Đưa miền Trung-Tây Nguyên trở thành khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước
11:52', 23/2/ 2006 (GMT+7)

Ngày 24-2-2006, tại Thành phố Buôn Ma Thuột sẽ diễn ra Hội nghị giao ban Liên kết miền Trung-Tây Nguyên lần thứ 3. Tại đây, 12 tỉnh trong khu vực cùng đại diện của các Bộ, ngành sẽ cùng điểm lại những thành tựu cũng như thách thức trong thời gian qua và tìm kiếm những giải pháp phát triển hữu hiệu cho giai đoạn tiếp theo...

Năm 2005 - thương mại, du lịch đạt nhiều thành tựu

Hãy nhìn lại những thành tựu và khó khăn mà 12 tỉnh thuộc khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã trải qua trong năm 2005, từ đó ta sẽ có một hình dung tổng quan hơn về tình hình hoạt động kinh tế của khu vực này.

Có thể nói năm 2005 là một năm mà ngành thương mại, du lịch khu vực miền Trung - Tây Nguyên gặt hái được nhiều thành công rực rỡ nhất từ trước đến nay. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ xã hội ước tăng 22,11% so với năm 2004 (cả nước tăng 21,1%). Hàng hóa trên thị trường dồi dào, phong phú. Sức mua của các tầng lớp dân cư tăng cao, thị trường và hoạt động thương mại nội địa của khu vực diễn ra khá sôi động.

Phương thức kinh doanh thương mại của khu vực ngày càng được đổi mới và đa dạng hơn, số lượng đội ngũ thương nhân, chủ thể tham gia hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn các tỉnh ngày càng gia tăng. Hầu hết các tỉnh đều đã thực hiện xong quy hoạch chợ, quy hoạch hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu và đã triển khai thực hiện các quy hoạch. Các “mô hình phân phối hàng hóa hiện đại” đã bước đầu hình thành ở một số tỉnh qua việc đưa vào hoạt động, nhiều Trung tâm thương mại, siêu thị, các cửa hàng tự chọn đạt hiệu quả cao như:  Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa...

Tuy nhiên, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội của các tỉnh trong khu vực có sự chênh lệch lớn, còn chiếm tỷ trọng thấp so với cả nước; quy mô thị trường nội địa khu vực nhỏ lẻ, hệ thống Trung tâm thương mại, siêu thị trong vùng còn quá ít, cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng phục vụ phát triển thương mại, dịch vụ yếu kém nhất là hệ thống chợ ở nông thôn, miền núi, việc đầu tư xây dựng mới còn hạn chế.

Về hoạt động xuất nhập khẩu, năm 2005, tổng kim ngạch xuất khẩu của 12 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên đạt 1.895 triệu USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm 2004, chiếm tỷ trọng 5,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đây là mức tăng trưởng tương đối cao so với tăng trưởng chung của cả nước năm 2005 (tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong năm 2005 là 32,233 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng là 21,6%). Nhìn chung, kim ngạch xuất khẩu năm 2005 của các tỉnh và thành phố trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên đều đạt kế hoạch và tăng trưởng khá so với năm 2004. Các nhóm mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của khu vực (đồ gỗ, thủy sản, hồ tiêu, cà phê…) đều tăng khá so với cùng kỳ. Trong 12 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên, có 2 tỉnh, thành phố là Đà Nẵng và Khánh Hoà có hoạt động xuất khẩu dịch vụ đạt kim ngạch cao: Đà Nẵng là 130 triệu USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ; Khánh Hoà riêng ngành dịch vụ sửa chữa và đóng tàu đạt 98 triệu USD, tăng 72,8%.

Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì hoạt động xuất khẩu của các tỉnh, thành phố ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: xuất khẩu hàng dệt may, da giày sức cạnh tranh thấp; xuất khẩu thủy sản bị hạn chế bởi các rào cản thương mại, kỹ thuật của Mỹ và các nước EU; giá các loại vật tư chủ yếu trên thị trường thế giới tăng cao; nguồn nguyên liệu chế biến hàng xuất khẩu có một số hạn chế về nguồn cung như: gỗ, thuỷ sản nguyên liệu, gạo, sắn lát... hầu hết các mặt hàng nông sản xuất khẩu đều ở dạng thô, chưa qua chế biến làm giảm giá trị xuất khẩu... Từ đó, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực so với toàn quốc còn thấp chưa tương xứng với tiềm năng. Việc xúc tiến đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu còn khó khăn do vị trí địa lý không thuận lợi, nguồn nhân lực hạn chế, công tác xúc tiến thương mại hoạt động còn manh mún, rời rạc.

