Đèo Ngang như một thanh kiếm lớn từ Trường Sơn đâm thẳng ra biển là ranh giới hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh từng được người xưa coi là vùng đất hiểm yếu. Nằm dưới chân Đèo Ngang là xã nghèo Quảng Đông, nơi Bà Huyện Thanh Quan đã hơn một lần nhìn thấy Lom khom dưới núi tiều vài chú/Lác đác bên sông chợ mấy nhà. Hàng trăm năm nay, nghèo dường như đã trở thành "đặc trưng" cố hữu của Quảng Đông. Nhưng từ nay, mọi việc bắt đầu thay đổi.
Điều nghịch lý là Quảng Đông lại là xã có tiềm năng phát triển kinh tế vào bậc nhất của huyện Quảng Trạch, thậm chí là cả tỉnh Quảng Bình nếu xét về góc độ du lịch, công nghiệp khai khoáng và vận tải biển.
Qua bao biến cố, Đèo Ngang hai mái chênh vênh thì vẫn thế, nhưng cuộc sống khốn khó của những “tiều phu” kia đã khá hơn. Quảng Đông đã có nhiều đổi thay những vẫn là xã nghèo nhất nhì huyện Quảng Trạch. Diện tích tự nhiên thì rộng, nhưng không thể gieo trồng, toàn xã chỉ có 56 ha lúa vụ đông xuân, sản lượng lương thực chỉ 223 tấn. Bờ biển chỉ là bãi ngang, thiếu ngư lưới cụ đánh bắt và tàu thuyền có công suất lớn nên khai thác hải sản không hiệu quả. Chăn nuôi gia súc có thế mạnh nhưng thiếu con giống và kỹ thuật nuôi. Ở xã hiện còn hộ đói, tỷ lệ hộ đói nghèo trên 20%.
Trở lại với Đèo Ngang. Đây vốn là điểm đồn trú của quân Trịnh trong cuộc phân tranh Trịnh- Nguyễn. Dấu ấn lịch sử còn lưu lại trong di tích các thành luỹ, trong nhiều địa danh và truyền thuyết lưu truyền trong dân gian. Bây giờ, bên mái Đèo Ngang còn có đền thờ công chúa Liễu Hạnh. Ở đỉnh đèo còn lưu giữ nguyên một cửa lớn gọi là “Hoành Sơn Quan”, cửa được xây dựng từ triều Minh Mạng và con đường ghép đá vượt đèo qua “Hoành Sơn Quan” từng in đậm dấu của nhiều danh nhân đất nước. Đứng trên đỉnh đèo, phóng tầm mắt ra xa nhìn rõ biển Đông xanh ngát và miên man gió. Nổi lên giữa màu xanh của biển cả là mũi Ròn, Vũng Chùa và nhiều đảo lớn, nhỏ lô nhô trên sóng nước.
Quảng Đông có tiềm năng phát triển du lịch, Công ty Cổ phần Đông Sơn đã quyết định đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái Vũng Chùa- Đảo Yến có đẳng cấp quốc tế. Dự án khu du lịch trên được chia ra làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 xây dựng khu Resort và tổ hợp khách sạn cao cấp nằm ven đồi thuộc thôn Đông Hưng, xã Quảng Đông, giai đoạn 2 sẽ “đánh thức” Đảo Yến. Một con đường rộng rãi gần 4 km nối từ Quốc lộ 1A đến thôn Đông Hưng, nay mai nơi đây sẽ là khu du lịch hấp dẫn bên cạnh sự sầm uất của cảng biển Hòn La.
Chưa dừng ở đó, ngay dưới chân Đèo Ngang, Công ty Phát triển văn minh đô thị Hà Nội đang xây dựng dự án tổ hợp hải sản- du lịch quốc tế biển Hoành Sơn với diện tích trên 100 ha bao gồm cả mặt nước. Dự án đã được UBND tỉnh Quảng Bình chấp thuận cho đầu tư. Vậy là cùng với các di tích trên đỉnh Đèo Ngang, Quảng Đông rồi đây sẽ là điểàm du lịch sinh thái biển hấp dẫn phía bắc tỉnh Quảng Bình.
Nói đến Quảng Đông, không thể không nhắc đến cảng biển Hòn La. Đầu năm 2005, Hòn La được Chính phủ cho phép xây dựng thành cảng biển lớn, quy mô 97,58 ha, tổng mức đầu tư 152,6 tỷ đồng. Sau thời gian khởi công chưa lâu, bây giờ, khu Công nghiệp Hòn La đã hình hài và nhiều doanh nghiệp đăng ký đầu tư với diện tích khoảng 60% đất công nghiệp. Rồi đây, khu công nghiệp Hòn La sẽ quy tụ nhiều nhà máy như nhà máy sản xuất dăm giấy xuất khẩu, nhà máy sản xuất nội thất tàu thuỷ, nhà máy sản xuất phương tiện thuỷ và vật liệu composite, kho bãi và dịch vụ sửa chữa cơ khí, tàu thủy… Hiện nay, Ban quản lý các KCN tỉnh phối hợp với Viện Chiến lược (Bộ KH-ĐT) xây dựng quy hoạch phát triển khu kinh tế Hòn La với quy mô 90 km2, bao gồm các xã Quảng Đông, Quảng Phúc, Quảng Tùng, Cảnh Dương, Quảng Hưng và Quảng Xuân. Trong tương lai khu kinh tế Hòn La được xây dựng theo mô hình khu kinh tế tổng hợp bao gồm cảng Hòn La, khu Công nghiệp cảng biển Hòn La, khu du lịch, khu bảo thuế và khu đô thị- hành chính. Tất cả đang còn nằm ở phía trước.
. Theo báo Quảng Bình |