Một trong những mục tiêu lớn nhất của Năm Du lịch quốc gia 2006 là thúc đẩy liên kết giữa các tỉnh miền Trung để phát triển kinh tế du lịch.
* Cùng tổ chức họp báo
Sau hai cuộc họp báo đã được tổ chức khá sớm tại Hà Nội và TP.HCM, mãi đến ngày 17-1 vừa qua mới có cuộc họp báo giới thiệu Năm Du lịch quốc gia 2006 "Quảng Nam - Một điểm đến, hai di sản thế giới" ở khu vực miền Trung.
Tuy nhiên, điều khiến nhiều người bất ngờ là lần đầu tiên, lãnh đạo cao nhất của ngành du lịch các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam đã "đồng chủ trì" cuộc họp báo để thông tin về sự kiện này.
Bà Hồ Thị Thanh Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định: "Một trong những mục tiêu lớn nhất của Năm Du lịch quốc gia 2006 là thúc đẩy sự liên kết giữa các tỉnh miền Trung, tăng cường quảng bá để tạo được thị trường du lịch ổn định và có sức phát triển cao cho khu vực này. Với sự liên kết chặt chẽ như vậy, việc quảng bá cho Năm Du lịch quốc gia 2006 chắc chắn sẽ được đẩy mạnh và có sức lan tỏa lớn hơn nữa!".
Trước đây, giữa các tỉnh miền Trung đã không ít lần diễn ra những sự kiện văn hóa - du lịch giẫm chân nhau, chí ít là về mặt thời gian, làm du khách gần như cảm thấy bội thực "lễ hội" nên lượng khách đến với mỗi nơi đều bị ảnh hưởng. Đơn cử như năm ngoái, cùng một buổi tối mà Đà Nẵng khai mạc Liên hoan Văn hóa - Du lịch 2005, còn Quảng Nam lại mở màn chương trình du lịch "Hội An - Cảm xúc mùa hè" khiến du khách không biết chọn ai, bỏ ai.
|
Du khách đến thăm chợ quê Quảng Nam vẫn có dịp tìm hiểu đời sống, sinh hoạt của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
|
Vậy thì ngành du lịch các địa phương miền Trung sẽ có sự liên kết cụ thể ra sao khi mà, cùng với các hoạt động của Năm Du lịch quốc gia 2006 tại Quảng Nam thì ở Huế sẽ diễn ra Festival Huế 2006, còn ở Đà Nẵng là Liên hoan Văn hóa - Du lịch biển...?
* Những định hướng liên kết phát triển
Bà Hồ Thị Thanh Lâm cho hay: "Chúng tôi sẽ phối hợp với ngành du lịch các tỉnh để quảng bá trực quan, cung cấp thông tin cho du khách về Năm Du lịch quốc gia 2006 "Quảng Nam - Một điểm đến, hai di sản thế giới" ngay từ "cửa ngõ" như sân bay quốc tế Đà Nẵng.... và tại các điểm đến ở Quảng Bình, Quảng Trị, Huế. Bên cạnh đó, chúng tôi hỗ trợ nhau để đưa các sản phẩm du lịch của địa phương bạn đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước qua kênh thông tin của mình.
Các sự kiện của Năm Du lịch quốc gia được tổ chức tại Quảng Nam sẽ là điểm nhấn thu hút khách đến với miền Trung. Và từ các hoạt động phối hợp ở các tỉnh trong khu vực để sẽ tạo nguồn khách đến với Quảng Nam. Đồng thời, một vấn đề rất quan trọng là xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch nhằm nâng cao chất lượng của du lịch miền Trung. Các sản phẩm đó phải hỗ trợ, bổ sung cho nhau nhằm phát huy tối đa thế mạnh của du lịch toàn khu vực!".
Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Ngô Quang Vinh hoàn toàn tán đồng quan điểm này và cho rằng, du lịch miền Trung - Tây Nguyên có lợi thế lớn khi ở khu vực này có tới 6 di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới (cố đô Huế, đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn, vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, nhạc cung đình Huế và cồng chiêng Tây Nguyên) - một mật độ dày đặc không chỉ so với trong nước mà còn với thế giới. Có sự liên kết chặt chẽ trên cơ sở phát huy thế mạnh của từng nơi sẽ làm cho bức tranh tổng thể của du lịch miền Trung tăng thêm sức hấp dẫn rất lớn. Vì vậy, sự liên kết không nên chỉ dừng lại giữa Quảng Trị, Thừa thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam mà cần mở rộng ra cả Quảng Bình và lên Tây Nguyên.
