Những người nuôi bướm làm tranh
15:49', 15/3/ 2006 (GMT+7)

Sưu tập các loài bướm là chuyện đã có từ lâu. Tranh bướm thì chỉ xuất hiện trong mấy năm gần đây, nhưng cũng chưa phải là chuyện quá lạ. Chuyện có người và tìm cách bảo tồn gen các loài bướm ở Nam Tây Nguyên có lẽ ít người nghe. Cô Vũ Thị Nguyệt Ánh người đang nuôi “thả rông” khoảng 50 loài bướm khác nhau trong vườn nhà ở Thị xã Bảo Lộc (Lâm Đồng) là một người như vậy. Cô xác nhận : “Việc nhân giống và nuôi thả để phát triển đàn như thế giúp cơ sở chúng tôi vừa chủ động nguồn nguyên liệu trong sản xuất, vừa lưu giữ được nguồn gen của các loài bướm Nam Tây Nguyên”.

 

               Vũ Thị Nguyệt Ánh trong phòng tranh bướm.

 

Ở thị xã Bảo Lộc (Lâm Đồng) cơ sở sản xuất tranh bướm Ánh Kim ở 16/2 Quốc lộ 20 thuộc xã Lộc Châu của chị Vũ Thị Nguyệt Ánh và cơ sở sản xuất tranh bướm Minh Nhật ở thôn 4, xã Lộc Châu của anh Nguyễn Trọng Thắng được du khách thường xuyên lui tới.

Sau khi tốt nghiệp Trung cấp nông nghiệp Bảo Lộc ngành chăn nuôi, Vũ Thị Nguyệt Ánh không phải đi tìm việc ở đâu xa mà về ngay ngôi nhà của mình với khu vườn rộng ở xã Lộc Châu (Bảo Lộc) để chăn nuôi … bướm và làm tranh bướm. Với Nguyệt Ánh, thú chơi bắt bướm làm tranh đã có từ lúc nhỏ.

Gần 10 năm trước, từ lúc còn là cô nữ sinh cấp 3, tác phẩm tranh bướm đầu tay là bức hoành phi câu đối mỗi hàng xếp 5 con bướm nhỏ vào dịp tết đã làm ngỡ ngành khách đến chơi nhà. Học trung cấp nông nghiệp, kiến thức ngành chăn nuôi đã giúp cô gái này biết khai thác đi đôi với bảo tồn nguồn gen các loài bước trong tự nhiên để “vừa làm được tranh phục vụ thú vui tao nhã của du khách, vừa bảo vệ được môi trường” như lời cô nói.

Còn với Nguyễn Trọng Thắng thì việc đến với nghề làm tranh bướm thật tình cờ. Hơn 10 năm trước, gia đình anh Thắng sống bằng nghề bán nước giải khát trên đèo Bảo Lộc. Một hôm, một đoàn du khách người Nhật ghé xe vào quán, và bất chợt họ nhận ra vùng đèo núi này có rất nhiều loài bướm. Một vị khách tốt bụng đã truyền cho anh Thắng nghề làm tranh bằng bướm. Không ngờ, “máu nghệ sỹ” trong người anh chàng bán nước giải khát nơi lưng đèo này trỗi dây. Thế rồi ngôi nhà của anh Thắng trong con hẻm nhỏ đường vào Đồi Ma dưới dốc Ánh Mai thuộc xã Lộc Châu trở thành cơ sở sản xuất tranh bướm đầu tiên của Bảo Lộc và cả Lâm Đồng. Và thế là hơn mười năm mày mò sáng tạo, nghiên cứu, thể nghiệm, đến nay tranh bướm của Nguyễn Trọng Thắng đã trở nên nổi tiếng không những trong nước mà tiếng vang của nó còn lan tận sang trời Nhật, đất Tiệp… Và cũng thật tình cờ, sau khi cơ sở sản xuất tranh bướm của anh Thắng ra đời ít lâu thì một người “đồng môn” trẻ tuổi Vũ Thị Nguyệt Ánh (người đã nói ở trên) cũng đứng ra lập phòng tranh tương tự.

