Làng cổ Phước Tích nằm trong địa phận xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế. Theo sử sách và gia phả các dòng họ còn lưu lại thì làng Phước Tích ngày nay được thành lập từ năm 1470, dưới triều vua Lê Thánh Tông. Cách đây khoảng trên 500 năm, vùng nay được gọi là xứ Cồn Dương, được bao bọc bởi dòng sông Ô Lâu mát rượi uốn cong hình móng ngựa.
Năm 1306, đời nhà Trần, để cưới Công chúa Huyền Trân, vua Chăm Chế Mân (Jaya Simhavarman III) đã lấy 2 châu Ô, Lý làm sính lễ cho Đại Việt. Đến năm 1307, vua Trần Anh Tông cho đổi tên thành Thuận Châu (Quảng Trị và Hóa Châu), sai quan Hành khiển Đoàn Nhữ Hải vào vỗ về dân chúng, chọn người bản xứ ra làm quan, cấp ruộng đất và miễn thuế cho dân 3 năm. Nửa sau thế XV, vua Trần ban chiếu khuyến khích di dân vào Nam, trong bối cảnh ấy, nhiều ngôi làng Việt đã được hình thành ở đây, làng Phước Tích thành lập vào khoảng đợt thứ 3 năm 1470.
Gia phả của các họ ở làng Phước Tích đều đã ghi khá chi tiết về quá trình khai canh của làng. Gia phả họ Hoàng chép rằng: Năm Hồng Đức thứ nhất và thứ hai (1470 và 1471), đời vua Lê Thánh Tông, ngài thủy tổ của họ Hoàng là ông Hoàng Minh Hùng, tục gọi là Nồi, nguyên người làng Cảm Quyết, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An là một võ tướng, phò vua Lê Thánh Tông thân chinh đánh đuổi quân Chiêm Thành, sau chiến thắng trở về, đi ngang qua Hoa Châu, đến sông Ô Lâu. Nhận thấy Cồn Dương có địa thế thuận lợi nên ông Hoàng Minh Hùng đã chọn làm nơi lập nghiệp. Ngài về quê hương chiêu mộ thêm 11 họ đưa vào đất Cồn Dương khai khẩn lập làng, sau đó tăng thêm 5 họ nữa, lấy tên là Cảm Quyết để ghi nhớ cố hương.
Trước đây, nghề gốm ở làng Phước Tích rất thịnh. Khi nghề gốm phát triển, bên cạnh những người làm gốm, còn có những người chuyên làm trung gian buôn bán, nhờ đó đã tạo nên sự giao thương rộng rãi. Và Phước Tích trở thành một trong số ít làng năng động và giàu có lúc bấy giờ. Những ngôi nhà rường khang trang từ 150 đến 200 năm tuổi ấy đã minh chứng.
Nói về gốc tích nghề gốm của làng, cái đã làm nên sự phồn thịnh của làng Phước Tích trong 500 năm qua, cụ Lê Trọng Ngữ, một người hay chữ của làng đã dịch các tư liệu Hán văn sang quốc ngữ khẳng định rằng ''Trong đoàn người gồm 12 tộc họ từ Bắc vào Nam đầu tiên có 3 người biết nghề gốm''. Tư liệu cổ không rõ họ tên nhưng họ là những người đã truyền nghề gốm cho làng. Song điều đáng quý nhất ở làng Phước Tích là những người chăm làm, trọng nghĩa, có truyền thống hiếu học, nhân ái, đoàn kết. Những truyền thống tốt đẹp ấy đã được dân làng khắc bia đá ghi công. Tuy làng không có những vị đại khoa tầm cỡ, nhưng cũng có bề bày truyền thống khoa bảng và sự hiếu học. Làng có văn thánh thờ Khổng tử và các hiền nhân. Dưới thời nhà Nguyễn, làng có 19 tú tài và cử nhân, nhiều người đỗ đạt đã mở lớp dạy học hoặc ra làm quan.
Về Phước Tích hôm nay, điều làm bao người đến đây không khỏi nhạc nhiên và sửng sốt chính là trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt kéo dài, bom đạn dù đã cày xới hết từng cành cây, ngọn cỏ thế mà những nét cổ kính của các công trình kiến trúc, nhà cửa, đền miếu, cây cối cũng như người làng vẫn vượt qua những thách thức của 2 cuộc kháng chiến trường kỳ và thần thánh của dân tộc ta. Làng Phước Tích đến nay vẫn còn lưu giữ những di sản vật thể vô giá vừa cổ kính, vừa đồ sộ. Trong tổng số 117 nóc nhà của làng , hiện còn tới 27 ngôi nhà cổ, đa số là nhà rường 3 gian hai chái và 10 nhà thờ họ cổ. Trong đó có 12 nhà rường của các gia đình được xếp vào loại có giá trị đặc biệt. Điều lý thú là các ngôi nhà rường cổ ở Phước Tích liên kết với nhau, chỉ cách nhau 1 khu vườn rộng với những hàng chè tàu xanh, thẳng. Nó như một sự sắp xếp có dụng ý để hoà vào cảnh vật thiên nhiên thơ mộng của dòng sông hiền hoà như dải lụa đào uốn lượn qua làng soi bóng những cây cổ thụ có tuổi đời gắn với tuổi của làng. Bên cạnh những nhà rường cổ kính là các di tích lịch sử văn hoá, tín ngưỡng dày đặc, vừa mang tính phổ biến, vừa mang tính đặc trưng của làng.
. Theo báo Nông Nghiệp Việt Nam
|