Hát múa sắc bùa hiện nay tồn tại chủ yếu ở miền Trung (đặc biệt là ở vùng ven biển) như: Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam... Riêng ở Quảng Ngãi thì hát múa sắc bùa phổ biến ở xã Đức Phong, Đức Thạnh (Mộ Đức), xã Phổ Thạnh, Phổ An (Đức Phổ).
|
Hát múa sắc bùa, một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, hình thành từ trong lao động sản xuất và được lưu truyền từ đời này sang đời khác.
|
Hát múa sắc bùa thường được diễn ra trong các lễ hội của địa phương như lễ hội cầu ngư, mừng lúa mới. Đặc biệt, thường được diễn ra trong dịp tết cổ truyền với những câu chúc tụng tốt lành, xua đi những điều xấu, điều dữ. Ngoài những câu chúc tụng trong ngày xuân, hát múa sắc bùa lời mới còn được viết theo nhiều chủ đề hiện đại như: Ca ngợi Đảng quang vinh, ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, động viên thanh niên lên đường làm nghĩa vụ...
Thường thì hát múa sắc bùa được sân khấu hóa mang tính tập thể thống nhất cao và đội hình hát múa, âm nhạc, đạo cụ để biểu diễn gồm: Người điều khiển cũng là người hát chính trong trò diễn và thường là cụ già với trang phục diễn như đầu chít khăn điều, mặc áo đỏ có thắt dây lưng, quần vàng rộng, không đi dép và hóa trang râu dài... Khi bắt đầu, người điều khiển mang trước ngực một cái trống như trống cơm, trước khi diễn đánh dạo 3 hồi trống rồi múa vòng quanh. Sau màn mở đầu, người điều khiển vỗ một hồi trống dài thì đội múa 8-10 người xuất hiện (đặc biệt đội múa là nữ tuổi từ 12 - 16) với trang phục: đầu đội mũ có nhiều ria trang trí vui mắt hoặc chít khăn màu hồng, quần áo đồng màu, thường là màu xanh nhạt hoặc màu vàng nhạt thắt lưng điều (nếu hát múa chúc xuân thì thường là quần áo màu vàng), chân không đi dép, tay cầm sanh tiền (màn mở đầu), cầm 2 lồng đèn cho màn múa tiếp sau.
Quy trình của hát múa sắc bùa thường thì theo một hệ thống như sau: Hát mở ngõ; hát vô sân; hát vô hè; hát vô nhà; hát tạ ông bà; hát tạ ông táo; hát tạ tiên sư (tổ nghề); hát tạ thần độ mạng; hát tạ quan công; hát chúc thọ; hát ra về...
Sau những lần xướng câu thì toàn đội múa gõ sanh tiền theo tiếng trống và múa đảo liên tục, tiếng phách giữ nhịp và tiếng đàn nhị đưa đẩy theo câu hát. Trong từng điệu nhảy múa đều có sự phân công như: Có lúc người điều khiển hát xướng, toàn đội vừa múa vừa hát theo và lặp lại những câu hát cuối, có lúc chỉ có đội múa hát còn người điều khiển chỉ vỗ trống giữ nhịp. Thường thì trong một màn diễn có thể diễn nhiều trò, hát chuyển nhiều nội dung, động tác múa cũng chuyển liên tục và cho đến khi kết thúc. Hiện nay các địa phương, các nghệ nhân còn tâm đắc với hát múa sắc bùa như: anh Nguyễn Nhơn, cụ Tân (Mộ Đức), cụ Hoa, cụ Sơn (Đức Phổ)...
Hát múa sắc bùa là nét đẹp truyền thống dân gian, nó vừa mang ý nghĩa văn hóa tâm linh vừa là món ăn tinh thần, nếu loại hình nghệ thuật dân gian này không được thường xuyên khơi ngợi thì chắc chắn sẽ bị mai một và có thể mất hẳn.
. Theo Báo Quảng Ngãi
|