Mùng 3 Tết hàng năm, hàng vạn người trong vùng từ Đức Phổ - Quảng Ngãi đến Tam Quan - Bình Định đổ về cửa biển Sa Huỳnh để xem lễ hạ thủy của ngư dân làng chài này nhân dịp đầu xuân. Ngành thủy sản gọi đó là "lễ ra quân đánh bắt hải sản đầu năm", nhưng dân Sa Huỳnh thì vẫn giữ tên gọi đã tồn tại với họ mấy trăm năm nay: "Lễ nhúng nước lưới".
|
Tàu trong cửa biển chuẩn bị xuất phát trong lễ "nhúng nước lưới".
|
Ông Lâm Thành Ron - 80 tuổi, nguyên trưởng Ban Thủy sản của Sa Huỳnh, người được xem như pho sử sống của làng, kể: "Gần 300 năm trước, tương truyền có ông Phò làm nghề mành cơm, trong lúc đánh cá trên biển, ông vớt được tượng Bà. Phải huy động cả dân làng chài suốt mấy ngày đêm mới chuyển được tượng về đến núi Cấm và lập dinh để thờ Bà. Đấy là nơi dân chài Sa Huỳnh làm lễ tế thần linh trước khi ông vạn trưởng phát lệnh cho hàng trăm chiếc thuyền từ trong cửa biển Sa Huỳnh nhổ neo ra khơi vào ngày mùng 3 Tết".
Người đời sau ở Sa Huỳnh có cách lý giải riêng về sự hiện hữu của dinh Bà với bao huyền thoại vây bọc giữa một vùng sơn thủy hữu tình này, nhưng có một điều chắc chắn là, dinh Bà nơi cửa biển cùng với lễ hội đã tồn tại mấy trăm năm qua là sự kế tục của một dòng chảy văn hóa xuyên suốt từ văn hóa Sa Huỳnh đến văn hóa Chăm và bây giờ là văn hóa Việt.
Vạn trưởng
Gặp nhau trên bãi biển Sa Huỳnh sáng mùng 3 Tết, Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) - Nguyễn Kỳ, thông báo một tin vui: "Năm qua, dân Sa Huỳnh đánh bắt 24 ngàn tấn hải sản, trong đó có 10 ngàn tấn xuất khẩu, dẫn đầu tỉnh Quảng Ngãi về sản lượng đánh bắt hải sản cũng như xuất khẩu". Nói đoạn, ông chỉ tay về phía chiếc tàu có trang trí cờ hoa và ảnh Bác Hồ đang đậu trong cửa biển sẵn sàng chờ lệnh xuất phát: "Đó là tàu của ông vạn trưởng, có nhiệm vụ "mở khẩu" trong lễ nhúng nước lưới năm nay".
Theo cách giải thích của dân Sa Huỳnh thì vạn trưởng là người uy tín nhất được ngư dân trong làng chài bầu ra. Đó không chỉ là người có sản lượng đánh bắt hải sản cao trong năm mà còn là thủ lĩnh thực sự của làng chài. Vạn trưởng phải quán xuyến tất cả, từ việc đối nhân xử thế sao cho trên thuận dưới hòa đến việc bày cách làm ăn cho dân làng chài. Vì vậy, được dân làng tín nhiệm tiến cử vạn trưởng là một vinh dự lớn không chỉ cho bản thân người đó mà cho cả dòng tộc nữa. Chọn tàu của vạn trưởng để "phá khẩu" đầu năm cũng là cách ký thác những kỳ vọng của cả làng chài vào vận may mà chiếc tàu của người thủ lĩnh này sẽ mang lại cho bà con trong năm.
|
Hát sắc bùa trong lễ hội.
|
Vạn trưởng năm nay là ông Mai Phồn 62 tuổi, chủ nhân của chiếc tàu đánh cá 100 mã lực. Đây là một trong những chiếc tàu đánh bắt xa bờ hiệu quả nhất của ngư dân Sa Huỳnh trong năm qua. Người đàn ông từng trải với sóng nước là thế nhưng lại rất khiêm nhường khi nói về mình: "Nhờ thay cái máy của chiếc tàu cũ nên mới đánh được cá khơi xa. Cũng là cách gỡ thế bí cho anh em bạn chài trong làng thôi mà".
