Từ Bờ Y đến… bờ yêu
17:52', 24/2/ 2006 (GMT+7)

Bờ Y là cửa khẩu đầu tiên và duy nhất hiện nay của Tây Nguyên. Nó được coi là “ngã ba Đông Dương” gồm một cửa khẩu chính nối với Lào, một cửa khẩu phụ nối với Campuchia. Việc thành lập khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y (CKQTBY) sẽ tạo ra cơ hội hợp tác, phát triển đồng đều giữa các nước ASEAN và tiểu vùng sông Mê Kông. Đây còn là giao điểm quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Đông- Tây nối liền các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ với các tỉnh Nam Lào, Đông bắc Thái Lan, Campuchia và Myanma.

Từ thị xã Kon Tum, đi đường 14 theo hướng Bắc lên ngã ba Pleicần và từ đó đi tiếp 30 cây số theo một Tỉnh lộ để đến với CKQTBY. Cách đây không lâu, các huyện cánh bắc Kon Tum như Ngọc Hồi, Đăk Tô, Đăk Glei là vùng mà dân cư phàn lớn thuộc diện nghèo.

Rừng đồi hoang hoá dân cư thưa thớt do không có điều kiện phát triển kinh tế. Hệ thống giao thông chưa được nâng cấp, việc đi lại của nhân dân rất khó khăn. Nhiều năm liền, các huyện này có đến 80% hộ dân thuộc diện nghèo và 30% thuộc diện đói. Các doanh nghiệp ngại đầu tư lên vùng “khỉ ho cò gáy” vì nếu có làm ra sản phẩm cũng không có thị trường tiêu thụ.

Thời chống Pháp đến chống Mỹ, các huyện này là khu vực quân sự của chế độ Sài Gòn với các căn cứ khét tiếng như Tu Mơ Rông, Charlie, Ben Het… Để ngăn chặn hoạt động của quân giải phóng, Mỹ Ngụy đã rải hàng ngàn tấn bom napan và chất độc da cam phá huỷ môi trường sống, biến nơi đây thành vùng hoang địa. Năm 1972, quân và dân ta  tiến đánh Tân Cảnh- Ngọc Hồi. Trận quyết chiến này đã phá tan toàn bộ các cụm căn cứ của Mỹ nguỵ và mở ra bước phát triển mới về chính trị, quân sự, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch tổng tiến công mùa Xuân năm 1975.

Hơn hai mươi năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, với chủ trương xây dựng Tây Nguyên thành khu vực kinh tế mũi nhọn, Nhà nước đã tiến hành đầu tư nâng cấp Quốc lộ 14, QL 24, xây dựng đường Hồ Chí Minh…Kon Tum dần dần thoát ra khỏi thế ngõ cụt. Đến năm 1999, Chính phủ quyết định xây dựng Bờ Y thành cửa khẩu quuốc tế và hình thành tại đây Khu kinh tế CKQTBY. Khu kinh tế này nằm trên một vị trí hết sức thuận lợi vì lộ tình từ các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam bộ, đông- bắc Thái Lan, nam Lào qua CKQTBY ngắn hơn nhiều lần so với các cửa khẩu quốc tế khác. Nó nằm trên tuyến đường bộ ASEAN 11 (Hội An- Kon Tum- Buôn Ma Thuột- TP Hồ Chí Minh- Mộc Bài) và ASEAN 6B (Dung Quất- Quốc lộ 18B (Lào). Hiện nay, nước ta và các nước Lào, Thái Lan đã và đang tiến hành xây dựng nhiều tuyến đường nối các vùng kinh tế trọng điểm của mình qua CKQTBY như đường Hồ Chí Minh (VN), quốc lộ 16A từ Pắc Xế đến thị xã Attapư (Lào), cầu Pắc Xế qua sông Mê Kông (Lào- Thái), đường 18B từ thị xã Attapư đến cửa khẩu Phucưa nối với đường 40 của Việt Nam…Từ CKQTBY đi chưa đến nửa tiếng đồng hồ có thể đặt chân lên 2 nước, khung cảnh của khu vực “một tiếng gà gáy ba nước đều nghe” này. Rẽ bên trái là đường dẫn đến cửa khẩu sang Campuchia; bên phải là đường dẫn đến cửa khẩu sang Lào. Theo ông Nguyễn Thế Đạt, Trưởng ban QLDA CKQTBY thì Khu kinh tế CKQTBY có diện tích hơn 68 ngàn ha nằm trên “lãnh địa” 5 xã thuộc huyện Ngọc Hồi là Bờ Y, Saloong, Đắksú, Đắknông, Đắkdục và thị trấn Pleicần. Dân số hiện nay có 67 ngàn người, gồm 11 dân tộc. Trong đó người Kinh chiếm 1/3. Khu kinh tế được xây dựng 6 khu vực chính: khu vực các cơ quan Nhà nước, kho tàng, bến bãi, dân cư, chợ biên giới, dịch vụ công cộng, các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật; khu công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu; Trung tâm thương mại quốc tế, khách sạn, nhà hàng, bưu điện, ngân hàng; đài phát thanh truyền hình, bệnh viện, trường học, công viên…; khu du lịch sinh thái với vườn Quốc gia Chưmoray.

