Miền đất bên bờ sông Đồng Nai, nơi gặp nhau của 3 tỉnh Lâm Đồng - Đồng Nai - Bình Phước, có tên gọi là Cát Tiên thuộc tỉnh Lâm Đồng ẩn chứa trong lòng nó những trầm tích bí hiểm từ bao đời nay. Cát Tiên được xem là kinh đô cuối cùng của Vương quốc Phù Nam cổ. Những cuộc khai quật khảo cổ học trong những năm gần đây đã làm hé lộ những bí ẩn của miền đất cổ bên dòng Đồng Nai ẩn chứa nhiềm trầm tích văn hóa ấy.
|
Những bí mật trong lòng đất cổ Cát Tiên dần được hé lộ.
| Trầm tích
Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, người ta phát hiện bên bờ sông Đồng Nai một số ngẫu tượng Linga-Yoni và tượng thần Siva. Và hành trình khám phá của giới khảo cổ học Việt Nam bắt đầu.
Hơn 20 năm qua, bức màn bí mật của vùng đất cổ Cát Tiên đã được vén dần lên: những huyền thoại của Vương quốc Phù Nam cổ dần hé lộ - một đô thị tôn giáo bị chôn vùi trong lòng đất từ nghìn năm nay đang thức dậy, một vương quốc có ảnh hưởng trải dài từ Ấn-Miến đến Indonesia - Philippine -Thái Lan-Campuchia-Việt Nam rồi kéo sang tận nam Trung Hoa có thêm những cứ liệu lịch sử để làm sáng tỏ.
Sau cuộc phát hiện đầu tiên năm 1985 gây bất ngờ cho giới khảo cổ học Việt Nam, hơn 10 năm sau - tháng 9-1997, Bộ VHTT chính thức công nhận Cát Tiên là di tích văn hóa - lịch sử - nghệ thuật quốc gia. Từ đó đến nay, di chỉ khảo cổ học Cát Tiên đã qua 8 lần khai quật, nhiều bí ẩn của vùng đất cổ bên bờ sông Đồng Nai ấy đã được giải mã, lớp trầm tích văn hóa dần hé lộ và trải dài khoảng 15km dọc theo thượng nguồn sông Đồng Nai, thuộc địa phận huyện Cát Tiên, vùng đất cực nam tỉnh Lâm Đồng. Từ những kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học đưa ra nhận định: Nơi này từng tồn tại một cộng đồng dân cư khá lớn trong lịch sử; có thể đó là một tiểu quốc trong vương quốc Phù Nam cổ; về tuổi của di tích, qua phân tích các mẫu vật mới nhất tìm được, có thể đưa ra khung niên đại của thánh địa Cát Tiên từ TK IX hoặc TK X đến TK XIV sau CN (chứ không phải từ TK VIII - TKX sau CN như nhận định trước đây). Và điều đáng nói nhất, di tích Cát Tiên là một di tích có giá trị rất lớn về mặt tôn giáo và kiến trúc.
Kiến trúc tôn giáo cổ độc đáo
|
Kiến trúc đền tháp Cát Tiên đang là mối quan tâm của rất nhiều các nhà nghiên cứu. |
Kiến trúc cổ tại di tích Cát Tiên là một loại hình kiến trúc tôn giáo cổ có những đặc trưng khác biệt so với các loại hình kiến trúc thông thường. Tại lần khai quật mới nhất, giới khoa học đã bất ngờ khi phát hiện ở đây nhiều dạng kiến trúc khá mới lạ. Ở điểm khai quật di tích (DT) gò 6A có dấu vết của một đền thờ khá hoàn chỉnh. Nét đặc thù của đền thờ này thể hiện ở kiến trúc vuông bẻ góc nhiều lần trước mặt tiền phía đông, và tiền điện được xây theo hình bán nguyệt. Ở trung tâm đền là một trụ gạch vuông rỗng tâm, và đáy của trụ gạch được xây chân đế tam cấp. Việc lần đầu tiên phát hiện kiến trúc dạng hình vuông bẻ góc nhiều lần và tiền điện được xây hình bán nguyệt tại DT Cát Tiên làm cho các nhà khoa học liên tưởng đến dạng kiến trúc ở các DT thuộc văn hóa Óc Eo đã được phát hiện tại Tây Ninh và Đồng Tháp trước đây.
