Nguyên miếu Lam Kinh
12:11', 5/2/ 2006 (GMT+7)

Nhà Hậu Lê theo lễ chế đời cổ chép trong sách Lễ ký, xây dựng thái miếu để thờ tổ tông. Có hai thái miếu: một ở kinh đô Thăng Long, một ở đất tổ Lam Sơn, tức Lam Kinh.

Trong hai thái miếu, thái miếu ở Lam Kinh là thái miếu gốc nên gọi là Nguyên miếu. Hàng năm hoặc đôi ba năm một lần, các vua Lê trị vì tại Thăng Long vẫn phải về Lam Kinh để tế lễ Nguyên miếu và bái yết Sơn lăng, vì thái miếu ở đây mới là nơi phụng thờ chính.

Nguyên miếu Lam Kinh các đời Thái tổ, Thái tông đều kiến trúc nhỏ hẹp, mái lá nên dễ bị cháy. Tháng 10 năm 1448, đời Nhân tông, Tuyên từ thái hậu sai thái úy Trịnh Khả đốc suất các cục bách tác của triều đình làm miếu điện ở Lam Kinh theo quy mô to lớn, ngoài miếu để thờ tổ tông, còn có điện để vua và thái hậu nghỉ ngơi hoặc thiết triều khi về bái yết Sơn lăng.

Tháng 3 năm 1449, miếu chính làm xong, vua và thái hậu sai Hàn lâm thị độc Hoàng Thanh làm lễ tấu cáo tiên đế. Bảy năm sau, các công trình ở Lam Kinh mới hoàn thành, như điện miếu, thành trì, ngọ môn, sân rồng… Vua Nhân tông và thái hậu Tuyên từ đem các quan về cúng tế. Nhà vua quy định tế "tẩm miếu "(tức Nguyên miếu) dùng 4 con trâu, đánh trống đồng, quân linh hò reo, ứng theo tiếng trống.

Về nhạc tế, bên quan võ múa nhạc "Bình Ngô phá trận", bên quan văn múa nhạc "Chư hầu lai triều" trên sân trước miếu.

Nguyên miếu Lam Kinh và thái miếu Thăng Long dưới thời Hậu Lê đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, tiêu biểu nhất là các đời vua: Tương Dực đế (1511), Trung tông (1593)… Quy cách kiến trúc hai thái miếu không giống nhau. Thái miếu Thăng Long theo "chế độ" "đồng đường chung thất", nghĩa là trong ngôi nhà chung, không phân biệt tòa riêng, thần vị các vua và hoàng thái hậu bày la liệt hàng nối hàng, càng nhiều đời càng trở nên chật chội. Nguyên miếu Lam Kinh lại theo "chế độ" "đồng đường dị thất", cùng gọi là thái miếu, nhưng chia ra các tòa khác nhau. Tổng số các tòa hay "thất" (nhà) này quy định của Lễ kinh là 7. Tuy nhiên, khi xây dựng, không phải làm 7 tòa cùng một lúc mà đầu tiên chỉ làm một tòa gọi là chính tòa (hoặc chính miếu), để thờ Thái tổ (Lê Lợi) và vị Tuyên tổ (cha), Hiển tổ (ông) nhờ con cháu làm nên mà cha ông được truy phong hoàng đế để hưởng sự vinh hiển muôn đời. Sau đó, các đời vua kế tiếp mất đi mới lần lượt dựng thêm các tòa khác để thờ phụng theo luật "tả chiêu hữu mục", nhằm phân biệt thể thức trên dưới minh bạch, không được lẫn lộn.

Luật "tả chiêu hữu mục" lấy tòa chính (Thái tổ) làm trung tâm, bên tả 3 tòa, bên hữu 3 tòa, khi xây dựng, tòa phía tả lập trước, tòa phía hữu lập sau, cứ lần lượt tả rồi hữu như vậy, cho đến hết cả 6 tòa, cộng với tòa chính giữa là 7 tòa. Ngoài 7 tòa này khi đã qua 6 đời vua trở lên, triều đình xây thêm lần lượt hai tòa nữa, nối với hai bên tả, hữu gọi là "giáp thất Đông Tây" để cất những thần vị đã thờ qua 6 đời thì không được thờ nữa.

Tuy nhiên, nhà Hậu Lê không tuân theo nghiêm ngặt lễ chế đời cổ. Họ chịu ảnh hưởng nặng truyền thống thờ cúng tổ tiên của người Việt cổ truyền, tất cả các đời đều được thờ cúng, không cất đi bất cứ thần chủ nào dù đã qua lâu đời nhất. Do đó, hai tòa "Đông Tây giáp thất" đáng lẽ là nơi cất thần chủ, đều được dùng làm chỗ bày thần chủ để thường xuyên cúng tế.

Nhà Hậu Lê mất, Lam Kinh cũng đổ nát theo. Năm 1802, Gia Long diệt Tây Sơn, đặt kinh đô tại Huế. Ba năm sau, ông ra lệnh chuyển thái miếu nhà Hậu Lê ở Thăng Long về Lam Sơn hợp nhất với Nguyên miếu Lam Kinh. Nhưng, sau đó, lại có lệnh chuyển thái miếu nhà Lê về Bố Vệ, bên cạnh trấn thành Thanh Hóa. Cùng chung số phận với Lam Kinh, Nguyên miếu các vua Lê đã có lịch sử gần 400 năm ngày càng vùi sâu dưới lớp lớp cây ngàn, cỏ dại.