Ông Phồn không tiết lộ số tiền mà ông kiếm được trong năm qua mà chỉ hé một chút về các bạn chài của mình: "Trừ các khoản ăn tiêu trong năm, mỗi bạn chài của tàu tôi cũng kiếm được 10-15 triệu". Ông Phạm Hiển, Chi hội trưởng nghề cá Sa Huỳnh rỉ vào tai tôi: "Mỗi tàu xa bờ là 15 thuyền viên, tỉ lệ ăn chia là 50/50". Nhẩm tính qua cũng biết được ông Phồn đã kiếm được không dưới 200 triệu từ chiếc tàu xa bờ của mình trong năm. Vì vậy, chọn tàu ông để "mở khẩu" thì cũng không có gì lạ.
Lễ hội gắn với sản xuất
Có lẽ chưa thấy nơi đâu mà lễ hội lại gắn với công việc làm ăn như ở Sa Huỳnh. Địa danh Sa Huỳnh không còn bó hẹp trong phạm vi của một tỉnh hay của đất nước mà nó đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia bởi đây là một trong những cái nôi của nền văn hóa cổ, tồn tại cách nay đã ba ngàn năm. Hàng trăm lọ chum cùng với những hiện vật tùy táng đã được các nhà khảo cổ học người Pháp phát hiện gần một thế kỷ trước ngay tại Sa Huỳnh đã chứng minh rằng, từ hàng ngàn năm trước, ngay tại bãi "cát vàng" này, những chủ nhân của một nền văn hóa đã từng sinh sống và để lại cả một gia tài văn hóa cho hậu thế.
|
Hát bả trạo trước cửa biển Sa Huỳnh.
|
Trải qua bao biến thiên của chiến tranh và thời cuộc, kể cả sự diệt vọng của những chủ nhân xa xưa nọ, song dòng văn hóa ấy vẫn âm thầm chảy dọc chiều dài lịch sử hàng nghìn năm. Hàng loạt các di chỉ khảo cổ học dọc miền Trung đã được khai quật cho thấy tính kế thừa từ văn hóa Sa Huỳnh đến văn hóa Chămpa rồi văn hóa Việt khá rõ nét. Vì vậy, việc tồn tại của một lễ hội ngay tại địa danh Sa Huỳnh cũng là sự kế thừa của dòng chảy ấy.
Cách đây hơn 10 năm, khi cửa biển Sa Huỳnh chưa bị bồi lắng như hiện nay, một cuộc "ra quân đầu năm" rất quy mô diễn ra ngay tại cửa biển này với những nghi lễ mang đậm dấu ấn của một vùng văn hóa với nhiều tầng nấc khác nhau. Trước khi có cuộc "xuất quân" với hàng trăm chiếc thuyền như một đàn rết khổng lồ lao đi trên mặt nước trong tiếng pháo nổ, tiếng trống giục, tiếng cổ vũ của hàng ngàn người ken dày trên cửa biển, buổi lễ tế trời đất, thần linh diễn ra tại dinh Bà, dưới chân núi Cấm, bên kia cửa biển Sa Huỳnh.
Bài tế lễ do ông vạn trưởng đọc tại dinh Bà cũng là lời ký thác và kỳ vọng của gần hai vạn dân Sa Huỳnh về một cuộc sống bình yên và no đủ.
Ngay trong buổi trưa ngày mùng ba Tết, những chiếc thuyền lại quay về sau khi hoàn tất thủ tục "nhúng nước lưới". Mẻ cá đầu tiên sẽ được phân phát cho hàng xóm láng giềng để "cúng đưa" ông bà.
Song song với phần "lễ", phần "hội" cũng được người Sa Huỳnh rất chú trọng. Trước khi diễn ra lễ "nhúng nước lưới", hai đội hát bả trạo và hát sắc bùa đã biểu diễn ngay trên bãi cát trước mặt làng chài. Đây là hai loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của cư dân vùng biển miền Trung nhưng lại mang dấu ấn riêng của người Sa Huỳnh. Ca từ của những bài hát do chính người Sa Huỳnh sáng tác, gắn với cuộc sống, sinh hoạt của họ, vì vậy, người đi xem hội cảm thấy gần gũi với mình hơn.
Suốt cả ngày mùng ba Tết là ngày hội thật sự của làng chài này. Họ đã gìn giữ suốt mấy trăm năm nay và trở thành một thứ tài sản vô giá của người dân. Vui chơi đấy mà cũng lao động đấy. Đó là điều mà không phải vùng biển nào cũng có, vì vậy, ngành văn hóa đã đưa lễ hội này vào chương trình "vui xuân đón Tết" hàng năm.
|