Từ dòng sông mẹ Thu Bồn, những ánh lửa thiêng được thắp từ quá khứ băng qua cánh đồng, làng mạc, ra bãi sông. Một đám rước rực rỡ sắc màu, đi dọc triền sông rồi tụ về lăng bà Thu Bồn, mở đầu cho một cuộc đại tế tưởng niệm bà mẹ xứ sở và cầu cho quốc thái dân an.
Người xứ Quảng đã tạo thêm sự hấp dẫn cho Năm du lịch Quảng Nam 2006 bằng một lễ hội dân gian đặc sắc vừa diễn ra hôm 11-3 (12-2 Bính Tuất).
|
Đám rước trên sông đi trong sương sớm.
| Truyền kỳ về bà mẹ xứ sở
Chuyện kể rằng bà là con gái của một phú hộ, khi vừa lọt lòng mẹ đã có mái tóc dài ngang lưng và hàm răng ngọc ngà đẹp như hoa, chỉ cười chứ không khóc như bao đứa trẻ khác. Lên năm tuổi bà đã biết dùng các loại lá, rễ cây trong vườn để chữa bệnh cho người và gia súc. Tiếng lành đồn xa, những người bệnh nan y, hiểm nghèo đều tìm đến bà để chữa trị.
Bà không hề nhận của ai bất cứ một lễ vật mọn nào. Bỏ ngoài tai nhiều lời cầu hôn, kể cả các bậc vương tôn, bà chỉ dốc sức chữa bệnh cứu người. Một ngày kia, bà cho biết vào trung tuần tháng hai (âm lịch) bà sẽ đi nơi khác. Sáng hôm sau, ngày 12-2 bà ngồi kiết già ở trước cửa nhà và nhập bồng lai đúng ngọ.
Theo lời truyền của bà để lại, dân làng tẩm liệm bà bằng hoa lá thiên nhiên. Đêm hôm ấy, dân Thu Bồn vừa mới lên đèn thì ai cũng nghe mùi thơm của hoa sứ trắng tỏa khắp làng. Họ phát hiện nắp quan tài đã mở tung, bên trong chứa đầy hoa sứ trắng, còn hoa lá dùng để tẩm liệm cho bà không còn nữa.
Dù truyền thuyết, thông qua ký ức của người già hay những câu chuyện kể lưu truyền trong dân gian, nhuốm màu thần bí thì bà Thu Bồn vẫn là biểu trưng của cái đẹp, được hình thành qua quá trình giao thoa văn hóa Việt - Chăm, hỗn dung của tục thờ mẫu và tục thờ bà mẹ xứ sở.
Bà đã được các vua Nguyễn sắc phong là Bô Bô phu nhân, là Thượng đẳng thần - vị thần có quyền năng làm cho quốc thái dân an. Một ngôi lăng thờ bà đã được xây dựng tại thôn Thu Bồn Đông để dân làng lo hương khói và mở hội tế lễ hằng năm vào giữa tiết xuân. Đây cũng là lễ hội dân gian truyền thống của các dân tộc Kinh, Chăm và các dân tộc thiểu số vùng thượng lưu sông Thu Bồn, Vu Gia (Quảng Nam).
Tháng hai trẩy hội
Cả khu đất trống thường ngày vốn lặng im, thâm nghiêm nay bỗng nhộn nhịp. Khách là người ở nơi khác đến, là người ở phố lâu ngày về để sống lại với phong vị quê xưa qua những quầy hàng nho nhỏ, qua mùi bùn đất ngai ngái của làng quê, qua tiếng hô bài chòi vang vang...
|
Rước kiệu “Ngũ hành tiên nương” qua bãi bồi ven sông Thu Bồn.
|
Chỉ cần nhìn thấy bà cụ tóc bạc răng đen ngồi bên bếp than hồng nướng quả bắp quê thơm ngát, khách đã thấy lòng như trẻ dại. Đến 5g chiều, dòng người vẫn đổ về. Các quán bán mì Quảng, bánh căn Chăm đầy ắp người. 7g30 tối, lễ chính thức được công bố trước đám đông khoảng 5.000 người tham dự. Cả bãi sông chợt bừng sáng khi đoàn rước đuốc thiêng theo dòng người đổ về.
3g sáng ngày 12, tiếng trống đã giục mọi người chuẩn bị ghe thuyền ngược dòng Thu lên Phường Rạnh lấy nước. 5g thuyền đến dinh bà thuộc thôn Trung An, Quế Trung, Quế Sơn. Tại đây, các vị bô lão tiến hành cúng tế rồi cùng phường bát âm ra giữa dòng Thu lấy nước. Thuyền lại xuôi dòng.
Trời vẫn chưa sáng hẳn, ngư dân chèo ghe từ hai bờ sông ra viếng bà cùng với những ống đầy lươn, lưới đầy cá báo hiệu cho những tháng ngày ấm no sắp tới. Chiếc thuyền rồng với những tay chèo cự phách trong trang phục lính tráng ngày xưa lao vút, đánh thức ngày mới bằng những tiếng hò đua vang vọng trên sông:
Ra đi phải vái lệnh bà
Bền quân thắng trận dậy bà linh thiêng...
Đúng 8g thuyền về bến, nơi đã đông nghịt người chờ đón đám rước với năm chiếc kiệu “Ngũ hành tiên nương”, năm mâm ngũ quả đẹp nhất được chọn từ cuộc thi làm bánh hôm trước. Đám rước nước với hơn 500 người trong trang phục sắc màu rực rỡ đi qua làng, qua chợ, giữa những khu vườn hoa trái... và kết thúc ở lễ đại tế tại lăng bà với kinh cầu cho quốc thái dân an làm ấm lòng người đi hội. Những điệu múa dân gian của ba dân tộc Kinh, Chăm, Cơtu hòa quyện vào nhau; cùng với những chén rượu hồng đào làm người ta cứ lâng lâng...
. Theo Tuổi Trẻ |