Bên cạnh cồng chiêng được làm bằng đồng, đồng bào Tây Nguyên còn có những bộ cồng chiêng được làm bằng chất liệu khác nhau như cồng bạc (gong prăk), chiêng tre (ching kram) và đặc biệt nhất là loại cồng được làm bằng đá, được xem là nhạc cụ cổ xưa nhất của người Tây Nguyên.
Cho đến nay, người ta đã phát hiện ra cả chục bộ đàn đán ở nhiều địa bàn khác nhau như đàn đá Khánh Sơn (Khánh Hòa), Bác Ái (Ninh Thuận), đàn đá Lộc Hòa (Lâm Đồng), đàn đá Kdut Liêng Krăk (Đắk Lắk), đàn đá Đắk Kar (Đắk Nông)… Người Cor Bắc Trà My (Quảng Nam), cũng biết sử dụng đàn đá trong lễ hội hoặc sinh hoạt, vui chơi của cộng đồng nhưng đó chỉ là thanh đá được nhặt ngẫu nhiên ở sông suối về chứ không phải nhạc cụ của người tiền sử. Đàn đá Ndut Liêng Krắk được nhà dân tộc học người Pháp Georges Codominas tìm thấy tại làng Ndut Liêng Krắk vào ngày 5-2-1949. Bộ đàn đá sau đó được gửi về Pháp để thẩm định. Lúc bấy giờ, với con mắt tinh đời của các chuyên gia hàng đầu thế giới về nhân chủng học, khảo cổ học … bộ đàn đá Ndut Liêng Krắk đã được xác định là loại nhạc cụ thời tiền sử đầu tiên tìm được trên thế giới, có niên đại khoảng 3.000 năm.Hiện tại, bộ đàn đá này được trưng bày trong Bảo tàng Con người ở thủ đô nước Pháp.
Liên tục các năm sau, nhiều bộ đàn đá khác được tìm thấy hầu khắp Tây Nguyên, nhưng nổi bật nhất là bộ đàn đá Đắk Kar (Đắk Nông). Người M’nông đi đánh cá phát hiện được bộ đàn đá dưới lòng suối Đắk Kar. Họ tò mò đem lên bờ gõ thử thì âm thanh của bộ đàn đá rất giống với âm thanh của bộ cồng chiêng 3 chiếc của mình. Thấy lạ, người ta mang về nhà cất, lâu lâu mang ra đánh và đặt tên là gong lu (cồng đá). Về sau, các nhà nghiên cứu đã khẳng định bộ cồng đá Đắk Kar là loại đàn đá cổ xưa, có niên đại giống với bộ đàn đá Ndut Liêng Krắk. Bộ đàn đá Đắk Kar hiện được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử tỉnh Đắk Lắk.
Điều thú vị và kỳ diệu nhất là thang âm của những bộ đàn đá tiền sử hoàn toàn tương ứng với thang âm thanh cồng chiêng của các dân tộc Tây Nguyên bây giờ. Từ nhạc đá, qua hàng nghìn năm, người Tây Nguyên đã chuyển sang nhạc đồng mà vẫn giữ cái hồn của âm thanh mộc mạc của thời tiền sử. Bằng chứng sinh động nhất là bộ cồng đá Đắk Kar tương ứng với bộ cồng 3 chiếc của dân tộc mình và đều được đặt tên chung cho cả 3 âm thanh trong biên chế của bộ cồng đá và cồng đồng là Tru, Trơ và Tề (Mẹ, Cha và Con). Trong giàn cồng chiêng Tây Nguyên, mỗi cái đều có tên riêng và bộ cồng chiêng 3 cái cũng có tên riêng, đặc biệt là chúng thường mang tên Mẹ, Cha và Con. Theo giáo sư Tô Ngọc Thanh thì biên chế 3 cồng này là cơ sở để thiết lập một biên chế lớn hơn trong một gian chiêng và đây cũng là biên chế cổ xưa nhất của cồng chiêng Tây Nguyên.
Người M’nông ở một số buôn làng tỉnh Đắk Nông cho đến hôm nay vẫn biết cách diễn tấu bộ cồng đá cổ xưa của tổ tiên mình. Khi đưa bộ cồng đá về làng, họ đánh cồng đá giống như cách diễn tấu cồng đồng. Đó là những âm thanh quen thuộc trong các lễ cầu cũng tín ngưỡng nguyên thủy và các lễ hội khác của cộng đồng như mừng được mùa, săn bắt, hái lượm, trồng trọt…c Đó chính là những âm thanh đầu tiên làm nền cho các điệu múa dân gian của các cư dân ở Tây Nguyên.
. Theo báo Đắk Nông |