Đánh giá vị thế của Quảng Ngãi trong chiến đấu giải phóng đất nước với khởi nghĩa Ba Tơ, Trà Bồng, chiến thắng Ba Gia, Vạn Tường… không ai không công nhận là Quảng Ngãi anh hùng. Nhưng đánh giá về vị thế của Quảng Ngãi trong xây dựng kinh tế trong thời gian qua không ít người tỏ ra băn khoăn, lo lắng.
Từ sau ngày hòa bình, nhất là từ khi có chủ trương đổi mới trong phát triển kinh tế, xây dựng đất nước, cải thiện đời sống nhân dân, Đảng, quân, dân Quảng Ngãi đã lao động cật lực và đã giành được những thành tích đáng ghi nhận trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội và an ninh, quốc phòng.
Riêng về mặt kinh tế, đã khôi phục và mở rộng sản xuất nông nghiệp và duy trì sản xuất nhà máy đường vốn có, đạt đến mức đủ gạo ăn hàng ngày, chấm dứt cái cảnh thiếu lương thực. Biết được khó khăn về địa lý của khu vực miền Trung cũng như của Quảng Ngãi, Đảng và Nhà nước chủ trương xây dựng Khu Kinh tế Dung Quất, trong đó có Nhà máy lọc dầu Dung Quất làm động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp cho cả khu vực này từ giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước.
Quảng Ngãi cũng đề ra chủ trương khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp, khai thác mọi tiềm năng để chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân. Mặc dù Nhà máy Lọc dầu số 1 gặp một số khó khăn, chậm xây dựng, nhưng Khu công nghiệp Quảng Phú, Khu công nghiệp Tịnh Phong đã định hình đi vào sản xuất và một vài khu công nghiệp ở các huyện bắt đầu hình thành.
Nhưng đến cuối năm 2005, thu nhập bình quân đầu người/năm mới đạt 325 USD, chưa bằng một nửa bình quân đầu người của cả nước. Thu ngân sách của tỉnh vượt xa nhiều năm trước nhưng cũng chỉ trên 500 tỉ đồng, thu không đủ chi, phải dựa vào sự hỗ trợ của Trung ương.
Có thể nói, Quảng Ngãi mới tạo được thế tự đứng trên đôi chân của mình, tự trang trải được cái ăn, cái mặc, chứ chưa có vị thế gì trong nền kinh tế chung của đất nước.
Nhưng với sự kiện Nhà máy Lọc dầu số 1 chính thức khởi công vào ngày 28-11-2005 báo hiệu một sự chuyển đổi vị thế đáng mừng cho Quảng Ngãi. Sau 3 năm nữa, 6,5 triệu tấn sản phẩm do nhà máy sản xuất ra, giải quyết được 30% nhu cầu xăng dầu của cả nước, còn cung cấp nguyên liệu để các nhà máy hóa chất khác đủ điều kiện hoạt động.
Như quả tim của một cơ thể, Nhà máy Lọc dầu số 1 hoạt động sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các tỉnh khu vực miền Trung. Riêng đối với Quảng Ngãi, nó thúc đẩy việc mở rộng và phát triển các khu công nghiệp hiện có, kích thích việc khai thác các tiềm năng như kinh tế biển, kinh tế rừng kể cả thúc đẩy việc công nghiệp hóa trong nông nghiệp làm chuyển động trên cả 3 khu vực trong tỉnh.
Rồi đây các sản phẩm xăng dầu, nhựa, sắt thép từ Quảng Ngãi được đưa đi khắp các nơi, góp phần ổn định và phát triển kinh tế của cả nước. Vị thế kinh tế Quảng Ngãi sẽ tác động đến nền kinh tế đất nước đã rõ ràng trong tương lai gần.
Không phải chờ đến 3 năm nữa, ngay trong năm 2006 này, hàng nghìn chuyên gia nước ngoài, hàng vạn công nhân sẽ tập trung tại đây để xây lắp nhà máy và xây dựng hàng chục công trình phụ trợ. Với những người Quảng Ngãi được trực tiếp tham gia xây dựng công trình và với các dịch vụ phục vụ việc ăn, ở và vui chơi cho số rất đông người ấy, thu nhập sẽ đạt đến mức nào? Cùng với thu nhập nhờ vào sự tăng trưởng toàn diện của nền kinh tế, phải chăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm sẽ là 700 USD hay 950 USD, gấp 2 hay 3 lần hiện nay? Thu ngân sách của tỉnh cũng thế, 1.000 tỉ hay 1.500 tỉ VNĐ, được xếp vào câu lạc bộ các tỉnh có nguồn thu khá trong cả nước?
Nhiều hay ít, nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào những chủ trương, biện pháp năng động, sáng tạo của Đảng, chính quyền các cấp và sự nỗ lực, quyết tâm của mỗi người dân Quảng Ngãi. Nhưng việc tăng thu nhập có tính đột phá đó đã hiện ra rõ ràng trong kế hoạch 2006-2010.
Từ một tỉnh nghèo với nền kinh tế yếu kém tiến sang vị thế mới trên cả hai mặt, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế của cả nước và nâng cao đời sống của nhân dân, là một sự chuyển đổi đẹp mắt nếu không nói là sự đổi đời.
Bước vào năm 2006 Quảng Ngãi phấn khởi tin vào sự chuyển đổi vị thế của tỉnh nhà.
. Theo báo Quảng Ngãi |