Chùa Đá Trắng là một di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia của Phú Yên. Nhiều câu chuyện xung quanh ngôi chùa này đã trở thành những điển tích không chỉ về mặt tôn giáo mà còn mang đậm bản sắc văn hóa.
|
Bạch thạch Từ Quang tự.
|
Bạch thạch Từ Quang tự, hay còn gọi là Sắc Tứ Từ Quang, được xây dựng từ năm 1797 với sự khởi của một nhà sư người Hoa hiệu Diệu Nghiêm có đạo hạnh theo dòng Lâm Tế thiền tông, pháp hiệu là Luật Truyền Hòa thượng. Chùa tọa lạc trên ngọn Bạch Thạch Sơn, tựa lưng vào một dãy núi cao và hướng mặt ra dòng sông Cái, con sông lớn thứ 2 trong tỉnh Phú Yên sau dòng sông Ba, tại thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An. Xung quanh ngôi chùa này có rất nhiều đá, toàn một màu trắng phau nên ngay từ khi được tạo lập, chùa Từ Quang có tên gọi dân dã là chùa Đá Trắng.
Cảnh trí của chùa rất đặc sắc, xung quanh là núi cao và rừng rậm âm u, phía dưới là dòng sông lớn. Con đường thiên lý Bắc - Nam chạy ngang giữa cảnh núi, sông này. Khí thiêng sông núi tụ hội, chùa Từ Quang trở thành căn cứ của nhiều cuộc khởi nghĩa, là điểm tụ hội của văn thân yêu nước.
Những năm 1885 - 1887, vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương kêu gọi sĩ phu yêu nước cùng mưu việc lớn. Tại Phú Yên, phong trào này do Lê Thành Phương lãnh đạo, các nhà sư của Bạch thạch Từ Quang tự cũng tham gia. Chùa trở thành pháo đài cho đạo quân của phó tướng Bùi Giảng đánh nhau ác liệt với quân Pháp đổ bộ từ cửa biển Tiên Châu vào.
Sau khởi nghĩa Lê Thành Phương, vào những năm 1900, chùa Đá Trắng là căn cứ chỉ huy của cuộc khởi nghĩa Võ Trứ và Trần Cao Vân lừng danh. Võ Trứ người tổng Kỳ Sơn, phủ Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Định cư tại phủ Đồng Xuân, dựa vào thế núi rừng hiểm trở, dân cư đồng lòng, Võ Trứ mặc áo nhà sư kêu gọi sĩ phu khởi nghĩa. Sau này được Trần Cao Vân làm quân sư, Võ Trứ nhiều phen khiến cho giặc Pháp và tay sai khiếp vía.
Trong suốt lịch sử của mình, chùa Đá Trắng còn vang danh với một sản vật: xoài tượng. Dưới triều Nguyễn, sản vật này được gọi là “Bạch thạch yêm ba” hay “Nhị bảo ngự thiện”. Điều đặc biệt là nếu trồng ngoài khuôn viên chùa, xoài sẽ không thể có những đặc điểm tương tự. Xoài tượng chùa Đá Trắng quý và hiếm đến mức có giai đoạn, quan huyện lệnh cắt cử sai nha canh dưới từng gốc xoài, ghi chép, thu hái. Những người làm công việc này được miễn thuế thân.
Xoài tượng ở chùa Đá Trắng trái nhỏ, vỏ mỏng nhưng rất dai và đặc biệt mùi thơm bay xa tới vài chục mét là xoài tượng chùa Đá Trắng: Rủ nhau lên núi ăn xoài/ Muốn ăn tương ngọt Thiên Thai thiếu gì. Câu ca vẫn còn cho tới ngày nay, mặc dù theo lời Đại đức Thích Đồng Hòa, hiện xoài tượng chùa Đá Trắng chỉ có duy nhất một cây còn cho quả mấy năm gần đây, nhưng cũng rất thất thường. Khoảng chục cây khác trong khuôn viên chùa không còn cho quả đã lâu lắm rồi. Gần đây, Sở KH-CN Phú Yên đã cho triển khai đề tài khoa học nhằm di thực và phát triển giống xoài này nhưng hiện vẫn chưa có kết quả.
Cả 9 đời trụ trì của các vị thiền tăng ngôi chùa này đều gắn đạo với đời rất chặt chẽ. Trụ trì đời thứ 9 là Hòa thượng Thích Phúc Hộ sinh ngày 24-7-1904 tại huyện Đồng Xuân. 9 tuổi ông được học Phật pháp và chữ Hán với Đại sư Thiện Hạnh, 14 tuổi quy y tại chùa Phước Sơn, xã Xuân Sơn, huyện Đồng Xuân, cùng tu thiền với Hòa thượng Thiền Phương - thiền tăng dòng Lâm Tế đời thứ 41. Năm 19 tuổi, ông được Hòa thượng Hoằng Hóa đặc cách thọ cụ túc giới tại đại giới đằng chùa Linh Sơn; 28 tuổi (năm 1932) ra Huế học Phật pháp với Hòa thượng Giác Viên; 34 tuổi, cùng mở Phật học đường tại chùa Bảo Lâm (nay thuộc xã Bình Kiến thành phố Tuy Hòa)... Suốt những năm sau đó, Hòa thượng Thích Phúc Hộ còn đảm nhiệm nhiều trọng trách của Hội Phật học Phú Yên, Trường Cao đẳng Phật học chùa Hải Đức Nha Trang, giáo hội tăng già Phú Yên, Chủ tịch Hội đồng giám luật Viện tăng thống...
Cả cuộc đời mình, Hòa thượng Thích Phúc Hộ dành cho sự phát triển của Phật pháp và giác ngộ Phật pháp cho chúng sinh và giới tăng lữ; giúp đỡ đồng bào, chí sĩ cách mạng... Hòa thượng đã 2 lần đề nghị bán ruộng của chùa để giúp đỡ những người tu học tại các trường Phật học. Hòa thượng viên tịch năm 1985.
Từ đó đến nay, ngày chánh kỵ của Hòa thượng cũng là lễ hội của chùa. Các cuộc thi đấu bóng chuyền, kéo co, đẩy gậy... được tổ chức; các tiết mục văn nghệ cũng được biểu diễn ngay trong khuôn viên chùa. Hàng ngàn khách thập phương về đây dự lễ, đồng thời tham quan di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia này. Họ kể với nhau: Những nhà sư và chí sĩ từng tu thiền hoặc chiến đấu tại chùa này đều hết lòng vì dân, vì nước. Các lãnh tụ kháng chiến xưa khi bị địch bắt luôn nhận hết tội về mình để dân yên. Chùa cũng từng bị tàn phá phải xây dựng lại. Các nhà sư ở đây không tách mình ra khỏi dân nghèo. Ấy cũng là chân như của đạo hạnh vậy!
. Theo báo Phú Yên
|