“Khu du lịch làng quê Việt Nam” ở Hội An
16:44', 16/3/ 2006 (GMT+7)

Nhiều người cho rằng phải tốn biết bao nhiêu nỗ lực bản thân, thậm chí cả rất nhiều thế hệ, người nông dân mới rời bỏ được con trâu, cái cày để trở thành một người đô thị. Thế nhưng từ vị trí một người đô thị muốn tìm lại cảm giác an nhiên của một người nông dân hít thở cái không khí trong lành của một làng quê mộc mạc, thanh bình thì không thể là việc đổi bằng tiền của… Vậy mà, trong những tuần đầu tiên Năm Du lịch quốc gia 2006 “Quảng Nam- Một điểm đến, hai di sản thế giới”, khách tham quan đã thật bất ngờ khi gặp được một cảm giác như vậy tại “Khu du lịch làng quê Việt Nam” ở Hội An.

Trên diện tích 11.000 m2 tại phía tây sông Cẩm Nam, bối cảnh một làng quê Việt Nam thu nhỏ với đầy đủ bến nước, sân đình, bờ tre, ruộng lúa… Nơi đây, chúng ta còn bắt gặp cả những ngôi nhà  ba gian, mái tranh vách đất bên cạnh những  sinh hoạt thường ngày của một làng quê chân chất Quảng Nam. Rải rác trên những con đường mòn hệt như xen qua những xóm nhỏ, dễ dàng gặp lại hình ảnh những người nông dân giản dị, mặc áo nâu sồng, đi guốc mộc, cùng nhau tát nước bờ ao, cấy lúa, sàng giã gạo, quay tơ dệt lụa, nổi lửa lò rèn nông cụ… Bên những túp lều nhỏ là những quán ăn đặc sản xứ Quảng Nam như mì Quảng, bánh tráng đập, hến xào, ngô luộc và những quán nước chè tươi. Ở một khu vực khác dành cho các dịch vụ kinh doanh, du khách còn bất ngờ khi gặp gỡ một không gian rộng thoáng mang dáng dấp một vòm nhà Gươl của người Cơ Tu với nhiều chi tiết chạm trổ công phu.

Qua lại trên những lối đi, chúng tôi gặp một lão nông trạc ngoài 60, dáng điều bươn chải, vất vả đến nhắc nhở nửa đùa, nửa thật “Mấy anh ơi, làm ơn đi đúng lối, đừng dẫm lên cỏ ông chủ la tui chết!”. Hỏi ra mới biết rằng chính người nông dân này là ông Đặng Xuân Nghĩa- chủ nhân của khu du lịch (Cty TNHH BNC), vốn là một Việt kiều, hiện là giám đốc Trường Anh văn Việt Mỹ tại TPHCM và Đà Nẵng. Ông cho biết, suốt 30 năm ở xứ người, lúc nào ông cũng đau đáu nỗi nhớ về làng quê xưa, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Vì vậy, ông đã trở về, đem nỗi nhớ mong ấy biến thành ý tưởng tái hiện lại bức tranh quê sống động, vừa thỏa mãn khát vọng, vừa như một món quà tạ ơn mảnh đất sinh thành.

