Từ Châu Hoan đến Thanh Hóa
9:14', 28/2/ 2006 (GMT+7)

Thanh Hóa là miền đất cổ từ lâu đời của Tổ quốc ta, có truyền thống yêu nước, đánh giặc để giữ yên bờ cõi, đáng tự hào khí thế nghìn năm. Thanh Hóa, Nghệ An từng là một địa đầu của đất nước, nay địa đầu của miền Trung cát trắng, của Trường Sơn hùng vĩ, của biển Đông dào dạt, của linh khí anh hùng, của cần lao nhẫn nại, của chịu đựng phi thường…

Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: Khi giặc Nguyên xâm lược nước ta, thế giặc đang mạnh, triều đình nhà Trần phải tạm rút lui khỏi Thăng Long vào phía Nam, Vua Trần Nhân tông có viết một câu thơ vào mạn thuyền: Cối Kê cựu sự quân tư ký/Hoan, Ái do tồn thập vạn binh. Đại ý rằng: Các ngươi có còn nhớ chuyện Cối Kê ngày xưa, vua Câu Tiễn chịu nhục để sẽ phục thù, ngày nay, ta còn có mười vạn quân ở châu Hoan, châu Ái kia mà (thì sợ nỗi gì)… và sau đó, từ Hoan, Ái mà quân ta trở ra  thắng giặc oanh liệt trên sông Bạch Đằng. Hoan Ái trong câu thơ tức Hoan châu và  Ái châu thời đó và ngày nay là Thanh Hóa, Nghệ An vậy.

Thanh Hóa đâu chỉ là bãi biển Sầm Sơn- nơi có đền thờ thần Độc Cước, người anh hùng dám tự xẻ thân mình ra làm hai, một nửa đánh giặc ngoài biển, một nửa giữ yên đất liền cho an bình dân chúng. Thanh Hóa cũng không chỉ là riêng hòn núi mang tên Trống Mái. Ôi kỳ lạ sao, đá cũng biết tự tình, đá cũng sống mối tình chung thủy vợ chồng vạn tuổi, đá cũng bền gan vượt gió mưa… Một thời kỳ dài, từ Thăng Long vào kinh đô Phú Xuân, Thanh Hóa là trung độ, giữa đường, nơi tạm dừng chân cho vó ngựa khỏi chồn, cho chân khỏi nhức… Nguyễn Du, Cao Bá Quát rời khỏi Thăng Long vào Huế làm quan (nếu nói theo ngày nay là đi công tác) chắc chắn đến Thanh Hóa không thể nào không nghỉ ở công đường hay quán xá nào một hai ngày rồi tiếp tục cuộc hành trình khá gian nan vượt bao nhiêu rừng núi.

Từ Bắc vào nam, trước khi gặp cầu Hàm Rồng thì gặp đèo Tam Điệp mà bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương đã viết: Một đèo một đèo lại một đèo/Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo… Trăm năm sau, đây không còn cheo leo nữa mà phẳng lì đường số một, qua Nông trường Đồng Giao, Quán Cháo ngày ấy, Đồng Giao nổi tiếng là nơi ma thiêng nước độc bao đời, còn Quán Cháo là sao? Hay nơi ấy dọc đường gian khó, chỉ có hàng bán bát cháo hoa cho đỡ lòng đói khát? Chắc người Thanh Hóa hiểu rõ mấy chữ này hơn bao người nơi khác. Nay, xe cộ dập dìu tấp nập, kẻ đi ra, người đi vào, nhất là mùa hè người ta rủ nhau đi nghỉ mát. Đã có một Thanh Hóa khác nghìn xưa nhiều lắm. Có người nói Thanh Hóa là Việt Nam thu nhỏ vì có đồng bằng bao la, có núi cao chất ngất, có biển bát ngát muôn trùng, có con người cần cù thuần phác, có danh lam thắng cảnh tuyệt vời, có những chiến công lừng lẫy.

Thanh Hóa nhìn ra biển Đông, nơi bắt đầu đường Trường Sơn, nơi có khu Nam Ngạn anh hùng lừng danh thời chống Mỹ. Thanh Hóa có sông Mã cuối nguồn, nó là tấm gương cho bao làng xóm soi mình, là bến đỗ cho bao vạn chài chịu thương, chịu khó, là nguồn nước tưới cho bao cánh đồng phì nhiêu, đúng nó là con ngựa phi lên nước đại, nghìn đời không mỏi. Nó đỡ lấy cây cầu Hàm Rồng được bắc ngay cạnh làng Đông Sơn. Cây cầu lịch sử ấy cũng thành một trang oanh liệt, làm đau đầu mấy đời tổng thống Mỹ, đã vít đầu lũ máy bay xuống dòng sông chảy xiết và chân cầu vững chãi. Ngày nay có hai cây cầu song song vượt sông Mã, cầu cho xe lửa xuôi Nam và cầu xi măng cho thông thoáng thuận tiện lối đi về.

