Hoa phong lan đang dần dần trở lại ngôi nữ hoàng của các loài hoa nhờ tâm huyết, trí tuệ của các nhà khoa học và sự khổ công, giãi dầu mưa nắng của bao thế hệ nông dân Đà Lạt, Lâm Đồng.
|
Phong lan Đà Lạt. |
Đà Lạt là nơi sản xuất hoa lan sớm nhất nước với nguồn cây giống phong phú săn tìm trong rừng sâu hoặc nhập về từ châu Âu; những năm 1980 - 1988 xuất khẩu số lượng lớn cành hoa sang các nước Đông Âu. Đến cuối thập niên 80 của thế kỷ trước các nước Đông Âu tan rã, lan Đà Lạt bế tắc đầu ra, phải nhường chỗ cho những loài hoa dễ trồng, giá rẻ, vốn đầu tư thấp, dễ tiêu thụ như hồng, cúc, lay ơn... Ở hầu hết các vườn lan, tỷ lệ cây chết lên tới 50 - 70%, nhiều giống hoa bị thoái hóa trầm trọng vì không được đầu tư chăm sóc và bị bệnh lạ tấn công. Còn ở chốn rừng sâu, không ít loài lan quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng bởi nạn phá rừng bừa bãi.
Trước tình hình đó, các cơ quan nghiên cứu khoa học, đặc biệt là Phân viện Sinh học Đà Lạt đã dày công tìm kiếm, lưu giữ giống hoa trong các ống nghiệm; đồng thời xây dựng "bảo tàng sinh vật" ngoài trời với hàng ngàn chậu địa lan và giò, bản phong lan thuộc hơn 200 loài, trong đó có 8 loài đặc hữu của Việt Nam. Việc bảo tồn nguồn gen quý hiếm vẫn đang được xúc tiến bởi theo các nhà khoa học chuyên ngành orchids, Lâm Đồng dẫn đầu cả nước về nguồn lợi lan rừng với 101 chi và 396 loài, chiếm 55,3% về chi và 76,5% về loài lan rừng của Việt Nam, không ít loài lan được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới mang tên Đà Lạt, 10/12 loài lan quý của Việt Nam phân bố ở vùng rừng Lâm Đồng. Đặc biệt, bằng phương pháp gây vết thương kết hợp nuôi cấy lỏng (một phương pháp rất mới mẻ), tiến sĩ Dương Tấn Nhựt cùng các cộng sự ở Phân viện Sinh học Đà Lạt đã nhân giống thành công Hồng hài - loài lan hài duy nhất trên thế giới có hương thơm, được tổ chức Bảo vệ động thực vật hoang dã thế giới đưa vào danh mục thực vật cần bảo vệ bởi chỉ phân bố hẹp ở Việt Nam, khó sống, khó sinh sản.
Hiện thế giới chỉ có 40 nước trồng được địa lan trong khi thú chơi lan đã trở nên đại chúng (không còn bó hẹp giới thượng lưu), giá hoa cũng chỉ bằng chậu kiểng bình thường nên nhu cầu về hoa lan rất lớn. Hơn thế, theo tiến sĩ Dương Tấn Nhựt - Phân viện phó Phân viện Sinh học Đà Lạt, không nơi nào sánh được với Đà Lại về tiềm năng đất đai và điều kiện tự nhiên để trồng lan. Thành phố này là cỗ máy điều hòa khổng lồ cho phép sản xuất địa lan trong thiên nhiên theo hướng công nghiệp với chi phí sản xuất chỉ bằng 1/10 so với các quốc gia phải trồng lan trong nhà kính, có hệ thống điều hòa nhiệt độ... Thời gian gần đây, lan Đà Lạt dần dần hồi sinh, xâm nhập một số châu lục, trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan...
Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đang tiến hành khảo sát lập trang trại sản xuất hoa lan quy mô lớn bởi tiềm năng, triển vọng đầu tư tại Đà Lạt là rất lớn so với Trung Quốc và các nước ASEAN khác; Cảng hàng không Liên Khương đang được đẩy nhanh tốc độ xây dựng để đến cuối năm khai trương đường bay quốc tế... Trong điều kiện thuận lợi đó, Đà Lạt - Lâm Đồng có thể tăng tốc trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu hoa lớn nhất nước, hội nhập thị trường hoa thế giới.
. Theo TPO |