Trước khi người Pháp đặt chân đến Dak Lak và chọn Buôn Đôn làm thủ phủ đầu tiên của tỉnh (1899) thì nơi đây chỉ vỏn vẹn 6 nóc nhà với 27 người dân. Cuộc sống đậm chất hoang sơ với nghề chính là đánh bắt cá dọc theo dòng Sê-rê-pốc. Thời bấy giờ, các lái buôn người Lào thường xuôi theo dòng Mê Kông qua Cam-pu-chia, Thái Lan rồi ngược dòng Sê-rê-pốc đến Việt Nam. Trên mỗi chuyến đi, hàng hoá chủ yếu lúc bấy giờ là trâu mộng để trao đổi voi, ngà voi và các loại lâm đặc sản khác…
Không ít người đã ở lại hẳn nơi đây cùng chung sống với cư dân bản địa và trở thành người cuả buôn làng. “Đất lành chim đậu”, không riêng gì người Lào mà ngay cả các sắc tộc khác như M’nông, Gia-rai, Ê-đê… cũng tựu tập về đây cùng chung sống và xây dựng vùng đất mới.
Do điều kiện lịch sử và văn hoá, đã tạo cho vùng đất này một nền văn hoá đa sắc tộc khá phong phú và đậm bản sắc mà không dễ vùng nào cũng có. Trong quá trình đó, tài sản văn hoá ở đây được làm giàu thêm bằng các công trình kiến trúc như nhà ở, nhà mồ… mang đậm phong cách kiến trúc cổ điển của xứ sở hoa Chămpa…
Một công trình kiến trúc cổ ở Bản Đôn còn tồn tại cho đến ngay nay là ngôi nhà sàn cổ đã hơn 100 năm tuổi. Ngôi nhà được chính thức khởi công vào ngày 7-10-1883 do một nghệ nhân người Lào là Khavivôngsao nổi tiếng về ngành mộc khởi xướng xây dựng. Là người trực tiếp chỉ huy thi công cũng như cương vị “tổng thầu”, ông đích thân chọn ra 14 thợ chính có tay nghề cao và hơn 10 thợ phụ để giúp việc. Tham gia gia đắc lực trong quá trình xây dựng ngôi nhà không thể không nhắc đến “lực lượng” của 18 chú voi to khoẻ tham gia việc khai thác gỗ và dựng nhà. Điều đặc biệt ở ngôi nhà này là hoàn toàn bằng gỗ, không sử dụng bất cứ một vật liệu nào bằng kim loại.
Nhà được thiết kế theo kiểu nhà sàn của người Ê-đê, hai đầu hồi mái nhọn và cao vút mô phỏng theo kiểu tháp cổ bồng (kiến trúc chùa tháp của Lào). Hoạ tiết, hoa văn trang trí theo tín ngưỡng người Lào…Ước tính ngôi nhà sau khi hoàn thành hết một số lượng gỗ trên 100m3, chủ yếu là các loại gỗ tốt như: căm xe, cà chít, cẩm lai… Chỉ tính riêng phần mái lợp của ngôi nhà để tạo ra những viên “ngói gỗ” (kích thước 2 cm x 12 cm x 25 cm) phải tốn gần 10m3 gỗ cà chít được cưa xẻ trong nhiều ngày. Thời gian thi công kéo dài 1 năm 4 tháng 12 ngày với tổng giá trị được quy đổi bằng 12 con voi trên 60 tuổi có ngà dài. Ngôi nhà được khánh thành vào ngày 19-2-1885 với buổi tiệc ăn mừng hết 22 con trâu lớn…
Trải qua 3 thế kỷ với những biến động của lịch sử, ngôi nhà vẫn còn đó mặc dù ít nhiều đã xuống cấp theo thời gian. Chủ nhân hiện nay của ngôi nhà là Me Lĩnh (cháu ngoại của Vua săn voi Y Thu K’nul(còn gọi là Khunjunốp- tước hiệu do Hoàng gia Thái Lan ban khi ông dâng tặng cho Vua Thái lan con voi trắng vào năm 1861) là một người rất hiếu khách. Có dịp đến đây sau một vòng tham quan, chiêm ngưỡng ngôi nhà… bên ché rượu cần bạn sẽ được nghe những câu chuyện tưởng như là huyền thoại về quá trình săn bắt và thuần dưỡng voi rừng của các “vua” săn voi như Y Thu K’nul, R’leo K’nul, Ma Kông… vang tiếng một thời trên toàn cõi Đông Dương.
. Theo báo Dak Lak |