Một nhà ba Trạng Nguyên
11:53', 15/3/ 2006 (GMT+7)

Trong lịch sử khoa bảng ở Việt Nam, ít có gia đình nào cả ba ông cháu, cha con đều đỗ Trạng Nguyên như gia đình Trạng Nguyên Hồ Tông Thốc ở Thọ Thành,  huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

Hồ Tông Thốc sinh tại Kẻ Cuồi năm Gíap Tý (1324); ông là cháu xa đời (viễn tôn) của Trạng Nguyên Hồ Hưng Dật. Hồ Hưng Dật quê ở Triết Giang- Trung Quốc, được phái sang làm Tri Châu của Châu Diễn thời Bắc thuộc có lỵ sở đóng ở làng Quỳ Lăng, cách Kẻ Cuồi một cánh đồng. Tại nhà nhờ đại tôn họ Hồ ở Kẻ Cuồi còn lưu lại đôi câu đối: Triết Giang thử địa Ngô tiên thế/Hoan Diễn do tồn ức vạn niên (Triết Giang đất ấy quê tiên tổ/Hoan Diễn quê này tới vạn năm).

Thuở nhỏ, Hồ Tông Thốc, nổi tiếng là con nhà nghèo nhưng ham học và học giỏi, được nhân dân xem là bậc thần đồng. Truyện kể rằng có một lần vào dịp Tết Nguyên tiêu (Rằm Tháng Giêng), Hồ Tông Thốc được mời dự một cuộc xướng họa thơ phú với khách văn chương. Ông đã ứng tác hàng trăm bài thơ họa làm mọi người thán phục, từ đó tên tuổi ông được truyền tụng khắp nơi.

Năm 17 tuổi (1341), Hồ Tông Thốc dự thi Đình và đỗ Trạng Nguyên. Sau khi đỗ đầu khoa thi, tuổi còn trẻ nhưng Hồ Tông Thốc được vua Trần Hiếu Tông cho giữ chức Trung thư lệnh. Năm 1372, Hồ Tông Thốc được giao chức Hàn lâm viện đại học sỹ. Tám năm sau, năm 1386, ông được thăng Hàn lâm viện kiêm Thẩm hình viện sứ.

Là người giỏi thơ văn, có tài ứng đối linh hoạt, ông được vua nhà Trần cử đi sứ ở Trung Quốc nhiều lần và lần nào ông cũng làm tốt phận sự của mình.

Năm 1400, Hồ Tông Thốc cáo quan về quê và mất tại đó năm 1404.

Hồ Tông Thốc là một vị quan thanh liêm đồng thời là một nhà thơ, nhà sử học, nhà văn hóa để lại nhiều trước tác có giá trị. Ông đã viết các tập sách: Phụ học chỉ nam, Việt Nam thế chí; Thảo nhân hiệu tần thi tập; Việt sử cương mục.

Ông là người đầu tiên ghi tên nước Việt Nam vào bộ lịch sử nước nhà do ông soạn thảo. Trong bài tựa bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư, nhà sử học Ngô Sỹ Liên viết: “Hồ Tông Thốc đã biên soạn Việt sử cương mục, chép việc thận trọng mà có khuôn phép, bàn việc thiết đáng mà không thừa”. Nhà sử học Bùi Dương Lịch (thế kỷ 19) cũng có nhận xét về ông: “Hồ Tông Thốc đã đỗ sớm mà có tài”.