Những gì của hai thái miếu có thể chuyển về Bố Vệ là rất ít: một số thần chủ, dăm ba đồ thờ… Xét về kiến trúc, miếu Bố Vệ không theo chế độ "đồng đường dị thất", hai dãy nhà, mỗi dãy 7 gian áp sát vào nhau, thành ra đằng trước chẳng phải "đô cung", đằng sau không hẳn là "tẩm thất" (tiền đô cung hậu tẩm thất).

Việc thờ cúng, năm 1823, vua Minh Mệnh cho rước ba vị hoàng đế nhà Hậu Lê: Thái tổ, Thánh tông, Trang tông về kinh đô Huế thờ trong Miếu lịch đại đế vương. Điện thờ các vua Lê ở Bố Vệ, quốc sử nhà Nguyễn không gọi là Thái miếu. Các sách địa chí cũng thống nhất tên "Lê chư đế miếu", nghĩa là miếu hay đền các vua Lê. Một số công trình biên khảo gần đây như Từ điển di tích lịch sử Việt Nam… chỉ gọi một cách vắn tắt là Bố Vệ miếu hoặc Đền Lê…

Rất may, tại Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, vẫn còn lưu giữ dấu tích Nguyên miếu - thái miếu gốc nhà Lê. Sau những cuộc thám sát, khảo cổ công phu, thận trọng của ngành văn hóa, toàn bộ nền tảng kiến trúc của 9 tòa miếu đã hiển hiện gần đủ những di vật quan trọng với giá trị tiêu biểu, nói lên một công trình kiến trúc đồ sộ, độc đáo có một không hai trong lịch sử.

Chín tòa miếu sắp theo hình cánh cung, lưng dựa vào núi, như hai cánh tay dang ra ôm lấy tòa điện to lớn hình chữ "Công" phía trước. Mỗi tòa miếu ba gian, dài trung bình 15 m, rộng 12,5m, các bậc lên xuống đều có rồng đá làm lan can. Cách sắp xếp các tòa miếu so le thấp dần về phía trước, từng đôi đăng đối, thể hiện thế thứ các vị vua được thờ tuân theo nghiêm ngặt luật "tả chiêu hữu mục".

Chung quanh Nguyên miếu, còn nhiều kiến trúc phụ như: Tây vu, Đông vu, điện Canh y, điện Quán tẩy, phòng Nhạc, lầu Chuông, lầu Trống…

Với hàng ngàn hiện vật thu được qua các đợt khảo cổ, chứng minh Nguyên miếu thuộc loại kiến trúc cung đình, xây dựng trên chính nền nhà họ Lê đã 4 đời lập nghiệp tại đây. Nguyên miếu là một trong số ít di tích đồ sộ nhất của nhà Hậu Lê hiện còn dấu tích cụ thể và di vật phong phú, đủ cơ sở để phục dựng một công trình kiến trúc mang tính lịch sử, nghệ thuật như nó vốn có.

Ngày 22-10-1994, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 609/TTg phê duyệt dự án quy hoạch tổng thể về tu bổ, phục hồi và tôn tạo Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, trong đó có thái miếu - Nguyên miếu, nơi cung điện gốc thờ phụng các vua Lê. Quyết định của Chính phủ thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" phù hợp với ý nguyện của nhân dân cả nước.

Công việc phục dựng đối với những công trình lớn như Nguyên miếu Lam Kinh là rất khó khăn. Vấn đề phục dựng không đơn thuần là kỹ thuật mà còn là nghệ thuật, là khoa học - nghệ thuật kiến trúc và khoa học - lịch sử, khoa học văn hóa.

Qua thời gian bàn luận, cân nhắc, mới đây nguyên miếu Lam Kinh đã được khởi công xây dựng trên nền móng cũ sau khảo cổ. Tuy nhiên, bước đầu chỉ mới làm ba miếu: Tòa chính giữa (số 1), tòa bên tả tòa chính giữa (số 2) và tòa bên hữu tòa chính giữa (số 3). Sự thành công bước đầu tạo đà cho các tòa miếu còn lài sẽ hoàn thành trong các bước tiếp theo.

Rồi đây, khách bốn phương đến Lam Kinh thăm viếng nơi sinh thành vị anh hùng dân tộc Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, thắp nén hương tưởng niệm các tiên vương, liệt thánh, còn được chiêm ngưỡng công trình lịch sử - văn hóa - nghệ thuật Nguyên miếu độc đáo sống lại từ những bàn tay của nghệ sĩ, nghệ nhân tài hoa.

. Theo báo Thanh Hóa

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
"Nhúng nước lưới" ở Sa Huỳnh  (03/02/2006)
Miền Trung liên kết phát triển du lịch  (02/02/2006)
Thành phố mới của vùng Nam Trung Bộ  (01/02/2006)
''Vương quốc tỏi'' Lý Sơn - Nơi lưu giữ những giá trị văn hóa cổ xưa  (27/01/2006)
Có một không gian Việt  (27/01/2006)
Quảng Bình: Đường xuân rộng mở  (25/01/2006)
Nhóm đền tháp Chăm PôshaNư  (24/01/2006)
Sử thi Tây Nguyên - những giá trị văn hóa tinh thần vô giá  (23/01/2006)
Thu hút đầu tư vào Bình Thuận: Phải tạo ấn tượng và niềm tin  (20/01/2006)
Làng chiếu Cẩm Nê, Cẩm Lệ  (19/01/2006)
Hội nấu bánh tét kỷ lục   (18/01/2006)
Con đường mang đến những mùa xuân …   (17/01/2006)
Khu du lịch phục hồi sức khỏe nước khoáng Thanh Tân  (17/01/2006)
Miền Trung qua những hầm đường bộ lớn nhất Việt Nam  (15/01/2006)
Giếng Vua ở đảo Lý Sơn  (13/01/2006)