Từ cuối tháng Chạp đến suốt tháng Giêng âm lịch, khắp các buôn làng ở miền tây Phú Yên rộn ràng tiếng cồng chiêng. Bên ánh lửa hồng trong các ngôi nhà rông, các già làng kể cho con cháu nghe những câu chuyện về tổ tiên của mình. Có một câu chuyện mà các già làng kể từ đêm này qua đêm khác và đến giờ vẫn chưa kết thúc, đó là huyền thoại về người đã khai lập, mở mang nên những buôn làng ở phía đông Tây Nguyên, thuộc lưu vực sông Ba.
|
Bên ánh lửa hồng, các già làng kể cho con cháu nghe về truyền thuyết người mở đất Y Rít.
|
Hai mươi lăm tháng Chạp, các buôn làng ở xã Krông- Pa (Sơn Hòa) đều làm lễ cúng tế, mở đầu mùa xuân bằng lễ mừng lúa mới. Buổi sáng, các gia đình nô nức đem vật phẩm, rượu cần đến góp vào cho buôn làng. Mâm cỗ bày lên, khói hương nghi ngút, các già làng bắt đầu gọi thần linh về chứng giám và cầu cho buôn làng quanh năm an bình, rẫy rừng xanh tốt. Có một nơi bao giờ các già làng cũng phải ra tận nơi để cúng tế với nghi lễ trang trọng nhất, đó là bến nước- nơi hàng ngày cả buôn làng đến lấy nước về dùng.
Bến nước của buôn Chơ, xã Krông-Pa nằm bên sông Cà Lúi, quanh năm nước trong veo chảy dưới những tán cây xanh rì. Có một điều rất lạ: bên bến nước có một tảng đá to, bằng phẳng, ở giữa có hình một dấu chân người khổng lồ. Kế đó là một tảng đá dài nằm dọc theo con suối có in hình bộ xương của một con lươn khổng lồ. Lần nào cũng vậy, các già làng luôn kính cẩn với những đại lễ trước hình dấu chân khổng lồ trên. Đây cũng chính là hai trong nhiều dấu vết của câu chuyện huyền thoại mà các già làng sẽ tiếp tục kể với buôn làng trong đêm nay.
Tiếng cồng chiêng càng rộn rã khi màn đêm buông xuống. Bên ánh lửa hồng, những khuôn mặt hây hây tụ quanh những ché rượu cần. Tiếng già làng Oi Rí- vốn là một thầy giáo nổi tiếng ở Krông-Pa- cất lên, một không khí tĩnh lặng khác thường và đất trời bỗng thiêng liêng lạ. Già làng Oi Rí bắt đầu kể tiếp câu chuyện về Y Rít-người có công tìm nguồn nước và mở đất cho các buôn làng. Lần nào cũng vậy, cả lũ làng cùng ngước về Oi Rí để nghe câu chuyện với niềm thành kính và tin tưởng vô biên.
Oi Rí kể rằng Y Rít vốn là con một tù trưởng, mới 18 tuổi chàng đã cao to, có sức mạnh nổi tiếng khắp núi rừng. Không một loài thú dữ nào có thể địch lại sức mạnh của Y Rít. Mỗi lần đi săn, tất cả những con thú dữ đều không thoát khỏi bàn tay của chàng. Năm ấy, hạn nặng các sông suối đều khô cạn, buôn làng của Y Rít lại ở trên núi cao. Chàng quyết định rời nhà đi tìm nguồn nước và vùng đất mới cho dân làng. Trên đường đi, Y Rít đã trải qua bao nhiêu cuộc thử thách, gian khó, chiến đấu với biết bao thú dữ. Càng đi Y Rít càng gặp được nhiều con suối, nước trong veo, mát ngọt và đều đổ ra một con sông lớn, đó là sông Ba ngày nay. Dọc theo hai bên sông là những cánh rừng tươi tốt, đất đai màu mỡ. Ngày ấy, sông Ba đầy rẫy những con cá, con lươn hung dữ, luôn hằm hè vì không muốn cho con người đến sống. Thế là Y Rít lại chiến đấu để chinh phục dòng sông. Trong số này có một con lươn chúa mà Y Rít phải chiến đấu ròng rã suốt bảy ngày đêm mới sát hạ được nó. Bây giờ, bộ xương của nó còn in hình bên bờ sông mà hàng ngày khi đến lấy nước cả dân làng đều thấy. Sau khi đưa dân đến lập làng mới ven con sông, Y Rít lặng lẽ ra đi, chỉ để lại một dấu chân to in trên tảng đá cũng ở bến nước nói trên...