Đối với dòng họ Hồ ở Nghệ An, Hồ Tông Thốc là người mở đầu cho nền khoa bảng của một thế gia vọng tộc, có truyền thống hiếu học, học giỏi, nhiều người đỗ đạt. Cả chi họ Hồ quê gốc Kẻ Cuồi- Tam Thọ (Thọ Thành, Yên Thành, Nghệ An), cả chi họ Hồ ở Thổ Đôi Trang (Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An). Riêng đời Trần, Họ Hồ ở Kẻ Cuồi có 3 Trạng Nguyên. Con trai Hồ Tông Thốc là Hồ Tông Đốn và cháu ruột là Hồ Tông Thành đều đậu Trạng Nguyên. Sang đời Lê, các con, cháu của Hồ Tông Thành là Hồ Đình Trung, Hồ Đình Quế, Hồ Doãn Văn đều đỗ Tiến sỹ. Ngoài ra, họ Hồ ở Kẻ Cuồi còn có 7 người đậu cử nhân, 23 người đậu giám sinh thời Lê và nhiều bậc đậu cử nhân, tú tài triều Nguyễn. Nhắc đến dòng họ Hồ ở Kẻ Cuồi- Yên Thành nhân dân vùng Nghệ Tĩnh có câu ca: Một nhà ba Trạng Nguyên ngồi/Một gương từ mẫu mấy đời soi chung.

Một câu chuyện cảm động về Hồ Tông Thốc mà nhân dân trong vùng thường nhắc đến là thở hàn vi cũng như lúc ra làm quan, gia cảnh họ Hồ nghèo lắm, có lúc không đủ cơm ăn, phải ăn khoai trừ bữa.

Thời Trần, làng Cuồi nằm trên một gò đất cao (gò Tràm) giữa bốn bề là đồng chiêm trũng. Ở đây có giống khoai nước, một thứ cây có củ ăn được tựa như cây khoai sọ, khoai mùng, nhân dân thường gọi đó là khoai Cuồi. Lá khoai Cuồi to như lá mùng, giữa lá có một chấm nhỏ màu vàng. Củ khoai Cuồi có vỏ màu tím, mọc thành chùm, to từ 2-3 lạng đến 6-7 lạng. Củ khai Cuồi sống có mủ, đụng vào dễ bị ngứa lăn tăn nhưng rửa sạch, bỏ vào nồi, đổ nước vào đậy kín vung, luộc chín, khoai Cuồi có vị ngọt, màu trắng đục, vừa bùi, vừa dẻo, vừa thơm, có thể ăn thay cơm. Nhiều năm mất mùa, khoai Cuồi là nguồn lương thực chính của nhà nông và nuôi lớn những tú tài, cử nhân, tiến sỹ, trạng nguyên. Bởi thế, nhân dân trong vùng có câu đố vui: Sớm khoai, trưa khoai, tối khoai, khoai ba bữa/Ông đỗ, cha đỗ, cháu đỗ, đỗ cả nhà.

Ngày nay, trên đất Kẻ Cuồi- Tam Công có một trường trung học PTCS mang tên Hồ Tông Thốc. Nhà thờ đại tôn họ Hồ ở Kẻ Cuồi cũng được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử Văn hóa Quốc gia. Hàng năm, vào dịp mồng 9 tháng Giêng âm lịch, con cháu họ Hồ từ các nơi cùng khách thập phương về Kẻ Cuồâi dự lễ tế tổ họ Hồ để tôn vinh một gia đình, một dòng họ hiếu học, học giỏi đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng nền văn hiến nước nhà.

. Theo Báo Nghệ An

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trường Lưu bát cảnh  (14/03/2006)
Để Sầm Sơn đẹp hơn trong lòng du khách  (13/03/2006)
“Tổng công trình sư trên vùng đất thép năm xưa”   (10/03/2006)
Văn hóa Tây Nguyên trong dòng chảy văn hóa Việt Nam  (09/03/2006)
Ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi ở Buôn Đôn  (08/03/2006)
Hành trình 14D  (07/03/2006)
Phục sinh loài hoa nữ hoàng ở Đà Lạt  (07/03/2006)
Người lưu giữ một phần lịch sử Đà Lạt   (06/03/2006)
Người lưu giữ một phần lịch sử Đà Lạt   (06/03/2006)
Thắng tích Tây Đô  (06/03/2006)
Nha Trang: Điểm đến an toàn, thân thiện  (02/03/2006)
Chuyện người “lên dây chiêng”   (01/03/2006)
Truyền kỳ chùa Đá Trắng  (28/02/2006)
Từ Châu Hoan đến Thanh Hóa  (28/02/2006)
Cá bống sông Trà  (27/02/2006)