Còn Đông Sơn kia, có nơi nào vinh dự như Thanh Hóa. Tên làng được lấy làm tên cho cả một nền văn hóa một thời kỳ văn hóa. Văn hóa Đông Sơn với trống đồng và bao di vật quý báu cho thế giới biết lịch sử Việt Nam bằng hiện vật chứ không chỉ là sách vở. Một lần nào đó, chúng ta đi thăm Thành nhà Hồ. Phải kinh ngạc đến sững sờ khi biết rằng trên sáu trăm năm trước, những người thợ đá xứ Thanh đã đục đá mà tạo thành những cổng vòm xanh biếc chất liệu chắc bền vạn năm còn đứng vững như thế. Đành rằng bản vẽ là của vua tôi nhà Hồ, một thời đại cải cách, tiếc rằng chỗ đứng chưa vững nên mau chóng sụp đổ. Những người tìm đá, đục đá, chở đá về, rồi xếp nên thành, thì ngoài người Thanh Hóa ra không ai khác được.

Người Thanh Hóa thời nào cũng vậy, có thể chắt chiu từng miếng ăn mà xây dựng cơ đồ. Có chắt bóp như thế Thanh Hóa mới sắp trở nên một tỉnh bề thế và giàu có, mới biến đảo Nghi Sơn thành bán đảo Nghi Sơn, nghĩa là đắp hẳn một con đường cho ô tô ra đảo mà không phải dùng thuyền. Ở đâu có ống máng rót xi măng từ đất liền ra ngoài khơi, nơi con tàu đỗ lại “ăn” xi măng như đảo Nghi Sơn này, thoạt trông tưởng đó là cây cầu dài mấy nghìn mét, vươn ra xa, ra ngoài mặt biển, vùng đảo mà cách đây mấy trăm năm chính đội quân của vua Quang Trung đã đóng quân ở đây, rồi tha tù binh cũng ở đây. Nay là một thị trấn đông vui, còn có cả ngôi đền thờ bái vọng người anh hùng áo vải cờ đào ấy.

Nhìn trên bản đồ, Thanh Hóa nằm vào chỗ lõm nhất của vùng lõm Vịnh Bắc bộ, có phải vì thế mà sóng gió, bão lửa… thường hay nhằm vào đây mà đổ bộ. Vậy mà Thanh Hóa vẫn trụ vững, hay là vì có một thần Độc Cước và ngày nay con cháu của Thần đã sinh sôi ra hàng vạn, triệu vạn người con trai, con gái, tay cày tay súng, tay búa tay súng, tay bút tay súng, sẵn sàng gìn giữ quê hương…Rồi đây Thanh Hóa sẽ bứt phá bằng những bước đi mạnh mẽ. Con đường xuyên Việt ngày càng mở rộng cho tấp nập, rộn ràng. Thanh Hóa đang cùng cả nước tiến lên…

. Theo báo Thanh Hóa

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cá bống sông Trà  (27/02/2006)
Cung điện Long An - Một tuyệt phẩm của kiến trúc gỗ  (27/02/2006)
Huyền thoại dấu chân Y Rít  (26/02/2006)
Từ Bờ Y đến… bờ yêu  (24/02/2006)
Đưa miền Trung-Tây Nguyên trở thành khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước  (23/02/2006)
Chút "Triết lý" từ bữa cơm muối ở Huế  (22/02/2006)
Người buôn voi cuối cùng  (22/02/2006)
Cưỡi voi qua sông Sêrêpôk  (21/02/2006)
Dự cảm Quảng Đông  (20/02/2006)
Kỳ vọng từ con đường xuyên "thế kỷ"  (19/02/2006)
Xuôi dòng sông La  (17/02/2006)
Làng 500 tuổi  (17/02/2006)
Hát múa sắc bùa: Nét truyền thống của ngày xuân  (17/02/2006)
Thức dậy miền trầm tích Cát Tiên  (13/02/2006)
Đắk Nông - một động lực mới của vùng kinh tế Tây Nguyên  (12/02/2006)