Hành trình 14D
15:24', 7/3/ 2006 (GMT+7)

Khi mới tái lập tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo tỉnh đã xác định giao thông làm “mũi đột phá”, cần phải làm trước để mở đường phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Theo đó phát triển tuyến quốc lộ 14D là mục tiêu cực kỳ quan trọng.

Quốc lộ (QL) 14D có thể nói là trục đường xương sống theo hướng đông- tây của Quảng Nam. Ngay từ những năm 1995, khi khảo sát tuyến đường hiện có trong khu vực, Ngân hàng Phát triển châu Á đã coi tuyến đường 14D là một trong những phương án của đường xuyên Á. Qua cửa khẩu biên giới, QL 14D sẽ nối tỉnh Quảng Nam với các tỉnh khu vực Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan, góp phần to lớn trong việc phát triển, giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Thực ra, khoảng 30 năm trước đây, UBND tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng (cũ) và Bộ GTVT đã có chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường này. Khi ấy đoạn đường Giằng- Bôtxít- Cha Val nối dài tuyến đường Đà Nẵng- Hòa Cầm- Thành Mỹ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ thiết kế trong Quyết định số 25/QĐ-TTg ngày 16-1-1978, xây dựng cả 2 đoạn- tuyến đường trên hợp thành tuyến đường đi tới biên giới Việt- Lào. Từ năm 1986 đến 1994, UBND tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng(cũ) đã lập dự án khả thi, khảo sát thiết kế và thi công xây dựng được 45 km nền đường. Cho đến tháng 6-1997, Bộ trưởng Bộ GTVT mới có quyết định chuyển đường tỉnh 606 này thuộc tỉnh Quảng Nam thành QL 14D. Toàn tuyến dài 74,6 km xuất xuất phát từ Bến Giằng(km 815/QL14) đến biên giới Việt- Lào (thôn Đak Ben, xã La Dee, huyện Nam Giang). Khi đó, Công ty Xây lắp công trình giao thông I (nay là Công ty cổ phần xây dựng giao thông Quảng Nam) đã cơ bản hoàn thành việc thông tuyến từ km 45 đến biên giới Việt- Lào. Tuy nhiên, toàn bộ QL 14D chỉ được thông tuyến vào mùa khô, còn vào mùa mưa là “đứng bánh”…

Từ ngày 1-10-1997 QL 14D được ngân sách Trung ương đầu tư vốn xây dựng quản lý và sửa chữa. Sở GTVT Quảng Nam được giao làm chủ đầu tư. Do nguồn vốn đầu tư có nhiều khó khăn nên QL 14D được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn: giai đoạn thứ nhất, từ năm 1999-2004 xây dựng cầu Giằng, 36,8 km đường nhựa và toàn bộ các công trình trong đoạn tuyến km 10 đến km 46. Giai đoạn thứ hai, từ năm 2002 đến 2004 thực hiện đầu tư nâng cấp 10 km đầu tuyến và 28 km cuối tuyến đường thành đường nhựa, hoàn thiện hàng loạt cây cầu kiên cố như cầu Chà Vàl, A Mó, Khe Zum, Dakring… Tổng mức đầu tư hơn 433 tỷ đồng. Quy mô đầu tư hoàn chỉnh đường cấp IV miền núi với các thông số kỹ thuật như: vận tốc thiết kế 40 km; bán kính đường cong tối thiểu 60m; độ dốc dọc lớn nhất 8%; bề rộng nền đường 7,5m; bề rộng mặt đường 5,5m; tải trọng thiết kế H 30, XB-80.

Có thể nói, đầu tư xây dựng tuyến QL 14D là chủ trương xuyên suốt của Chính phủ, bộ ngành và của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, việc triển khai công tác khảo sát, thiết kế, thi công là cả một quá trình không hề đơn giản. Địa hình hiểm trở, thời tiết bất lợi, mưa nhiều và kéo dài đã làm cho việc thi công nền đường lầy lội, ách tắc giao thông; công tác xử lý vật liệu lâu nên công đoạn thảm nhựa rất khó khăn. Cạnh đó là bài toán chống sạt lở đất núi đồi thật nan giải, 13 nhà thầu xây lắp chính, 5  công ty tư vấn, 1 đơn vị kiểm định chất lượng đã thường xuyên bám sát hiện trường tập trung toàn bộ lao động và xe máy, vay vốn và huy động các nguồn vốn tập trung cho công trình, xử lý kịp thời các vướng mắc giúp cho công trình đạt 4 yêu cầu là tiến độâ- chất lượng- an toàn và tiết kiệm.

QL 14D đã tạo sự thay đổi kỳ diệu trên một dải miền Tây Quảng Nam. Hành trình 14D mới xong một chặng, Chính phủ đã quyết định nâng cấp cửa khẩu Nam Giang, nâng cấp QL 14D để tạo điều kiện thông thương với nước bạn sau khi hình thành cửa khẩu biên giới. Riêng tổng kinh phí nâng cấp đã xấp xỉ 1.200 tỷ đồng, gấp 3 lần tổng mức đầu tư 2 giai đoạn trước. QL 14D mở ra hướng lưu thông mới giữa các nước Việt- Lào- Thái Lan. Khoảng cách rút ngắn đồng nghĩa tốc độ phát triển kinh tế- xã hội quốc gia, hợp tác càng gia tăng thuận lợi.

. Theo báo Quảng Nam

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phục sinh loài hoa nữ hoàng ở Đà Lạt  (07/03/2006)
Người lưu giữ một phần lịch sử Đà Lạt   (06/03/2006)
Người lưu giữ một phần lịch sử Đà Lạt   (06/03/2006)
Thắng tích Tây Đô  (06/03/2006)
Nha Trang: Điểm đến an toàn, thân thiện  (02/03/2006)
Chuyện người “lên dây chiêng”   (01/03/2006)
Truyền kỳ chùa Đá Trắng  (28/02/2006)
Từ Châu Hoan đến Thanh Hóa  (28/02/2006)
Cá bống sông Trà  (27/02/2006)
Cung điện Long An - Một tuyệt phẩm của kiến trúc gỗ  (27/02/2006)
Huyền thoại dấu chân Y Rít  (26/02/2006)
Từ Bờ Y đến… bờ yêu  (24/02/2006)
Đưa miền Trung-Tây Nguyên trở thành khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước  (23/02/2006)
Chút "Triết lý" từ bữa cơm muối ở Huế  (22/02/2006)
Người buôn voi cuối cùng  (22/02/2006)