Bộ sưu tập đồ cổ của anh có đến vài nghìn món. Trong đó có rất nhiều món là những hiện vật độc bản như máy hát đĩa hiệu Pathé lớn nhất Việt Nam, máy tính tiền xưa nhất thế giới, máy đan len đầu tiên của Đà Lạt… Hầu hết những hiện vật này đều gắn với quá trình hình thành và phát triển của xứ sở sương mù Đà Lạt - Lâm Đồng. Chủ nhân của bộ sưu tập cổ vật này là Nguyễn Văn Tuấn, nhà ở 157/2 Phan Đình Phùng, Đà Lạt.
|
Nguyễn Văn Tuấn và chiếc máy hát đĩa quay dây thiều lớn nhất Việt Nam.
|
Người ta bảo rằng Nguyễn Văn Tuấn là dân “tay ngang” chơi đồ cổ. Nhưng riêng tôi thì không nghĩ thế. Vài đêm lang thang nhìn ngắm cổ vật trong phòng trưng bày của Nguyễn Văn Tuấn, tôi như lạc ngược về quá khứ xứ sương mù Đà Lạt với nhiều cung bậc lịch sử – văn hóa khác nhau của một vùng đất. Đến lúc này thì Đà Lạt đã có hơn trăm năm hình thành và phát triển. Lịch sử – văn hóa của một vùng đất qua từng ấy năm quả là không dài nhưng so với đời người thì thời gian cũng đủ để làm thành một lớp bụi vô tình che khuất quá khứ không xa.
Xưa, trong những buôn làng xa xôi heo hút, các cư dân bản địa Mạ, Cơho, Churu Nam Tây Nguyên thường hay uống rượu cần trong những chiếc ché cổ như thế này đây. Còn đây là ngọn giáo của một chàng trai nào đó (đã thành người thiên cổ) cùng với đám thanh niên mặc khố vào rừng tìm kiếm thức ăn cho cả buôn làng. Còn kia, treo trên tường là vòng đá trang sức của một sơn nữ tay trần ngực trần nào đó có khi là đẹp nhất làng.
Khi người Việt và nguời Pháp đặt chân lên cao nguyên Langbian (tên một ngọn núi nằm cách trung tâm Đà Lạt chưa đến hai mươi cây số), dấu vết về đời sống xã hội Đà Lạt trong quá khứ cũng được hiện ra qua những cổ vật vừa quý vừa lạ như hệ thống các máy trắc địa dùng trong đo đạc để quy hoạch thành phố Đà Lạt, hệ thống đèn dầu, máy chiếu phim quay tay, cân phóng xạ, lò sưởi cổ…
Một mình tôi rảo quanh phòng trưng bày trước khi nó được mở cửa kể ra cũng có cái thú vị riêng, ít nhất là không chịu những áp lực về thời gian của một du khách tham quan cổ vật. Tuy vậy, tuy nhận ra chủ đề của từng nhóm cổ vật nhưng để hiểu từng món nó hiếm, quý và lạ như thế nào thì tôi cần thêm vài mươi phút ngồi lại với chủ nhân. Tôi hỏi: “Có thể gọi anh là người lưu giữ quá khứ Đà Lạt được không?”. Tuấn giật nẩy mình: “Ồ, không thể! Tôi chỉ là một cá nhân đơn lẻ, sưu tầm cũng rất tùy hứng. Làm việc này, tôi không chịu bất kỳ áp lực nào. Thích là làm, thế thôi. Nhưng điều mà tôi đam mê đó là sưu tầm, lưu giữ tất cả những hiện vật nào liên quan đến con người Đà Lạt; và phạm vi sưu tầm của tôi khuôn trong địa bàn Đà Lạt là chính”. Ấy là anh nói thế chứ chỉ nói riêng bộ sưu tập tiền (có cả tiền xu) của Tuấn cũng đáng nể lắm rồi: Tất cả những đồng tiền từng lưu hành ở Đà Lạt từ thời