Lăng Cô - Chân Mây, điểm nhấn trên hành lang kinh tế Ðông - Tây
8:47', 7/2/ 2006 (GMT+7)

Huế vừa được thăng hạng đô thị loại I và đang nỗ lực trên hành trình đi tới một thành phố của lễ hội du lịch đặc trưng của Việt Nam, với hai Di sản văn hóa nhân loại là Cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình. Ngoài ra, kinh tế du lịch Thừa Thiên - Huế có thêm Lăng Cô - Chân Mây xứng đáng là điểm nhấn quan trọng trên hành lang kinh tế Ðông - Tây.

 

                                    Biển Lăng Cô

 

Cái "chân thứ hai" của kinh tế du lịch Thừa Thiên - Huế chính là khu vực Lăng Cô - Chân Mây. Khi hầm đường bộ Hải Vân mở ra, khả năng nơi đây trở thành một vùng động lực để thúc đẩy kinh tế cho địa phương và khu vực càng lớn. Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2005 - 2010, Ðảng bộ Thừa Thiên - Huế mạnh dạn đưa tỉ trọng GDP của ngành dịch vụ lên 43% trong cơ cấu kinh tế, và doanh thu về du lịch tăng đến 30% mỗi năm. Quyết định có tính bứt phá này hẳn đã được xây dựng trên những tiềm năng mới từ "cái chân thứ hai" đó.

Từ năm 2000 đến nay, một khu đô thị thương mại và cảng biển nước sâu đã bắt đầu hình thành thay cho vùng đất hoang vu dưới chân Bạch Mã, Hải Vân vốn nổi danh nghèo khó từ bao đời nay và triển vọng trở thành "chiếc chìa khóa" để mở ra cánh cửa lớn thúc đẩy kinh tế - xã hội của Thừa Thiên - Huế. Khu đô thị mới này có quy mô rộng 4 nghìn ha với cơ cấu 120 nghìn dân, gồm ba khu vực chính là khu khuyến khích phát triển kinh tế thương mại, khu công nghiệp và khu trung tâm. Các ngành khuyến khích đầu tư vào đây là công nghiệp nhẹ, công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp sạch. Bước đầu đã có sáu nhà đầu tư hoạt động tại đây với những triển vọng to lớn.

Nằm trong Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, Chân Mây trở thành lối mở ra phía Biển Ðông đầy hấp dẫn của các hoạt động thương mại và du lịch trong, ngoài nước. Ðây là hải cảng lớn và gần nhất trên hành lang Ðông - Tây với vịnh nước sâu rộng khoảng 20 km2 và rất kín gió, đủ cho tàu trọng tải từ 5 đến 70 nghìn DWT có thể cập bến. Năm 2005, chỉ mới 10 tháng, Chân Mây đã đón 143 chuyến tàu có trọng tải lớn, sản lượng hàng thông qua cảng đạt 350 nghìn tấn, giá trị hàng xuất khẩu qua cảng đạt gần 10 triệu USD. Cũng trong năm 2005 đã có sáu chuyến tàu du lịch viễn dương cập cảng và có thêm gần năm nghìn khách du lịch quốc tế vào "Con đường di sản miền Trung" bằng đường biển ở Huế.

Năm 2005 được coi là năm gặt hái của hành lang kinh tế Ðông - Tây dài 1.450 km nối từ Thái Bình Dương qua Ấn Ðộ Dương khi dự án nâng cấp đường số 9 trên địa phận Việt Nam và địa phận Lào hoàn tất với vốn đầu tư khoảng 50 triệu USD, cầu Hữu Nghị bắc qua sông Mê Công nối Thái Lan và Lào (khoảng 60 triệu USD vốn đầu tư xây dựng) cũng sắp thông nhịp. Những khởi động trên nhiều lĩnh vực, nhất là du lịch và thương mại giữa các nước, mà tiên phong là Việt Nam, Lào và Thái Lan đã làm sôi động không khí của tuyến hành lang chiến lược này mà Lăng Cô - Chân Mây là một điểm đến ấn tượng đầu tiên. Các "tua" du lịch bằng xe hơi từ bên kia bờ Mê Công đã đưa được ngày càng nhiều du khách quốc tế vào Việt Nam.

Tại đầu cầu phía đông của hành lang Ðông - Tây, "điểm đến" Lăng Cô đã và đang có sự chuyển động mang tính chiều sâu hơn khi mỗi ngư dân nhận thức được cơ hội phát triển của quê nhà. Ông Trương Thành Trung, Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch HÐND thị trấn Lăng Cô, cho biết, từ vùng ngư thôn chài lưới, Lăng Cô quyết định chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lấy dịch vụ - du lịch làm đầu. Quyết liệt vận động, đến năm 2000 tỉ trọng dịch vụ - du lịch đã chiếm đến 30%, năm 2005 đạt 45% và sẽ phấn đấu đạt 60% vào năm 2010. Giờ đây, bóng dáng một làng chài đẹp nhưng nghèo dưới chân đèo Hải Vân đã dần dần biến mất và một đô thị du lịch đầy triển vọng, một "Lăng Cô huyền thoại" đang bắt đầu hiện ra. Ngoài bãi biển dài đến 13 km, là một trong những bãi tắm đẹp nhất miền Trung, Lăng Cô với núi, sông, đầm, biển, đảo và hệ thống đèo cao, hầm lớn, rừng nguyên sinh, kể cả tiểu vùng khí hậu ôn đới cận kề... thật sự là nơi quần tụ các loại hình du lịch độc đáo khó nơi nào có được. Ðây là lợi thế "vàng" mà cho đến nay du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế mới mở hướng khai thác.

Lăng Cô - Chân Mây "nơi ẩn dấu của sự quyến rũ" đang tạo nên hình hài một điểm nhấn về kinh tế thương mại và du lịch mang tầm cỡ quốc tế. Một "Lăng Cô huyền thoại" sẽ sớm trở thành hiện thực bởi khả năng kết nối chuỗi đô thị từ Huế - Lăng Cô - Chân Mây - Ðà Nẵng - Hội An trên hành trình "Con đường di sản miền Trung".

. Theo Nhân Dân

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Làng quê, làng nghề Đà Nẵng - êm đềm vùng ven đô  (06/02/2006)
Nguyên miếu Lam Kinh  (05/02/2006)
"Nhúng nước lưới" ở Sa Huỳnh  (03/02/2006)
Miền Trung liên kết phát triển du lịch  (02/02/2006)
Thành phố mới của vùng Nam Trung Bộ  (01/02/2006)
''Vương quốc tỏi'' Lý Sơn - Nơi lưu giữ những giá trị văn hóa cổ xưa  (27/01/2006)
Có một không gian Việt  (27/01/2006)
Quảng Bình: Đường xuân rộng mở  (25/01/2006)
Nhóm đền tháp Chăm PôshaNư  (24/01/2006)
Sử thi Tây Nguyên - những giá trị văn hóa tinh thần vô giá  (23/01/2006)
Thu hút đầu tư vào Bình Thuận: Phải tạo ấn tượng và niềm tin  (20/01/2006)
Làng chiếu Cẩm Nê, Cẩm Lệ  (19/01/2006)
Hội nấu bánh tét kỷ lục   (18/01/2006)
Con đường mang đến những mùa xuân …   (17/01/2006)
Khu du lịch phục hồi sức khỏe nước khoáng Thanh Tân  (17/01/2006)