Người buôn voi cuối cùng
9:2', 22/2/ 2006 (GMT+7)

Dân các buôn làng Tây Nguyên không ai lạ gì tên tuổi của bà, họ tôn bà là người buôn voi giỏi nhất. Bà là người Lào chính cống nhưng sinh sống ở Việt Nam và mang cả hai quốc tịch. Bà tên Sao Thong Chăn, năm nay 82 tuổi.

Sinh ra ở Păc-xế, Lào, 15 tuổi bà đã lấy chồng. Dòng họ bên Lào không chấp nhận cuộc hôn nhân của bà nên bà trốn qua buôn Đôn. Buôn Đôn không chỉ là ''thủ phủ'' của những người săn voi mà còn là tụ điểm mua bán voi rừng tấp nập.

Bà Sao Thong Chăn - người buôn voi cuối cùng của thế kỷ XX.

17 tuổi, bà trở thành một người buôn voi thực thụ. Bà đem voi rừng mà những người thợ săn voi buôn Đôn bắt được bán đi khắp nơi. Ngồi trên lưng voi, bà rong ruổi khắp đại ngàn để đến những buôn làng xa xôi nhất cần mua voi, có khi đó là người Gia Rai ở Bắc Tây Nguyên hoặc người Êđê ở tận Nam Trường Sơn hay người M’nông ở Campuchia. Ngay đất nước tổ tông của bà, nơi được mệnh danh là đất nước triệu voi cũng mua của bà bốn con voi. Cả vua chúa và tướng lĩnh cũng tìm đến bà mua voi. Tại Buôn Đôn, bà từng tiếp ông hoàng Bảo Đại và đi tắm suối cùng Mộng Điệp, thứ phi của ông bên sông Sêrêpốk. Bà bán cho vua Bảo Đại ba con voi.

Mỗi con voi, tùy theo thước tấc, tuổi tác, được bán từ 50 đến hơn 100 con bò. Cứ mỗi con voi mua đi bán lại, bà lời từ 6-10 con bò. Buôn bán phát đạt, bà đầu tư mua 12 con voi chiến - loại voi dùng để săn bắt voi. Bà thuê thợ săn và trả công cho họ. Đó là thời hoàng kim của bà. Trước 1975, bà bán voi cho Thảo cầm viên Sài Gòn, bán voi qua Pháp, Nhật, Singapore mà người chuyên làm thủ tục để đưa voi ra người ngoài là ông bà Phong Lợi ở Sài Gòn.

Bà bảo bà theo cách mạng từ năm 1961-1962 và cho cách mạng mượn hai con voi để vận chuyển vũ khí ở Tây Nguyên. Do phải giữ bí mật những chuyến đi rừng chuyển đồ tiếp tế cho ''người của mình'' bà không thể báo cáo lý do với chồng.  Vì chồng bà hay ghen nhiều lần bà bị đánh sưng mặt mũi. Ly dị nhau năm 1968, bà đi thêm bước nữa với một người Chăm vào năm 1975. Sau 1975 bà vẫn tiếp tục buôn voi, nhưng chủ yếu ''buôn giùm cho Nhà nước chứ buôn ngoài không bao nhiêu''. Bà từng mua 10 con voi đem ra Hà Nội (năm 1976-1977), 4 con khác ở Nghệ An (1984). Cũng trong khoảng năm 1976-1977 bà mua cho Nhà nước 5 con chuyển đi Cuba (chính chồng và mấy đứa cháu của bà đưa voi đi suốt cuộc hành trình này. Voi được chở bằng xe tải ra cảng Đà Nẵng rồi theo đường biển vòng sang Tây Ban Nha để đến Cuba). Bà còn mua dùm cho Thảo cầm viên TP Hồ Chí Minh 3 con voi để đưa đi Đức (1985), rồi 1 con cho hồ Kỳ Hoà, 2 con cho tỉnh Mỹ Tho (1986)…

Năm 1987, bà chấm dứt cái nghề khá đặc biệt là buôn voi chuyên nghiệp. Bà Sao Thong Chăn cho rằng, điều lớn nhất mà bà làm cho Nhà nước không phải là cho mượn 2 con voi để vận chuyển vũ khí mà chính là việc ''nhận của ông Y Ngông Niêkđăm chỉ có 1.000 đồng vào năm 1978 để mua dùm một cặp ngà voi 46 kg. Cặp ngà này đang để ở Trung ương, ai ra đó cũng thấy. Ít ai biết rằng để có cặp ngà ấy bà đã phải đổi hai con voi lớn yêu quý của mình. 1.000 đồng chỉ là chi phí tượng trưng''.

Với những đóng góp đáng quý cho cách mạng, bà được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì và được hưởng trợ cấp hàng tháng của Nhà nước 500.000 đồng. Hiện nay, bà Sao Thong Chăn đang cư trú tại huyện Ayun Pa (tỉnh Gia Lai).

. Theo báo Đắk Nông

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cưỡi voi qua sông Sêrêpôk  (21/02/2006)
Dự cảm Quảng Đông  (20/02/2006)
Kỳ vọng từ con đường xuyên "thế kỷ"  (19/02/2006)
Xuôi dòng sông La  (17/02/2006)
Làng 500 tuổi  (17/02/2006)
Hát múa sắc bùa: Nét truyền thống của ngày xuân  (17/02/2006)
Thức dậy miền trầm tích Cát Tiên  (13/02/2006)
Đắk Nông - một động lực mới của vùng kinh tế Tây Nguyên  (12/02/2006)
Phú Yên: Vũng Rô, Đá Bia, Mũi Điện...  (10/02/2006)
Quần thể du lịch - thể thao trên biển, tại sao không ?  (09/02/2006)
Đà Nẵng: Thu hút nhân tài qua mạng điện tử  (09/02/2006)
Vị thế Quảng Ngãi  (08/02/2006)
Phú Yên: khôi phục hội đua ngựa dân gian  (07/02/2006)
Lăng Cô - Chân Mây, điểm nhấn trên hành lang kinh tế Ðông - Tây  (07/02/2006)
Làng quê, làng nghề Đà Nẵng - êm đềm vùng ven đô  (06/02/2006)