Đà Nẵng như đứa trẻ Phù Đổng đang lớn lên từng ngày với những ngôi nhà cao tầng, những con đường thênh thang gió biển, nhưng vẫn còn đó, sau những tất bật phố phường là những làng quê, làng nghề truyền thống ẩn mình bên những lũy tre vùng ven đô.
Không ồn ào, không nhộn nhịp, sau màu xanh êm đềm, dịu dàng của cây cỏ, mỗi làng quê, làng nghề là một khúc tâm tình của người Đà Nẵng, là mong ước giữ lại cho đời nét đẹp cổ truyền, những nét đẹp ban sơ, nguồn cội.
Đi ra khỏi thành phố, làng cổ Phong Nam, làng cổ Túy Loan như những mảnh gấm được dệt nên bởi đồng ruộng, những ngõ nhỏ rợp mát bóng tre, đâu đó vẳng tiếng gà gáy trưa nghe thanh bình đến lạ. Trong làng còn giữ lại những mái đình phủ màu thời gian, trải bao thăng trầm lịch sử vẫn còn nguyên một thế giới tâm linh thiêng liêng, thần bí mà cũng gần gũi với hồn người dân quê xứ Quảng.
Mỗi làng quê, làng nghề là một nét rất riêng của mảnh đất Đà Nẵng. Làng đá mỹ nghệ Non Nước với những sản phẩm được người nghệ nhân gọt giũa bằng khối óc, bằng bàn tay khéo léo, tinh xảo, họ thổi tâm hồn mình vào đá, đánh thức giấc ngủ ngàn năm của thiên nhiên để sống với con người. Người làng chiếu Cẩm Nê dệt nên những chiếc chiếu thơm hương đồng cỏ nội, êm như sóng lúa, nâng giấc ngủ của biết bao thế hệ con người. Nếu bạn đến thăm, hãy ghé lại và mang về tấm bánh quà quê của làng làm bánh khô mè Cẩm Lệ, cái thứ bánh giòn xốp, ngọt ngào hương vị đường non của cánh đồng mía bên dòng sông Cẩm Lệ.
Trải qua năm tháng, làng quê, làng nghề Đà Nẵng vẫn giữ cho mình nét hồn hậu, chân chất. Những bậc cao niên, những nghệ nhân vẫn say mê với công việc mà cha ông họ đã truyền lại, rồi lại đến thế hệ con cháu, cứ thế, đời này nối tiếp đời kia, họ sống với nghề không chỉ bởi miếng cơm, tấm áo mà còn vì cái tâm của con người trên mảnh đất đã nuôi sống họ.
. Theo báo Đà Nẵng
|