi biển…

Gần 1.250 dự án sử dụng trên 16.700 ha đất đã được thành phố phê duyệt và triển khai, theo thống kê mới nhất của Viện Quy hoạch TP Đà Nẵng. Hàng loạt công trình dự án mang tính đột phá đã mọc lên, dường như kiến trúc đến thời “nở hoa” như một kiến trúc sư nhận định, duy chỉ có cái đẹp là còn phải bàn.

Những quần thể kiến trúc như thương xá Vĩnh Trung, các cao ốc, quần thể kiến trúc Trưng Vương hay kiến trúc công viên thành phố, Trung tâm hội chợ triển lãm, Nhà văn hóa đa năng… cái nào biết cái đó chưa xem xét đến tính liên hoàn hài hòa trong kiến trúc nên có phần lộn xộn nếu không muốn nói là xô bồ. Quá nhiều trường phái kiến trúc mang sắc diện mới ra đời trong thời Đà Nẵng phát triển, từ việc trở lại phong cách Pháp cổ tới kiến trúc hiện đại kết hợp với các chi tiết kiến trúc “nhiệt đới hóa”…

Theo KTS Hồ Duy Diệm, Tổng thư ký Hội quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng thì 10 năm xây dựng, từ một TP trên 5.000 ha đến nay thành phố đã rộng đến 15.000 ha nhưng dân số không tăng, chỉ số đất ở không tăng, rõ ràng hiệu quả đầu tư không nhiều.

Đô thị Đà Nẵng chưa đặt trong tương tác với công nghiệp hóa, nặng ý chỉ chủ quan nóng vội là mối lo của các nhà khoa học và quản lý chia sẻ tại hội thảo 10 năm xây dựng đô thị Đà Nẵng diễn ra mới đây. Theo KTS Huỳnh Tòa, Phó chủ tịch Hội kiến trúc sư Đà Nẵng thì những công trình như đường Liên Chiểu- Thuận Phước, những khu nhà hàng ở biển Phước Mỹ hay cách đô thị hóa bán đảo Sơn Trà sẽ đặt chúng ta trước thế hệ tương lai với câu hỏi có công hay có tội?

Bán đảo Sơn Trà nằm phía đông bắc TP Đà Nẵng có diện tích gần 4.500 ha ở độ cao hơn 600 mét so với mực nước biển, từng được biết đến là khu bảo tồn thiên nhiên với hàng trăm loài động thực vật quý hiếm. Theo quy hoạch của thành phố là phát triển du lịch gắn liền với sinh thái, tạo một không gian nghỉ ngơi giữa rừng và biển nên mật độ xây dựng chỉ cho phép dưới 30%, còn lại là không gian xanh. Nhưng từ  4 năm  nay, gần 240 ha đất rừng đã được thu hồi nhằm phục vụ khai thác xây dựng các khu du lịch, phá vỡ hệ động thực vật vốn có.

Hiện nay Đà Nẵng có 34 dự án du lịch đang được triển khai, gồm 11 dự án đầu tư nước ngoài và 23 dự án đầu tư trong nước về du lịch. Với chủ trương phát triển kinh tế du lịch, phấn đấu đến 2010 thu hút được khoảng 2 triệu lượt khách, bán đảo Sơn Trà sẽ phải dành khoảng 1.000 ha từ bình độ 200 trở xuống để xây dựng hàng loạt khu biệt thự về hai phía của tuyến đường vành đai đã mở, cùng với các khu du lịch được xây dựng chạy dài dưới chân núi đến sát mép biển. Gắn du lịch với bảo vệ môi trường sinh thái bền vững đang là một thách thức lớn.

10 năm qua, Đà Nẵng đã nhanh chóng lột xác thành một đô thị loại 1, đóng vai trò động lực vô cùng quan trọng cho sự phát triển của kinh tế toàn vùng. Tuy nhiên đô thị có những tồn tại mà nếu không nhanh chóng tháo gỡ sẽ không thể nào phát triển bền vững được.

Sau 30 năm giải phóng, Đà Nẵng không có một công viên nào được xây dựng ngoại trừ công viên 29-3 trong khi đó, khu đất nam tượng đài vốn là đắc địa nhất cho một công viên trung tâm thì đã bị phân lô bán nền. Trong khi chuẩn cây xanh là 10m2/người thì ở Đà Nẵng chỉ đạt 0,5 m2/người, được ví như hàng xa xỉ. Hồ Thạc Gián- Vĩnh Trung, quận Thanh Khê  rất đẹp nhưng  số phận rất mong manh khi có nhiều ý kiến cho rằng nên lấp hồ để khai thác quỹ đất. Những nhà quản lý đô thị đã từng cảnh báo có hay không việc thành phố lạm dụng quỹ đất xây dựng các khu dân cư mà bỏ quên môi trường sống của đô thi, tước bỏ không gian cây xanh, thu hẹp khu vui chơi…

Rất cần một chiến lược chung về giữ gìn, tận dụng lợi thế địa hình và cảnh quan để Đà Nẵng xanh hơn, phát triển bền vững hơn.

. Theo báo Tài nguyên và Môi trường

In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lên miền tây xứ Thanh  (26/12/2006)
Dung Quất ở phía bình minh  (25/12/2006)
Về thăm địa đạo, Sông Đầm  (25/12/2006)
Nhịp cồng vui bên sông Đăk Bla  (21/12/2006)
Phát triển Sông Cầu thành đô thị du lịch  (19/12/2006)
Lặng lẽ làng đúc Phước Kiều  (18/12/2006)
Sẽ nâng cấp Đà Lạt lên đô thị loại 1  (15/12/2006)
Long Sơn Tự một danh thắng xứ Trầm hương  (14/12/2006)
Tín hiệu vui từ vùng cát ven biển  (13/12/2006)
Vì sao cửa khẩu Cầu Treo bị... chê  (11/12/2006)
Bông vẫn trắng trên đồng đất Chư Jút  (10/12/2006)
Chu Lai trong diện mạo mới  (07/12/2006)
Nghề đan mây tre lá ở Vạn Ninh  (06/12/2006)
Kon Tum - Atapư - Ratanakiri hợp tác chặt chẽ và toàn diện  (04/12/2006)
Tìm lối đi cho Cát Tiên  (01/12/2006)