Trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, 1965-1966, vùng đất Vĩnh Linh (Quảng Trị) từng được ví như một “túi đựng bom” của giặc. Thời gian ấy, trên vùng đất này xuất hiện một “tổng công trình sư”- người trực tiếp chỉ huy hai lực lượng dân quân, công an vũ trang đào thành công địa đạo Vịnh Mốc. Ông là Lê Xuân Vi, trú phường 5, thị xã Đông Hà (Quảng Trị).
Những năm 1965-1966, đế quốc Mỹ điên cuồng trút bom xuống vùng đất Vĩnh Linh. Ông Vi lúc bấy giờ là Đồn trưởng Đồn Công an vũ trang 140 ở Vịnh Mốc. Đau xót trước cảnh làng mạc tan hoang, cả xã Vịnh Mốc chỉ còn chừng 30 dân quân và lực lượng công an vũ trang ở lại, nên trong cuộc họp tổng kết phong trào làm giao thông hào do Hội quân Chính tổ chức, ông đã đề xuất: “Xi- măng, cốt thép rồi cũng chẳng thể vững chắc bằng lòng dân. Không có dân, chúng ta sẽ chẳng thể làm được gì. Nhưng nếu giữ dân ở lại chiến đấu, chúng ta phải tìm cách đảm bảo an toàn tính mạng cho dân, đó là đào hầm chiến đấu. Chứ về lâu dài, rào làng chiến đấu bấy lâu nay hòng chống sự xâm nhập của địch cũng chỉ là giải pháp chống chế tạm thời”. Những lời gan ruột của ông Vi đã trở thành “nghị quyết”; địa phương, dân quân, huyện ủy đã cùng đứng ra bàn bạc phương án đào hầm ngầm thật sâu trong lòng đất mới có thể giúp dân bám trụ, đương đầu lâu dài với địch.
Sau 3 tháng, chỉ với một cuốn sổ tay, một sợi dây dọi, một chiếc la bàn, ông Vi đã trở thành một “tổng công trình sư” chỉ huy lực lượng dân quân, công an vũ trang đào thành công địa đạo Vịnh Mốc có chiều dài 2.034 m, trục đường chính dài 768 m với 13 cửa gồm 7 cửa mở ra biển, 6 cửa mở lên đồi, khối lượng đất đá ước tính 6.000 m3. Địa đạo như một ngôi làng ở sâu dưới lòng đất có đầy đủ giếng nước, trạm xá, nhà trẻ, nhà hộ sinh, hội trường, chia chia thành 3 tầng: tầng 1 là nơi sinh sống của nhân dân; tầng 2 là trụ sở của chính quyền, lực lượng vũ trang; tầng 3 dành cho kho hậu cần cất giữ hàng nghìn tấn hàng hóa cho đảo Cồn Cỏ và phục vụ chiến trường miền Nam…
Ông Vi kể tiếp: “Để tiến hành các công đoạn, tui đã dùng cuốn sổ tay để đo góc vuông. Sợi dây dùng đo chiều dài hoặc buộc thêm hòn đá vào đầu dây để xác định cạnh ngang dọc của đường hầm, còn la bàn thì để định hướng. Mỗi giếng thông hơi cách nhau 50 m, sau đó dùng cuốn sổ làm góc thước thợ, kết hợp với dây dọi và la bàn để xác định mặt phẳng của đường hầm. Muốn bề mặt địa đạo phẳng thì chỉ cần điều chỉnh độ nông sâu lúc đào, chẳng hạn nếu trên bề mặt đất chỗ nào đất cao hơn 1 m thì dưới địa đạo phải đào sâu xuống thêm 1 m, rứa là mặt hầm phẳng thôi. Tui hướng dẫn anh em muốn đào thẳng thì dùng ba ngọn đèn dầu để bên mép phải chỗ ngồi đào. Khi mô ba ngọn đèn dầu mà thẳng, tức là hào thẳng. Cứ kiểm tra từng đoạn một như rứa thì cấm có cong được. Tui chỉ cho anh em đào mỗi đoạn 25 m rồi cho thông nhau, đề phòng ngạt hơi. Khi các đoạn đường hầm gần thông nhau, phải áp tai vô lòng đất lắng nghe tiếng cuốc để điều chỉnh dịch sang trái hay dịch sang phải. Ròng rã 3 tháng trời, lực lượng dân quân, CA vũ trang đã không quản khó khăn chia nhau đào; để thêm phần hưng phấn, ông Vi đã tiến hành cho phát động phong trào thi đua “ tổ kiện tướng”, chỉ tiêu phải đào được mỗi ngày 6 m. Cứ một người dùng cuốc chim để đào, một người chuyển đất ra giếng thông hơi, người còn lại quay đất từ dưới hầm lên mặt đất. Tổ lấy đất thì một người nhận đất, một người cho đất vào xe cút kít chở ra biển đổ, đổ đến đâu phải phủ cát ngụy trang đến đấy. Đường hầm địa đạo rộng từ 0,6m đến 1m, cao 1,6m. Dọc đường hầm, cứ 3-5m, chúng tôi lại khoét sâu vào như hàm ếch thành từng ô nhỏ làm chỗ cho các hộ gia đình xuống ở lánh bom đạn Mỹ”. Theo ông Vi thì quan trọng nhất khi xây dựng địa đạo là thiết kế bếp và các giếng thông hơi và cửa thoát hiểm. “Chúng tôi làm bếp Hoàng Cầm gần các giếng thông hơi. Khi nấu, khói cứ theo lỗ thông hơi lên mặt đất. Trên đó, khói sẽ theo những đường hào có phủ lá cây nên chỉ bay là là trên mặt đất như những mảng sương mù, máy bay không thể phát hiện được. Các giếng thông hơi cũng được thiết kế cách trục chính của địa đạo 5 m. Như rứa bom có dội xuống cũng không bị ngạt khí, sập hầm. Địa đạo còn có một đường thoát hiểm bí mật, cửa hầm chui lên giữa một bụi cây to lớn, rậm rạp không thể phát hiện được, phòng trường hợp địch bao vây. Bây chừ mọi người cư quen gọi là địa đạoVịnh Mốc chứ đúng ra phải gọi là địa đạo Sơn Vịnh. Đất này ngày trước thuộc xã Sơn Trung, người dân Sơn Trung cũng đã cùng với chúng tôi trằn lưng làm dưới bom đạn ác liệt mới có được cái địa đạo ni”. Trong câu chuyện kể của ông Vi, có một điều thú vị, đó là anh An, người con thứ ba của ông là một trong số 17 đứa trẻ được sinh ra dưới lòng địa đạo.
… Điều tha thiết nhất của người thương binh hạng ¼ Lê Xuân Vi- “tổng công trình sư” trên vùng đất thép năm xưa bây giờ là được gặp lại những anh chị em đã một thời âm thầm đào từng mét địa đạo, tạo nên một công trình độc đáo và kỳ diệu còn lưu giữ đến hôm nay.
. Theo báo Công an thành phố Đà Nẵng
|