Trong đó, Đà Nẵng với tư cách là "cửa ngõ" của khu vực sẽ có cách đóng góp của riêng mình. Ông Ngô Quang Vinh khẳng định: "Chúng tôi sẽ tiến hành liên kết thông qua hoạt động quảng bá các chương trình, sự kiện..., gắn kết các tour du lịch, sản phẩm du lịch... của các địa phương với nhau trong một tổng thể có sự điều hòa, phối hợp một cách thích hợp. Làm sao để du khách đến Đà Nẵng sẽ biết ở Quảng Nam, Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Tây Nguyên đang diễn ra sự kiện gì. Làm sao để họ thấy rằng không đến những điểm đó thì cuộc hành trình của mình vẫn chưa thể gọi là trọn vẹn và họ phải cảm thấy luyến tiếc!".
Bên cạnh đó, Liên hoan Văn hóa - Du lịch biển 2006 của Đà Nẵng sẽ tập trung phát huy thế mạnh của một trong sáu bãi biển đẹp nhất hành tinh như Forbes, tạp chí kinh tế hàng đầu của Mỹ đã bình chọn. Trong đó, điểm nhấn quan trọng nhất là cuộc đua thuyền buồm quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 9 (và đã được các bộ, ngành TƯ cho phép tổ chức định kỳ hàng năm). Đây là sẽ sự bổ sung quan trọng và cần thiết cho các sản phẩm du lịch trong Năm Du lịch quốc gia 2006. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng phối hợp với Quảng Nam để tổ chức thành công chương trình văn hóa - du lịch "Mừng Noel 2006 - Chào năm mới 2007".
|
Áo dài tím Huế trong đêm lễ hội ở Quảng Nam - một biểu hiện của sự liên kết.
|
Trong khi đó, ông Võ Phi Hùng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế thì nhấn mạnh đến nền tảng "Con đường di sản miền Trung". Các sản phẩm thể hiện trong quá trình tổ chức "Con đường di sản miền Trung" có sức thu hút rất lớn đối với du khách, nhưng đòi hỏi có tính liên kết rất cao của ngành du lịch các địa phương trong khu vực.
"Ở đây chúng tôi đang xây dựng sự phối hợp giữa các Sở quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp du lịch trên các địa bàn, đặc biệt là từ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam" - ông Hùng nói.
Trên tinh thần này, lãnh đạo ngành du lịch 4 tỉnh miền Trung đã thống nhất thúc đẩy hoạt động liên vùng giữa các công ty du lịch, hãng lữ hành trong khu vực. Như có những ưu đãi về giá tour với nhau, đồng loạt giảm giá tour trong mùa du lịch thấp điểm hay nối tour để các địa phương có khó khăn về tài chính có được nguồn thu từ các công ty du lịch mạnh khi đưa khách đến...
Điều này đang được thử nghiệm khá hiệu quả qua việc phối hợp đón du khách caravan từ Đông Bắc Thái Lan qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), đi thăm cố đô Huế, TP biển Đà Nẵng, phố cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn rồi quay ra tham dự tour DMZ ở Quảng Trị, thăm Phong Nha - Kẻ Bàng ở Quảng Bình trước khi rời VN qua cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh). Tour du lịch đường bộ này đã phát triển khá nhanh và mở rộng đến hai đầu đất nước. Vì vậy mà tính liên kết được chú ý hơn, ngành du lịch các tỉnh miền Trung đã bắt tay nhau cùng nghĩ ra những hướng đi mới để mỗi tỉnh có đoàn khách đi qua đều được hưởng lợi...
Từ bước khởi đầu đó, việc ngành du lịch miền Trung tiếp tục xác định hướng liên kết cụ thể trong thời gian đến sẽ góp phần không nhỏ đem lại thành công cho Năm Du lịch quốc gia 2006. Đây cũng là tiền đề cho sự phát triển toàn diện hơn như Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam bà Hồ Thị Thanh Lâm đã nhấn mạnh: "Miền Trung còn nhiều khó khăn nên càng phải liên kết để tạo sức mạnh. Năm Du lịch quốc gia 2006 sẽ là sự khởi đầu để tiến tới đẩy mạnh liên kết phát triển kinh tế!".
. Theo VietNamNet |