Sau 6 năm kể từ ngày có quyết định thành lập, đến nay Khu kinh tế CKQTBY đã có nhiều công trình được triển khai xây dựng với tổng mức đầu tư xấp xỉ 460 tỷ đồng. Trong đó phải kể đến các công trình trọng yếu như Quốc môn, lưới điện cửa khẩu, đường nội bộ, cấp thoát nước, Trung tâm thương mại, kho bãi, chợ biên giới, Trung tâm điều hành Khu công nghiệp, Trạm kiểm soát Liên hợp cửa khẩu…Theo kế hoạch các công trình trên sẽ được hoàn thành cơ bản vào cuối năm 2007.

Mặc dù Khu kinh tế CKQTBY chưa chính thức hoạt động song từ ngày bắt tay xây dựng đến nay, việc giao thương kinh tế giữa hai tỉnh Kon Tum và Attapư (Lào) nói riêng và hai nước Việt- Lào nói chung không còn phải quá cảnh sang đất Campuchia. Theo đó, lượng hàng hoá người và phương tiện qua lại CKQTBY ngày càng tăng mạnh. Tổng thu thuế XNK qua cửa khẩu từ chỗ 949 triệu đồng năm 1999 đã tăng lên 36,8 tỷ đồng năm 2005. Dự kiến, đến năm 2010 lượng hàng hoá quá cảnh và XNK qua Khu kinh tế CKQTBY sẽ đạt từ 1 triệu đến 1,5 triệu tấn/năm. Mức tăng trưởng bình quân khoảng 13-15% năm. Năm 2006, sau khi đường 18B (Lào) hoàn thành, chúng tôi sẽ tiến hành khai trương cặp cửa khẩu quốc tế Bờ Y- Phu cua (Lào). Đồng thời sẽ tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại cho Khu kinh tế CKQTBY. Trước mắt, khẩn trương xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng đã được Chính phủ phê duyệt để đáp ứng nhu cầu các hoạt động kinh tế- xã hội”.

Được biết thời gian tới, nhân dân các xã trong Khu kinh tế CKQTBY, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số sẽ được bố trí định cư tại các khu dân cư được xây dựng kết hợp giữa kiến trúc đô thị với kiến trúc Tây Nguyên. Ngoài ra đồng bào sẽ được tạo công ăn việc làm phù hợp  trong Khu kinh tế theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Đã qua rồi cái thời hoang hoá, thưa vắng người. Bờ Y ngày càng sầm uất và đang kêu gọi con người tìm đến đầu tư. Mai này nơi đây sẽ trở thành một khu đô thị mới, hiện đại, văn minh và giàu đẹp. Sẽ có thêm nhiều tình yêu sinh sôi nảy nở và nhiều mái ấm gia đình được dựng xây.

. Theo Báo Giao thông vận tải

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đưa miền Trung-Tây Nguyên trở thành khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước  (23/02/2006)
Chút "Triết lý" từ bữa cơm muối ở Huế  (22/02/2006)
Người buôn voi cuối cùng  (22/02/2006)
Cưỡi voi qua sông Sêrêpôk  (21/02/2006)
Dự cảm Quảng Đông  (20/02/2006)
Kỳ vọng từ con đường xuyên "thế kỷ"  (19/02/2006)
Xuôi dòng sông La  (17/02/2006)
Làng 500 tuổi  (17/02/2006)
Hát múa sắc bùa: Nét truyền thống của ngày xuân  (17/02/2006)
Thức dậy miền trầm tích Cát Tiên  (13/02/2006)
Đắk Nông - một động lực mới của vùng kinh tế Tây Nguyên  (12/02/2006)
Phú Yên: Vũng Rô, Đá Bia, Mũi Điện...  (10/02/2006)
Quần thể du lịch - thể thao trên biển, tại sao không ?  (09/02/2006)
Đà Nẵng: Thu hút nhân tài qua mạng điện tử  (09/02/2006)
Vị thế Quảng Ngãi  (08/02/2006)