5 năm qua, ông theo đuổi cái ý tưởng xây dựng làng quê nên bỏ hẳn công việc ở các trường học. Để có được không gian nông thôn Việt Nam, tái hiện lại những làng nghề truyền thống, ông Nghĩa đã lặn lội khắp làng quê xứ Quảng để tìm kiếm các công cụ xưa, mời những nghệ nhân về chung tay phục dựng cho trọn vẹn bối cảnh làng quê xưa. Ông không giấu nổi sự hào hứng khi kể lại niềm vui  của mình khi mua được cái xa nước ở Điện Bàn, khung dệt cửi ở làng lụa Mã Châu, hay bộng ép dầu ở tận Quế Sơn…Mỗi lần đem về được một nông cụ lại khiến ông thêm hào hứng với công việc của mình. Có lần ông đã lặn lội gần 2 năm trời ở các huyện Quế Sơn, Đại Lộc, các huyện miền núi Quảng Nam, Quảng Ngãi… để tìm cho được ông che bằng gỗ lim mà vào thế kỷ XIX người ta sử dụng trong các lò ép đường. Muốn làm một cái mới, hoặc sửa lại những cái cũ cũng mất ít nhất 20 triệu đồng. Vậy mà một người nông dân đã lưu giữ được và bán lại cho ông với giá 400 ngàn đồng chỉ vì quý cái tình lặn lội của ông. Và cũng nhờ vậy mà du khách có thể thưởng thức trọn vẹn khung cảnh tái hiện cảnh lao động ở những làng nghề xưa như:  chuốt gốm Thanh Hà, đan chiếu Bàn Thạch, làm mía đường Quế Sơn, trui rèn Cẩm Nam… Ngoài ra, khu du lịch còn trưng bày, bán những sản phẩm thủ công mỹ nghệ của người dân các làng quê làm ra. Ông đã tổ chức đưa nhiều đoàn học sinh đến tham quan khu du lịch của mình, vì theo ông, đây là cách giáo dục tốt nhất để các em hiểu được đời sống của người dân nông thôn Việt Nam, để biết quý trọng hạt gạo, củ khoa những sản phẩm thường ngày làm nên bằng bàn tay lao động. Ông Nghĩa cho biết thêm: Giai đoạn 1 của Khu du lịch Làng quê Việt Nam chỉ vừa mới hoàn thành và đưa vào sử dụng đã được du khách và người dân đón nhận nồng nhiệt. Giai đoạn 2 đang được triển khai sẽ xây dựng thêm 50 phòng nghỉ để du khách có thể lưu trú lại trong không gian làng quê Việt. Một ngôi trường làng với những ông đồ, cậu học trò học chữ Hán, chữ Nho cũng sẽ được phục dựng.

Khu du lịch Làng quê được hình thành tại Cẩm Nam cũng góp phần giúp nhiều nông dân ở đây đã tìm được cho mình những công việc làm phù hợp với nếp sống hàng ngày của họ. Dưới nền gạch này, người phụ nữ chân chất miệt mài ngồi sàng gạo. Phía ngoài sân kia anh ngư dân ngồi đan lưới chuẩn bị mùa ra khơi. Dưới những tàn cây râm mát, kẻ tráng bánh ướt, người bán tàu hũ… Họ làm việc thực thụ, không đóng kịch, không màu mè. Mỗi ngày lao động, họ nhận được 20 ngàn đồng. Ngoài số  tiền lương hàng tháng, ông Nghĩa còn cho người nông dân hưởng tất cả những sản phẩm như đường, lụa, dầu, gốm, chiếu… do họ làm ra. Vì thế, những người nông dân đã đến với khu du lịch đều gắn bó, xem công việc nơi đây là công việc của chính họ. Và điều đó đã làm cho du khách một lần ghé đến “Khu du lịch Làng quê Việt Nam” luôn mong có lần trở lại để tìm về cái cảm giác thanh bình, mộc mạc giữa đời sống xô bồ, bận rộn hôm nay.

. Theo báo Quảng Nam

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những người nuôi bướm làm tranh  (15/03/2006)
Một nhà ba Trạng Nguyên  (15/03/2006)
Trường Lưu bát cảnh  (14/03/2006)
Để Sầm Sơn đẹp hơn trong lòng du khách  (13/03/2006)
“Tổng công trình sư trên vùng đất thép năm xưa”   (10/03/2006)
Văn hóa Tây Nguyên trong dòng chảy văn hóa Việt Nam  (09/03/2006)
Ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi ở Buôn Đôn  (08/03/2006)
Hành trình 14D  (07/03/2006)
Phục sinh loài hoa nữ hoàng ở Đà Lạt  (07/03/2006)
Người lưu giữ một phần lịch sử Đà Lạt   (06/03/2006)
Người lưu giữ một phần lịch sử Đà Lạt   (06/03/2006)
Thắng tích Tây Đô  (06/03/2006)
Nha Trang: Điểm đến an toàn, thân thiện  (02/03/2006)
Chuyện người “lên dây chiêng”   (01/03/2006)
Truyền kỳ chùa Đá Trắng  (28/02/2006)