Từ hàng ngàn đời nay, xoay quanh cái trục của phương thức sản xuất "chọc lỗ tra hạt trên đất dốc" và tín ngưỡng đa thần "vạn vật hữu linh" của các vùng miền núi Việt Nam, đặc biệt là Tây Nguyên, đã hình thành rõ rệt một hệ thống tương đối đồng nhất của nền "Văn minh nương rẫy", khác căn bản so với "Văn minh lúa nước" trong văn hóa Việt Nam.
|
Hội đua voi ở Tây Nguyên. |
Với hệ thống các lễ thức dày đặc theo nông lịch và theo vòng đời người, nền văn minh nương rẫy đem lại cho đời sống tinh thần các cư dân thiểu số Tây Nguyên, không chỉ chỗ dựa về tâm linh trong xã hội hỗn mang, mà còn hình thành cả một không gian văn hóa rộng lớn, đa dạng, phong phú, độc đáo và riêng biệt.
Ðặc biệt, những lễ hội của một kring (vùng) hay của một buôn, bon, kon, plei mang nặng tính cộng đồng bầy đàn, những lễ thức quan trọng - dù là phục vụ sản xuất nông nghiệp hay cho con người - đều trở thành những hội vui, cuốn hút sự tham gia của toàn thể cộng đồng, thậm chí các dòng tộc khác hoặc buôn sang lân cận (thí dụ như lễ cúng bến nước - hay còn gọi là uống nước giọt vào dịp cuối năm cũ hoặc đầu năm mới; lễ ăn cơm mới - đóng cửa kho lúa vào dịp thu hoạch mùa màng; lễ cưới cho người trẻ, lễ mừng thọ người già, lễ bỏ mả-pơ thi cho người đã khuất...).
Mỗi hội lễ là một tổng thể nguyên hợp, tiêu biểu cho đời sống văn hóa cổ truyền các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Hay nói cách khác, tiêu biểu cho nền văn minh nương rẫy.
Ðến một lễ hội cổ truyền Tây Nguyên, có thể tận mắt chiêm ngưỡng nghệ thuật diễn xướng qua âm điệu rạo rực của những dàn ching chiêng, bước chân uyển chuyển, cánh tay dịu mềm của phái nữ, sự khỏe khoắn dũng mãnh của các chàng trai trong những điệu múa xoang tập thể đầy sức cuốn hút. Hay trầm trồ với sự hồn nhiên của nghệ thuật tạo hình trang trí trên những cột nhà mới, cột gơng (nêu), tượng mồ, hay trong rực rỡ sắc mầu hoa văn tạo thành từ củ, lá cây rừng, trên thổ cẩm. Sẽ được thưởng thức nghệ thuật ẩm thực qua men rượu đắng ngọt của lá rừng, thịt nướng trên lửa thơm hoang cả gió đại ngàn. Hoặc tham gia những trò chơi dân gian náo nhiệt với voi, với người. Lắng một chút để nghe trong điệu hát nói tự sự tâm tình hay hát - kể câu chuyện về các dũng sĩ Ðam San, Gyông Gýơ, Lênh và Tiang...; cười một chút với đôi câu hát đố, hát đồng dao dí dỏm; hoặc ngơ ngẩn cùng nhịp điệu giao duyên cháy bỏng đôi môi và tâm hồn gái trai. Rằng: "Ướt váy ta phơi cành cây Tang/Ướt người ta cùng sưởi bên lửa hồng/Xuống suối cùng nhau bắt cá/Lên rừng cùng nhau hái rau/Ta bên nhau đến lúc chết chôn chung một hòm...".
Tất cả vẻ đẹp hoang sơ của đời sống tinh thần và vật chất miền núi đều bộc lộ vẹn nguyên ở đó. Cộng đồng là người sáng tạo say mê, cộng đồng cũng đồng thời là người say sưa hưởng thụ.
