Chuyện người “lên dây chiêng”
11:10', 1/3/ 2006 (GMT+7)

Lên dây chỉnh sửa đàn thì đã nghe nói, đã từng, nhưng “lên dây chiêng” thì quả là…lạ. Tôi sống ở Tây Nguyên một phần tư thế kỷ, mới một lần chứng kiến một nghệ nhân “lên dây chiêng” cho đoàn Nghệ thuật Đam San đi hội diễn. Trên sảnh của nhà hát nhân dân thời ấy, ông già nghệ nhân ngồi giữa những chiếc chiêng nghiêng ngửa xung quanh. Dụng cụ để “lên dây chiêng” là… 2 chiếc búa nhỏ hai đầu tù, một khúc gỗ nhỏ và một tấm chăn len. Ông dùng bàn tay trái úp lên mặt chiêng rồi dùng tay phải gõ và nghe. Sau đó dùng búa gõ nhẹ để chỉnh. Khi gõ tay lót phía sau hoặc có lúc dùng chăn để lót, tùy vị trí hoặc thanh âm cần chỉnh. Vô cùng đơn giản những cũng vô cùng… khó. Bởi muốn thế phải có một tai nghe tuyệt vời, có thể gọi là thiên phú. Và phải hiểu quy luật của âm thanh, cũng như quy luật vật lý để gõ vào đâu thì chỉnh âm thanh nào… Ông nghệ nhân ấy sau đã mất và bẵng đi người ta vẫn “lên dây chiêng” nhưng là lên lấy được, chỉ là dạng lợn què chữa thành lợn… tập tễnh thôi. Mới biết, chỉnh chiêng cực khó, là nghề không dành cho nhiều người. Vì thế, vai trò của người chỉnh âm thanh cồng chiêng là rất quan trọng. Những người lên dây chiêng giỏi nhất, tài hoa nhất, nghe chiêng tinh nhất, chuẩn nhất chính là các nghệ nhân người dân tộc Tây Nguyên.

Ở huyện Krông Pa, Gia Lai có nghệ nhân “lên dây chiêng” rất giỏi, nhân dân các huyện lân cận và ở cả Phú Yên, Đắk Lắk, Bình Định đều phải cơm đùm, cơm gói lên “thỉnh” thầy về. Anh tên là Nay Phai, người dân tộc Jrai, tên thường gọi là Ama San (bố của thằng San), sinh năm 1958. Té ra nghề “lên dây chiêng” là nghề gia truyền của gia đình anh. “Lên dây chiêng” là cách gọi của một số người làm âm nhạc người Kinh, cách gọi này nhiều người dùng, trong đó có nhạc sĩ, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh. Còn gọi thật đúng, thì là nghề chỉnh âm thanh cồng chiêng, tiếng Jrai gọi là Pcéh Tloi. Thì cũng như chỉnh đàn. Chiêng còn khó hơn đàn rất nhiều vì nó rất… tùy hứng. Khi chế tác đã tùy hứng, độ dày mỏng của mặt chiêng cũng tùy hứng, cái cách nó hỏng, méo ở chỗ này, mỏng ở chỗ kia cũng tùy hứng. Rồi bài bản mà nó sẽ thể hiện cũng rất tùy hứng… và người gõ chiêng, chơi chiêng cũng vô cùng tùy hứng…

Cha Nay Phai là ông Siu Nghin học nghề sửa chiêng từ ông Alih ở Lệ Trung, tỉnh Gia Lai từ những năm 40 của thế kỷ trước. Người Tây Nguyên gắn với cồng chiêng, thậm chí làm nên một nền văn hóa cồng chiêng. Chiêng quý là do nó cổ, trong chiêng có pha vàng hoặc đồng đen. Năm 1973 thì Ama San đã có thể chỉnh được âm thanh, sửa được chiêng, nhưng chính thức thì năm 1978 khi ông Siu Nghin đã già thì anh mới thay cha hành nghề một cách “danh chánh ngôn thuận”. Bây giờ thì anh đã trở thành nghệ nhân tài hoa chỉnh chiêng cho cả một vùng cư dân rộng lớn từ Ayun Pa, Krông Pa, Chư Sê (Gia Lai), đến Sơn Hòa, Sông Hinh, Trà Kê (Phú Yên), sang Ma Đrăc, Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc), xuống Cây Vừng (Bình Định)… Tùy yêu cầu của khách, anh có thể chỉnh toàn bộ âm thanh lớn hoặc nhỏ hơn, vang hơn, trong hơn, trầm hơn, sâu hơn, đục hơn… hoặc chỉnh lẻ những cái bị lạc âm trong dàn chiêng, âm không đều, hoặc chỉnh theo âm của các nhạc cụ khác như T’rưng, Goong, K’ní, kể cả theo thang âm của các nhạc cụ hiện đại như guita, organ… Anh cũng am hiểu công dụng của từng loại chiêng như chiêng A Rap dùng trong lễ bỏ mả,đám chết thì âm thanh khác với chiêng Tơnah dùng trong lễ ăn nhà mới, cúng thọ… Chiêng của thanh niên đánh âm thanh cũng khác chiêng dành cho người già…

Anh cũng rất rành các bài nhạc sử dụng trong các lễ hội của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Tây Nguyên có nhiều dân tộc và mỗi dân tộc đều có các hình thức lễ hội riêng, có các bài bản âm nhạc riêng… Ngoài việc hát được và rất hay tất cả các bài dân ca Jrai, anh còn tự sáng tác thêm rất nhiều bài hát và được rất động dân làng xung quanh hát, như hát dân ca…

Sở VH-TT tỉnh Gia Lai đã làm tờ trình, gửi Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, đề nghị xét công nhân danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” cho 3 người trong đó có Nay Phai. Với Nay Phải, tôi nghĩ được hay không thì ông cũng đã là một Nghệ nhân đích thực. Với đôi bàn tay khéo léo, với trái tim đam mê nghệ thuật, với sự nhạy cảm đặc biệt trong việc chỉnh sửa và  thẩm âm cồng chiêng và với những thành quả ông đã đóng góp cho nền nhạc khí Tây Nguyên, ông đã là “Nghệ nhân” trong lòng rất nhiều người dân Tây Nguyên.

. Theo Báo Văn hóa

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Truyền kỳ chùa Đá Trắng  (28/02/2006)
Từ Châu Hoan đến Thanh Hóa  (28/02/2006)
Cá bống sông Trà  (27/02/2006)
Cung điện Long An - Một tuyệt phẩm của kiến trúc gỗ  (27/02/2006)
Huyền thoại dấu chân Y Rít  (26/02/2006)
Từ Bờ Y đến… bờ yêu  (24/02/2006)
Đưa miền Trung-Tây Nguyên trở thành khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước  (23/02/2006)
Chút "Triết lý" từ bữa cơm muối ở Huế  (22/02/2006)
Người buôn voi cuối cùng  (22/02/2006)
Cưỡi voi qua sông Sêrêpôk  (21/02/2006)
Dự cảm Quảng Đông  (20/02/2006)
Kỳ vọng từ con đường xuyên "thế kỷ"  (19/02/2006)
Xuôi dòng sông La  (17/02/2006)
Làng 500 tuổi  (17/02/2006)
Hát múa sắc bùa: Nét truyền thống của ngày xuân  (17/02/2006)