Đắk Nông là tỉnh “sinh sau đẻ muộn” trong số 5 tỉnh ở khu vực Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên 6.514,38 km2, dân số khoảng 430 nghìn người, với 31 dân tộc anh em cùng sinh sống. Tuy nhiên, Đắk Nông lại có những tiềm năng, lợi thế riêng để bứt phá đi lên.
Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội và quốc phòng- an ninh của cả nước; là vùng đất giàu tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, xã hội, nổi bật là tài nguyên đất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và công nghiệp chế biến nông- lâm sản, thuỷ điện, khai khoáng...
Tuy mới thành lập được 2 năm, nhưng trong thời gian qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc ở Đắk Nông đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ do Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk (cũ) lần thứ XIII và Chương trình 06 của Tỉnh uỷ Lâm thời Đắk Nông đề ra. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn ổn định và được giữ vững; kinh tế, xã hội có bước phát triển khá, trong 2 năm 2004-2005 nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng 12,2%. Năm 2005, GDP ước đạt 2.426 tỷ đồng, bình quân thu nhập đầu người đạt 5,86 triệu đồng/năm, bằng 61% so với bình quân chung của cả nước.
Đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận nhân dân trong tỉnh không ngừng được cải thiện nâng lên; công tác xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, y tế, giáo dục, thực hiện các chương trình của Đảng, Nhà nước như: chương trình 135,132,134… bước đầu đã đem lại hiệu quả, góp phần làm thay đổi diện mạo của nhiều xã, buôn, bon vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo đánh giá của các bộ, ngành Trung ương thì Đắk Nông là tỉnh có thế mạnh về khai khoáng và xây dựng thuỷ điện vừa và nhỏ. Theo các nhà khảo sát thì dưới lòng đất Đắk Nông có mỏ bô xít với trữ lượng khoảng 5 tỷ tấn. Chính phủ đã định hướng giai đoạn đến năm 2010 sẽ khởi động 2 dự án là Dự án Tổ hợp khai thác bô xít, sản xuất alumil tại Tân Rai, Bảo Lộc (Lâm Đồng) với công suất 600.000 tấn/năm của Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam; và Dự án sản xuất 100.000 tấn nhôm/năm tại Khu công nghiệp Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) của Tập đoàn Than Việt Nam. Ngoài ra, Đắk Nông tiếp tục hoàn thiện Báo cáo đầu tư dự án khai thác bô xít một số mỏ tại tỉnh Đắk Nông để báo cáo Thủ tướng trong quý I-2006.
Đắk Nông còn có nhiều sông suối để phát triển thuỷ điện, thời gian qua Tổng Công ty điện lực Việt Nam đã khởi công xây dựng một số công trình thuỷ điện lớn như: Buôn Tuarsah, Tổ hợp Thủy điện Đồng Nai 3-4 và sắp tới là khởi công công trình thuỷ điện Đắk R’tíh…
Ngoài ra, tỉnh Đắk Nông còn có cửa khẩu Bu P’răng giáp với Campuchia, đây là đầu mối giao thông quan trọng trong phát triển hành lang giao thống nối liền giữa Việt Nam với Campuchia, Thái Lan và các tỉnh trong khu vực. Hiện nay Đắk Nông đang đề nghị Chính phủ cho phép xây dựng cửa khẩu Bu P’răng thành cửa khẩu quốc tế, nếu được đồng ý, đây sẽ là một trong những đầu mối giao thông quan trọng với các nước trong khu vực về vận chuyển hàng hoá cũng như thu hút khách du lịch các nước.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ 1 (tháng 12-2005) đã xác định mục tiêu tổng quát cho giai đoạn 2005-2010 của tỉnh Đắk Nông là “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ đưa tỉnh Đắk Nông phát triển nhanh, toàn diện và vững chắc”; đặc biệt là đưa tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm từ 15% trở lên, một tỷ lệ cao nhất trong 5 tỉnh Tây Nguyên. Tin tưởng rằng, với sự quan tâm của Trung ương và dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, trong năm 2006 và những năm tiếp theo Đăk Nông sẽ phát huy lợi thế, khai thác hết tiềm năng để phát triển nhanh cùng với các tỉnh trong khu vực và cả nước.
. Theo báo Đắk Nông |