Mặc dù riêng biệt nhưng không thể phủ nhận được rằng: đời sống văn hóa cổ truyền các dân tộc thiểu số Tây Nguyên làm phong phú và đa dạng thêm nền văn hóa Việt Nam.
Nền văn minh nương rẫy Tây Nguyên đã cống hiến cho dân tộc Việt Nam một địa chỉ văn hóa, với ba hình thái văn hóa phi vật thể lớn: Kho tàng đồ sộ các trường ca - sử thi truyền miệng mà không một đất nước nào trên thế giới có được; vùng không gian văn hóa cồng chiêng độc đáo và phong phú; vùng du lịch sinh thái và văn hóa huyền thoại đầy sức quyến rũ.
Văn hóa cổ truyền không còn chỉ là của riêng người Tây Nguyên, mà đã trở thành một bộ phận không thể thiếu, rất đáng tự hào, trong những giá trị văn hóa Việt Nam. Là nguồn khai thác vô tận không chỉ cho các nhà khoa học sưu tầm, nghiên cứu, đưa ra những luận cứ tiên quyết về lịch sử phát triển của xã hội người Việt; mà còn là niềm đam mê cho du khách trong và ngoài nước của thời đại Ú muốn trở lại với cội nguồn hoang sơ. Ðó còn là nguồn cảm xúc mãnh liệt đẩy đến sự thăng hoa cho sáng tạo của các văn nghệ sĩ. Thật là thú vị khi thấy những điệu múa, những âm điệu dân ca và bóng dáng các nhạc cụ dân gian Tây Nguyên xuất hiện trên những sàn diễn nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên cả trong nước và quốc tế.
Sự hòa nhập chung trong dòng chảy văn hóa của cả nước ấy, như trăm ngàn dòng suối nhỏ đổ về sông, sông hòa vào biển lớn. Dẫu có làm biến đổi một vài phong tục tập quán, nhưng đã góp phần đưa đời sống văn hóa Tây Nguyên bước ra từ rừng đại ngàn, đến và hòa vào nền văn minh lúa nước, làm nên một tổng thể Văn hóa Việt Nam.
Người Việt có câu "Phú quý sinh lễ nghĩa". Nên, theo chúng tôi, điều cần quan tâm ở đây là: làm sao để đời sống kinh tế của bà con các dân tộc bản địa Tây Nguyên khá lên trong mặt bằng chung của xã hội, thông qua cả việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giống cây trồng, vật nuôi, lẫn tham gia phục vụ du lịch (bằng chính văn hóa dân gian của mỗi dân tộc, mỗi khu vực)? Hay làm gì để dẫu có thay đổi tín ngưỡng đi nữa, thì những giá trị tinh thần truyền thống, bản sắc riêng ấy vẫn không mất đi? Nên chăng, xin đừng áp đặt. Chi hàng tỷ đồng mà đối tượng được hưởng thụ (hoặc nói cách khác: các chủ thể cần được quan tâm) chẳng hiểu gì về việc "người ta" làm cho mình, thì liệu có thành công?
Hãy để cho bà con các dân tộc thiểu số được tham gia bàn bạc, để chính họ hiểu và quyết định cái gì nên gìn giữ, cái gì nên loại bỏ, tự chính mình. Giống như từ ngàn xưa tới nay, chỉ với những tư duy hết sức giản dị (có khi còn bị gọi là lạc hậu nữa), mà văn hóa dân gian Tây Nguyên vẫn tồn tại một cách dai dẳng và mãnh liệt. Bởi cộng đồng cần "nó", cộng đồng sinh ra, hít thở để lớn lên, được môi trường ấy nuôi dưỡng, sống và hưởng thụ "nó". Việc làm này có khó lắm không? Dễ hơn là đi sưu tầm trường ca trong các nghệ nhân ở buôn làng. Hỏi ý dân giống như Hội nghị Diên Hồng của các Vua nhà Trần ấy !
. Theo Nhân Dân |