Có thể hình dung: Trong phòng khách nhà bạn được treo một bức tranh bướm được làm bằng chất liệu vải thêu phối hợp với những con bướm ép thật sống động hẳn sẽ cho bạn cảm giác thật dễ chịu khi cùng ngồi với bạn tri âm, tri kỷ ẩm thực và đàm đạo. “Công việc thường ngày của cơ sở Minh Nhật chúng tôi cứ gọi là xoay vòng tít mù cả lên!” - chủ cơ sở Nguyễn Trọng Thắng nói. Còn ở cơ sở Ánh Kim, cô chủ Vũ Thị Nguyệt Ánh giới thiệu: “Loại tranh bướm khế một con trong khuôn kính như thế này giá chỉ vài chục ngàn đồng. Nhưng cũng có những bộ sưu tập tranh bướm với cả một đàn bướm vài chục con - từ 40 đến 50 con - như bức kia chẳng hạn, thì giá lên đến một triệu hoặc vài triệu đồng”. Mỗi năm, đặc biệt là trong dịp tết và lễ hội, có đến hàng ngàn bức tranh bướm của hai cơ sở Minh Nhật và Ánh Kim “bay” đến khắp mọi miền trong cả nước và nước ngoài. Điều đáng nói khác: Cuối năm 2005 vừa rồi, tranh bướm của Vũ Thị Nguyệt Ánh được trao giải khuyến khích về sản phẩm thủ công mỹ nghệ sáng tạo tỉnh Lâm Đồng; và sau đó được lọt vào vòng chung kết tại Hội chợ Làng nghề và thi sản phẩm thủ công toàn quốc tại Hà Nội.  

Cao nguyên Blao (tên gọi khác của thị xã Bảo Lộc) trước đây vốn rất bao la đủ chỗ để các loài bướm sinh sôi, nảy nở. Nhưng dưới tác động của con người, không gian của loài côn trùng này ngày một thu hẹp, nhiều giống bướm, đặc biệt là các giống quý, bị tuyệt chủng. Những ngày đầu, sự ra đời của hai cơ sở chuyên bắt bướm làm tranh này đã khiến cho không ít người e ngại.

Nhưng không như nhiều người e ngại, hiện trong khuôn viên một sào đất cây trái tự nhiên, cô chủ Vũ Thị Nguyệt Ánh đang nuôi “thả rông” khoảng 50 loài bướm khác nhau. “Việc nhân giống và nuôi thả để phát triển đàn như thế giúp cơ sở chúng tôi vừa chủ động nguồn nguyên liệu trong sản xuất, vừa lưu giữ được nguồn gen của các loài bướm Nam Tây Nguyên” - Vũ Thị Nguyệt Ánh với vốn kiến thức học được ở trường đã tự tin nói như vậy. Còn Nguyễn Trọng Thắng với bề dày kinh nghiệm hơn mười năm trong nghề, anh đã nhân tạo được 30 giống bướm từ bướm tự nhiên và lưu trữ không dưới 300 loài bướm hiếm lạ.

Một thông tin “nóng” cũng cần nói ra đây: Một cơ quan nghiên cứu khoa học ở TP HCM đã đồng ý hỗ trợ về kỹ thuật để lưu trữ nguồn gen và tiến tới làm nơi tham quan nghiên cứu các loài bướm trên cao nguyên Blao. Hy vọng rồi đây những cánh bướm của Minh Nhật và Ánh Kim nói trên sẽ có dịp “bay” xa, “bay” cao!

  • Khắc Dũng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Một nhà ba Trạng Nguyên  (15/03/2006)
Trường Lưu bát cảnh  (14/03/2006)
Để Sầm Sơn đẹp hơn trong lòng du khách  (13/03/2006)
“Tổng công trình sư trên vùng đất thép năm xưa”   (10/03/2006)
Văn hóa Tây Nguyên trong dòng chảy văn hóa Việt Nam  (09/03/2006)
Ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi ở Buôn Đôn  (08/03/2006)
Hành trình 14D  (07/03/2006)
Phục sinh loài hoa nữ hoàng ở Đà Lạt  (07/03/2006)
Người lưu giữ một phần lịch sử Đà Lạt   (06/03/2006)
Người lưu giữ một phần lịch sử Đà Lạt   (06/03/2006)
Thắng tích Tây Đô  (06/03/2006)
Nha Trang: Điểm đến an toàn, thân thiện  (02/03/2006)
Chuyện người “lên dây chiêng”   (01/03/2006)
Truyền kỳ chùa Đá Trắng  (28/02/2006)
Từ Châu Hoan đến Thanh Hóa  (28/02/2006)