Thực ra, có quá nhiều các huyền thoại khác nhau về Y Rít. Hầu hết các buôn làng của người Ê-đê, Ba-na ở miền tây Phú Yên và ở phía đông các tỉnh Gia Lai, Đắc Lắc (thuộc lưu vực và các phụ lưu sông của Ba) đều có truyền thuyết xung quanh nhân vật này. Có điều mỗi buôn làng kể mỗi khác song tất cả đều nói rằng đây là một con người có sức mạnh dũng mãnh, đã tìm ra nguồn nước và khai lập nên các buôn làng. Tất cả đều tôn kính và xem đây là niềm tự hào về sức mạnh của dân tộc mình. Nhiều buôn làng của người Ê-đê ở Phú Yên tin rằng chuyện Y Rít là người thật việc thật bởi những dấu tích bí ẩn còn lại. Thậm chí nhiều nơi người ta nói rằng hiện vẫn còn những hậu duệ huyết thống của Y Rít. Đó đều là những già làng vốn có sức mạnh dũng mãnh, tài ba, từng ngang dọc khắp núi rừng và hiện có uy tín lớn với buôn làng. Trong khi đó, nhiều buôn làng của người Ê-đê ở các huyện Krông-Pa (Gia Lai) và Ma-Đrắc (Đắc Lắc) kể rằng Y Rít vốn là con của Giàng sai xuống để cứu giúp dân làng và đã trở về sau khi hoàn thành sứ mệnh.
Liên quan đến dấu tích cuộc hành trình mở đất của Y Rít, hiện nay một số buôn làng ở các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh (Phú Yên) và Krông-Pa (Đắc Lắc) có những hình bàn chân khổng lồ in trên đá. Có tảng đá bên bờ sông Cà Lúi, thuộc buôn Chơ xã Krông-Pa (Sơn Hòa), từ trên cao nhìn xuống, người ta thấy rất rõ hình một bàn chân lớn khắc sâu vào mặt tảng đá. Dân làng ở những nơi này đều tin rằng đây là một dấu tích của Y Rít và xem là một vật hết sức thiêng liêng. Vào những ngày tết, dân làng cùng đến đây cúng tế một cách tôn nghiêm nhất. Muốn cầu nguyện điều gì người ta tìm đến thầm khấn trước dấu chân trên đá. Do đó, đây cũng là nơi cho những đôi uyên ương ước nguyện hạnh phúc, nơi những cặp vợ chồng cầu xin con cái, hay những bà mẹ bày tỏ mong muốn cho con trai mình luôn khỏe mạnh.
Năm tháng qua đi, truyền thuyết về dấu chân mở đất của Y Rít vẫn đang tiếp tục lan truyền với một sức mạnh bí ẩn trên các buôn làng. Trong các ngày tết, những dịp lễ hội bao giờ các già làng cũng kể cho con cháu nghe về huyền thoại Y Rít. Kể từ đêm này qua đêm khác, mỗi lần thêm vài chi tiết mới nên câu chuyện chưa bao giờ cũ, không bao giờ dừng. Đó cũng là một điều đặc biệt của truyền thuyết này. Ma Thoan, Chủ tịch HĐND xã Krông- Pa, nói rằng từ hồi 3-4 tuổi ông đã nghe kể câu chuyện này và bây giờ ông là người thường xuyên kể lại cho đám trẻ trong buôn nhưng lần nào ông cũng thấy mới. Ma Thoan bảo mục đích của việc thêu dệt thêm những chi tiết không nhằm mục đích thần thánh hóa câu chuyện mà chính là để giáo dục lòng yêu quê hương cho dân làng, nhất là cho đám trẻ. Câu chuyện như có phép lạ với dân làng bởi người ta nghe mãi mà không thấy chán, càng nghe càng thấy tự hào về dân tộc mình, quê hương mình, càng sống tốt hơn, có trách nhiệm hơn với buôn làng. Cuối buổi kể chuyện, bao giờ các già làng bao giờ cũng nhắc nhở con cháu phải làm cho cái rẫy xanh tươi, buôn làng giàu có để đáp lại công lao khai khẩn của Y Rít.
Ở xã Krông-Pa, không hiểu sao có một số già làng được dân làng xem như là “hậu duệ huyết thống” của Y Rít, đó là Oi Rí, Oi Nhít hiện ở buôn Lé. Tất cả đều là những già làng có uy tín với buôn làng. Cách đây hơn 60 năm, Oi Rí đã cất công đi tìm thầy học chữ về dạy lại cho dân làng. Hay Oi Nhít hiện là một trong những người giàu có nhất ở Krông- Pa nhờ làm ăn giỏi. Và chính những “hậu duệ” này của Y Rít càng làm cho truyền thuyết về ông sống mãi.
. Theo Báo Phú Yên |