Thành Nhà Hồ hay còn gọi là Tây Đô hoặc Tây Giai là một di tích lịch sử nổi tiếng đã được xếp hạng quốc gia. Những thắng cảnh tuyệt đẹp quanh di tích xứng đáng để bạn thăm thú nơi này.
Hồ Quý Ly chủ trương xây dựng Thanh Hoá một kinh đô trọng yếu để gây dựng cơ nghiệp lâu dài. Đại việt Sử ký toàn thư viết: “… Đinh Sửu năm thứ 10 (1397) sai Thượng thư Lại bộ kiêm Thái Sử lệnh Đỗ Tỉnh đi xem xét đo đạc động An Tôn phủ Thanh Hoá, đắp thành đào hào, lập nhà miếu nền xã, mở đường phố có ý muốn dời kinh đô đến đây, ba tháng làm xong”. Thật là một kỳ công vĩ đại!
Phía nam thành có núi Đốn Sơn, Quý Ly lấy làm nội án, đắp đàn Nam Giao ở trên núi, hình cái cung, mở đường xe ngựa đi từ cửa nam thông đến chân núi, hình như mũi tên bắn vào trong thành. Đó là mưu của tướng Trần Khát Chân, định dùng phép phong thuỷ để “yểm” họ Hồ. Ngoài núi Đốn Sơn lại còn có núi Đại Lại cao chót vót như một bức thành dựng đứng. Quý Ly sai đắp thành, lấy núi ấy làm ngoại án và đổi tên là núi Kim Âu, dựng chùa Phong Công ở bên. Về sau nhà Hồ bị diệt, thành Tây Đô trở thành hoang phế.
Đời hậu Lê, niên hiệu Hồng Đức, tiến sĩ Vũ Quỳnh(1452-1516) qua thành, đề thơ ngụ ý chê Hồ Quý Ly: Diễn nôm: Mây phủ đồi hoang, buổi tối trời/Gác son xuân vắng, én đùa chơi/Lên chùa bao khách thăm tìm cảnh/Chỉ nhớ non sông chẳng nhớ người.
Dưới chân núi Đốn Sơn còn có đền thờ Trần Khát Chân. Khi Hồ Quý Ly mưu cướp ngôi nhà Trần, hội các đình thần ở núi Đốn Sơn, Trần Khát Chân làm tiệc rượu mơi các quan và Quý Ly đến hội ẩm và bàn định với Phạm Ngưu Tất để giết Hồ Quý Ly. Việc bại lộ, ông bị hại. Lúc lâm sự, ông trèo lên núi Đốn Sơn gào lên 3 tiếng rồi tự vẫn. Ba ngày mà thần sắc vẫn như đang còn sống vậy, không có mùi hôi thối, ruồi nhặng không dám bâu vào. Về sau hiển ứng, dân chúng lập đền thờ, cầu đảo đều được linh nghiệm. Nhân dân gọi là Thánh Lưỡng. Quan Đốc học người Hoằng Hoá là Nhữ Bá Sĩ (1788-1867) có thơ hoài cảm: Diễn nôm: Tướng quân đời vẫn giữ binh phù/Khẳng khái còn toan chí diệt Hồ/Lên núi đỉnh cao gào mấy tiếng/Ào trận gió thét nghìn thu. Quan án sát- tiến sĩ Nguyễn Xuân Ôn(1830-1889) qua đền Phượng Nhai vịnh thơ rằng: Diễn nôm: Tướng quân tiết liệt đãi cương trường/Yêu nước lòng son một kiếm vàng/Nhà mới mưu toan dời chúa Hán/Tước phong ơn dám phụ vua Hàn/Nhà Trần đời vẫn noi giường mối/Núi Đốn nay còn ngát khói hương/Phỏng trước cam lòng phò đảng giặc/Đền ai tri kỷ?Thác ai thương?
Phía nam lại có một rặng núi từ huyện Quảng Địa (nay là vùng tây bắc Thạch Thành) kéo đến Thiện Vực, nổi lên ngọn núi Xuân Đài, trên có động Hồ Công, dưới có chùa Du Anh, đằng sau chùa có lối trèo lên, qua phía đông, quanh về trước mặt. Đứng trên cao nhìn về phía nam và phía tây kéo dài một dài như một chiếc gương loan ở mặt tiền, dưới có 2 dòng chảy quanh co uốn khúc như rồng lượn. Núi lớn, núi nhỏ sắp hàng hai bên, ngọn thì hình con voi, con ngựa uống nước bên sông, cửa động có tượng đá. Tục truyền, tượng đá chính là tượng ông Hồ Công và Phi Trường Phùng (theo “Liệt tiên truyện” của Trung Quốc). Nhưng dân gian ở đây lại kể là tượng Trịnh Phác gặp Hồ Công. Cho hay trí tưởng tượng của nhân dân thật là phong phú. Từ nhân vật trong “Liệt tiên truyện” ở bên Tàu trở thành nhân vật của Việt Nam, Trịnh Phác ở vùng Thiên Vực!
Trong động Hồ Công có một khối đá như hình con cóc ngồi và hang đá, hai bên sắc đá như kim sa nhấp nhánh. Cuối hang có một cái giếng sâu chừng chục mét, nước trong vắt và có hương thơm. Vua Lê Thánh Tông (1460-1497) có ngự đề một bài thơ khắc vào vách đá như sau: Diễn nôm: Quỷ thần xây dựng núi muôn trùng/Nhà rỗng, song cao giữa khoảng không/Cõi tục công danh đều huyền ảo/Bầu tiên ngày tháng xiết thong dong/Hoa dương rồng hoá châu rơi rớt/Bích lạc dòng xuôi ngục lạnh lùng/Cưỡi gió ta mong lên chót núi/Xem mây cao tít nước mênh mông.
Thắng tích Tây Đô, một vùng đất xứ Thanh ghi đậm nhiều huyền tích, khá phong phú và đa dạng về danh lam, thắng cảnh, cần được giữ gìn và tôn tạo để xứng đáng về tiềm năng du lịch trong thời kỳ đổi mới của đất nước nghìn năm văn hiến.
. Theo báo Thanh Hóa
|