phong kiến, thời Pháp thuộc đến nay đều có mặt ở đây. Trong bộ sưu tập này, ngoài những tờ tiền Đông Dương, tiền Bảo Đại, tiền Việt Nam cộng hòa…, tôi còn nhìn thấy cả một xấp tiền có ghi dòng chữ “Uỷ ban trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam”. Chỉ tay vào một tủ kính, Tuấn nói: “Đây là giàn máy hát đĩa quay dây thiều của dân Đà Lạt từ thuở mới bắt đầu có tên gọi Đà Lạt đấy. Ngày đó Đà Lạt chưa có điện. Loại máy nhãn hiệu Colombia này vừa quay dây thiều vừa bỏ đĩa mới nghe được”. Bên cạnh đó cũng là máy hát đĩa quay dây thiều nhưng độc đáo ở chỗ, cho tới lúc này, ở Việt Nam chưa ai sưu tầm được chiếc máy tương tự lớn hơn chiếc máy hiệu Pathé (của Pháp) của Tuấn. “Máy còn dùng được!” – vừa nói, Tuấn vừa bỏ đĩa vào và lên dây thiều. Trong đĩa vọng lại lời giảng của một cha đạo. “Còn đây là chiếc lò sưởi gang tráng men được người Pháp đưa sang từ những ngày đầu. Chiếc lò sưởi ấy dùng để cắt rốn trẻ sơ sinh trong bệnh viện đầu tiên của Đà Lạt. Còn đây là cái máy tính tiền rất xưa, có thể là xưa nhất thế giới, cũng được người Pháp đưa sang sử dụng ở Đà Lạt. Tôi đã hỏi thăm rất nhiều nhưng chưa nghe ai nói có cái cổ hơn. Đặc biệt hơn, đây là bếp lò duy nhất chỉ có ở Đà Lạt: bếp do người Pháp đặt làm riêng cho họ mang qua đây dùng ở xứ lạnh sương mù có dòng chữ Pallansand Dalat”...
|
Chiếc đèn dầu treo trần nhà khá đặc biệt cũng được Tuấn tình cờ sưu tầm được.
|
Còn nhiều, rất nhiều hiện vật, trong đó có không ít món hiếm, quý và lạ. Nhưng có lẽ quý nhất là ở chỗ, hầu hết những hiện vật đó đều gắn liền với lịch sử Đà Lạt. Và, lịch sử – văn hóa của vùng đất quanh năm sương mù này với những “cung bậc”, “tiết tấu” khác nhau còn được tôn lên thêm bởi những món đồ cổ vừa quý, vừa hiếm và vừa lạ như thế!
Tuấn không giàu thậm chí là nghèo kiết gộp thêm những món nợ của anh. Nhưng hầu như những người cho anh nợ đều không nghĩ đến việc đòi. Thế nên, nếu phải “khai” trích ngang, anh hay vắn tắt: là uỷ viên Uỷ ban Mặt trận tổ quốc phường 2, thành viên của Ban điều hành khu phố 1 – phường 2, Đà Lạt. Chấm hết. Ngoài những công việc ấy, phần lớn thời gian anh tung tăng với việc đi sưu tầm. “Tôi không phải là người giàu có để trở thành một người chơi đồ cổ đúng nghĩa. Ngay như mặt bằng để trưng bày này, nếu không có chị Trần Thị Tú Phương – chủ hồ bơi Phù Đổng Thiên Vương, hồ bơi duy nhất của Đà Lạt, chưa chắc tôi “ra mắt” công chúng được! Nhưng
“Tôi muốn mọi người khi đến đây, đặc biệt là người dân Đà Lạt, đều nhận được những thông điệp từ quá khứ của Đà Lạt. Cảm nhận được vẻ đẹp, giá trị của quá khứ là một cách tiếp thêm năng lượng để bay tới tương lai đấy, ông ạ!”. Một người như vậy làm sao lại có thể là “tay ngang” chơi đồ cổ, nhỉ! - Tôi thầm nghĩ khi bắt tay tạm biệt Tuấn.
|