Về hoạt động du lịch năm 2005, hoạt động du lịch 12 tỉnh tiếp tục tăng trưởng nhanh, đóng góp rất lớn vào GDP của các tỉnh. Tổng số lượt khách đến khu vực ước đạt 5.032.727 lượt khách. Đến nay, hầu hết các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã hoàn thành Quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, đang tiến hành đầu tư, cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các cơ sở lưu trú, các tuyến du lịch trọng điểm, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, tăng cường công tác tiếp thị và quảng bá du lịch; tổ chức các hội chợ - triển lãm, hội thảo gắn với du lịch, phát hành các cẩm nang, đĩa CD, bản tin về du lịch, phối hợp với Đài truyền hình làm phim quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch để thu hút khách du lịch... Tuy nhiên, hoạt động du lịch của khu vực trong năm qua vẫn thiếu sự liên kết chặt chẽ trong việc quảng bá, giới thiệu và thu hút du khách đến với khu vực thông qua 2 sản phẩm du lịch lớn và độc đáo là Con đường di sản miền Trung và Con đường xanh Tây Nguyên. Sự thiếu phối hợp này một phần là do sự thiếu chủ động liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực; phần khác là do Tổng cục Du lịch mới chỉ tập trung vào công tác khảo sát mà chưa đẩy mạnh đầu tư để hình thành những sản phẩm du lịch có tầm quốc gia và quốc tế ở khu vực này nhằm khai thác du lịch một cách có hiệu quả.

Nhiều chương trình xúc tiến thương mại và hội nhập quốc tế

Năm 2005, hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch và hội nhập kinh tế quốc tế của các tỉnh trong khu vực diễn ra khá sôi động và đạt nhiều kết quả. Nhiều tỉnh đã tổ chức được nhiều chương trình xúc tiến thương mại và du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tổ chức thành công các hội chợ - triển lãm, quảng bá xúc tiến du lịch và thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu đạt hiệu quả. Đáng kể ở đây là những hội chợ, Lễ hội lớn: Hội chợ Triển lãm Festival Thái - Lào - Việt diễn ra từ 01- 03/4/2005 tại thành phố Huế, hội chợ kinh tế - xã hội Quảng Nam trong Chương trình Lễ hội Quảng Nam hành trình di sản, hội chợ - Triển lãm “Festival Tây Nguyên 2005” diễn ra từ 9-14/03/2005 tại thành phố Buôn Ma Thuột, hội chợ Quảng Nam 30 năm xây dựng và phát triển diễn ra từ 21-27/03/2005 tại thị xã Tam Kỳ, hội chợ Thương mại và Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên 2005 diễn ra từ 31-06/4/2005 tại TP Tuy Hoà - Phú Yên, hội chợ - Triển lãm “Hàng Xuất khẩu, Tiêu dùng và Du lịch Miền Trung - Tây Nguyên 2005”, hội chợ "Hàng Việt Nam chất lượng cao" tổ chức tại Tp. Đà Nẵng... Đặc biệt vào cuối năm 2005, tại TP Buôn Ma Thuột UBND tỉnh ĐăkLăk đã tổ chức thành công Lễ hội chuyên ngành cà phê đã gây được nhiều sự chú ý của khách hàng cũng như du khách trong và ngoài nước.

 Tuy nhiên, trong lĩnh vực này, việc triển khai cũng còn nhiều hạn chế như: Chưa xây dựng được các chương trình hợp tác, hoạt động phối hợp mang tính cụ thể, chiều sâu ; chưa nghiên cứu, xây dựng các chương trình phát triển về sản phẩm, ngành hàng xuất khẩu có thế mạnh của khu vực, chưa có chương trình phối hợp phát triển vùng nguyên liệu và thu mua nguyên liệu cho chế biến hàng  hàng xuất khẩu. Việc hỗ trợ cung cấp thông tin, làm đầu mối giúp các doanh nghiệp các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên liên kết với nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư để phát huy tối đa thế mạnh của từng địa phương trong sự phát triển chung của khu vực còn hạn chế. Việc liên kết với nhau để phát triển thị trường hàng hóa, thương mại, dịch vụ du lịch trong tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, mở rộng quan hệ hợp tác về phía Tây chưa được tổ chức triển khai; chưa tổ chức được các tour du lịch gắn kết các khu, điểm du lịch trọng điểm của các tỉnh trong khu vực với nhau nhằm khai thác, thu hút khách du lịch…

Hy vọng rằng trong thời gian tới, các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên sẽ cùng nhau giải quyết dần những khó khăn cản trở, tìm ra giải pháp để đưa khu vực này thành vùng kinh tế trọng điểm của đất nước.

. Theo Đài TNVN

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chút "Triết lý" từ bữa cơm muối ở Huế  (22/02/2006)
Người buôn voi cuối cùng  (22/02/2006)
Cưỡi voi qua sông Sêrêpôk  (21/02/2006)
Dự cảm Quảng Đông  (20/02/2006)
Kỳ vọng từ con đường xuyên "thế kỷ"  (19/02/2006)
Xuôi dòng sông La  (17/02/2006)
Làng 500 tuổi  (17/02/2006)
Hát múa sắc bùa: Nét truyền thống của ngày xuân  (17/02/2006)
Thức dậy miền trầm tích Cát Tiên  (13/02/2006)
Đắk Nông - một động lực mới của vùng kinh tế Tây Nguyên  (12/02/2006)
Phú Yên: Vũng Rô, Đá Bia, Mũi Điện...  (10/02/2006)
Quần thể du lịch - thể thao trên biển, tại sao không ?  (09/02/2006)
Đà Nẵng: Thu hút nhân tài qua mạng điện tử  (09/02/2006)
Vị thế Quảng Ngãi  (08/02/2006)
Phú Yên: khôi phục hội đua ngựa dân gian  (07/02/2006)