Đặc biệt ở gò khai quật số 7, người ta đã phát hiện ra một đền thờ được xây theo dạng hình vuông, nằm cân đối theo trục bắc - nam, và hoàn toàn không có dấu vết bậc cấp và dấu vết cửa. Và ngay tại đây, các nhà khoa học ngỡ ngàng khi phát hiện ra một "máng nước thiêng" - Sommasutra. Đây là lần đầu tiên người ta phát hiện ra Sommasutra ở Cát Tiên. Cùng với máng nước là hệ thống dẫn nước được xây bằng gạch với lòng máng rộng khoảng 40cm, sâu 30cm chạy dọc theo hướng đông - tây và có thể kéo dài hơn 100m với chức năng phân phối "nước thánh" đến tất cả các đền pháp và đền mộ.
Những hiện vật độc đáo
Cũng qua những đợt khai quật gần đây, cùng với kiến trúc, các nhà khảo cổ học còn tìm thấy ở DT Cát Tiên khá nhiều hiện vật cực kỳ có giá trị về mặt khoa học. Hiện vật cần được nhắc đến đầu tiên đó là một mộ chum. Đây là lần thứ hai phát hiện mộ chum tại Cát Tiên nhưng chiếc mộ chum mới nhất được phát hiện này chứa đựng khá nhiều thông tin quan trọng. Bởi lẽ, trong lần phát hiện trước, mộ chum Cát Tiên chỉ là một chiếc thạp và bên trong thạp chưa có những biểu hiện rõ nét của tính chất "mộ". Còn ở lần phát hiện này, mộ chum là một chiếc vò, bên trong vò có chứa đồ tùy táng và cấu trúc xung quanh vò là cấu trúc mộ. Đặc biệt hơn, bên trong vò - mộ chum - lẫn cùng với tro và bột xương là 3 bông hoa nhỏ được làm bằng "kim loại màu vàng" và một số kim loại khác cũng có "màu vàng".
Cùng với mộ chum có chức bông hoa kim loại màu vàng, các nhà khảo cổ họa còn ngỡ ngàng trước một chiếc hộp kim loại màu bạc hình ovan, đáy bằng, có kích thước 18cm x 9cm vừa được tìm thấy. Điều đầu tiên khi nói đến chiếc hộp này là những hình thù trang trí trên nắp hộp. Trên đó, vật trang trí gây sự chú ý nhất là hình ảnh một con sư tử trong tư thế đang nằm với lớp lông bờm khá dài và dáng vóc rất khỏe mạnh. Theo các nhà khảo cổ học, chiếc hộp màu bạc có chạm hình sư tử là biểu hiện yếu tố văn hóa bên ngoài, nên vấn đề được đặt ra là: Phải chăng dấu hiệu văn hóa được biểu hiện trên chiếc hộp này có nguồn gốc từ vùng Lưỡng Hà - Trung Á qua Hy Lạp, sang Ấn Độ rồi đến Phù Nam?
Người ta còn tìm thấy một chiếc "thạch ấn" có dạng hình tròn dẹt, dày từ 2cm - 3cm, đường kính 11cm, phía trên có tay cầm (quai tròn). Đặc biệt, mặt dưới của "con dấu" có khắc những hình thù, đường nét rất lạ mà các nhà khoa học hiện đang đặt câu hỏi rằng đó có phải là cổ tự của cư dân chủ nhân DT Cát Tiên hay không. Từ đây, một câu hỏi được đặt ra: Có phải đây là một con triện của cư dân cổ, và là con triện - thạch ấn duy nhất của cổ dân được tìm thấy ở Việt Nam và Đông Nam Á?
Có thể nói, lòng đất cổ vùng thượng nguồn sông Đồng Nai Cát Tiên (Lâm Đồng) - nơi tiếng gà thức ba vùng đất - ấy đã và đang được đánh thức những trầm tích, bức màn bí ẩn về một vương quốc cổ đang dần hé lộ; nhưng, như trên đã nói, vùng đất ấy vẫn còn nhiều và rất nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa - khảo cổ - kiến trúc - dân tộc học cần được tiếp tục nghiên cứu.
|