Đô thị biển là thành phần cấu thành nên các đô thị Việt Nam, góp phần to lớn trong quá trình đô thị hoá và phát triển đất nước. Nhằm nhìn nhận, đánh giá hiện trạng cải tạo và phát triển, phân tích những thế mạnh đi tới sự nhận thức đầy đủ, chuyên nghiệp hơn về không gian đô thị biển, ngày 18-3, tại thành phố Qui Nhơn (tỉnh Bình Định), Hội kiến trúc sư Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Quy hoạch và kiến trúc đô thị biển Việt Nam”.
|
Đại lộ An Dương Vương (TP Quy Nhơn). Ảnh: BP
| Đô thị biển ở Việt Nam
Lịch sử đã nhắc đến những thương cảng, hải cảng nổi tiếng như Vân Đồn, Phố Hiến, Hội An và thời cận hiện đại là Đà Nẵng. Nhưng Vân Đồn như một ngoại lệ trong lịch sử, quy mô giao thương hạn hẹp và chỉ tồn tại trong thời gian ngắn; Phố Hiến là một cảng sông nằm trong vùng châu thổ; Hội An thì xuất hiện muộn vào thế kỷ 16-17 với yếu tố thương khách ngoại quốc rõ nét. Về đại thể, các cảng cửa ngõ này chủ yếu là đô thị hành chính ở bờ biển, trừ Đà Nẵng và Nha Trang (hai đô thị mới) thực sự có tính chất một thành phố cảng, dần dà phát triển thành những thành phố nghỉ mát có thương hiệu. Theo thống kê của Hội kiến trúc sư Việt Nam, nước ta có 27/64 tỉnh thành có biển; trong đó 10 đô thị , 8 khu nghỉ mát bên bờ biển; 2 khu nghỉ mát thực thụ là Đà Nẵng và Nha Trang; 3 đô thị biển loại vừa (Hạ Long, Qui Nhơn và Vũng Tàu). Một số đô thị liền kề biển đang chuyển dần sang tiếp cận biển như Phan Rang-Tháp Chàm, Phan Thiết, Thanh Hoá...GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính đã phân ra 4 loại đô thị biển: loại đa năng (đô thị biển thực thụ), những thành phố trên bờ biển, là trung tâm hành chính, trung tâm kinh tế, văn hoá của một vùng hoặc một tỉnh, trong đó nhân tố biển với tư cách là động lực phát triển (Hạ Long, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu); đô thị nằm bên bờ biển, chủ yếu là trung tâm hành chính của tỉnh (Móng Cái, Đồng Hới, Tuy Hoà...); những khu nghỉ mát bên bờ biển và những hạt nhân đô thị mới công nghiệp và cảng. Tuy nhiên, theo ông, các đô thị biển phân bố chưa đều, chưa tạo thành chuỗi, chưa khai thác được lợi thế của biển. Các đô thị to nhỏ ven biển nằm trong sự liên kết rời rạc cả về không gian địa lý lẫn giao thông trên đất liền và trên biển. Mạng lưới đô thị biển nước ta có lẽ là khâu yếu trong tổng quy hoạch phát triển kinh tế dài hạn, trong tổng quy hoạch phát triển các đô thị và điều này còn diễn ra đến tận hôm nay nên chưa tạo dựng cho mình diện mạo đặc trưng, chưa có thương hiệu.
Đất hứa miền Trung
GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính nhận xét: Hầu hết các đô thị biển được trải dài theo duyên hải Miền Trung; người ta vẫn nói đến cái nghèo của dải đất này với cái khốc liệt của thời tiết và nghèo nàn về tài nguyên. Tuy nhiên, những bãi cát dài, nắng quanh năm, nước trong do sông ít phù sa, đồng bằng hẹp… lại là yếu tố làm nên sự giàu có từ quan điểm làm du lịch. Đà Nẵng là một ví dụ: sự ưu tiên đầu tư cho hiện đại hoá và mở rộng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, lan toả về các phía, đặc biệt việc mở đường nối kết từ Nam chân đèo Hải Vân - Sơn Trà-Mỹ Khê-Non Nước đến Điện Ngọc, Hội An đã cơ bản biến Đà Nẵng thành đô thị biển thực thụ. Hay như Qui Nhơn, sự chuyển đổi lột xác từ vị thế thị xã-tỉnh lỵ khép kín sang mô hình đô thị hiện đại trong tương lai gần, chính bởi việc tái định hướng dứt khoát ra biển. Với những việc như giải toả và nâng cấp cảnh quan dải dất ven biển, mở toang các không gian đô thị, xây cất hàng loạt khách sạn, khu nghỉ mát sinh thái, các công trình khác có kiến trúc hiện đại, cùng dự án KKT Nhơn Hội, Quy nhơn có thể trở thành hình mẫu trong công cuộc hiện đại hoá và phát triển chuỗi các đô thị biển ở miền Trung. Đặc biệt, vùng đất Sông Cầu của Phú Yên. “không nơi nào ở Việt Nam lại có được sự tổng hoà trọn vẹn đến thế giữa các hình thái tự nhiên: sông ngòi, ruộng đồng, rừng núi, thảm thực vật, đầm phá, bờ biển, vịnh, cù lao, đảo… đây sẽ là một thiên đường du lịch sinh thái và tự nhiên nếu khai thác tốt... Miền Trung được coi như một Việt Nam thu nhỏ với đủ mọi hình thái xã hội nhân văn, lịch sử, thuận lợi cho phát triển những không gian đô thị dịch vụ văn hoá. Vì vậy, phải có bài toán ở tầm Quốc gia để thiết lập một hệ thống đô thị biển nhằm khai thác và phát triển một cách hợp lý nhất-ông Hoàng Đạo Kính nói.
Những cảnh báo
Việc thiết lập đô thị biển phải nghiên cứu và quy hoạch có hệ thống; phải tính đến phân vùng ảnh hưởng của các đô thị lớn nhỏ, có trọng tâm, trọng điểm, tiến tới hình thành thương hiệu cho các đô thị, cũng như không khai thác một cách lạm dụng đến mức quá tải. Hội An, Đà Nẵng và cả Nha Trang đang đứng trước nguy cơ này. Hệ thống resort và khách sạn mini dọc Cửa Đại và trong đô thị vô hình tạo nên sức đè lên khu phố cổ Hội An vốn chỉ có 10 ha. Việc Đà Nẵng phát triển quá nóng sang bán đảo Sơn Trà hoang sơ cũng là điều đáng phải xem lại; làm những con đường ô tô dọc và sát bờ biển như ở Nha Trang và Vũng Tàu là việc có thể sẽ giảm thiểu khả năng khai thác du lịch nghỉ mát. Hoặc hiện tượng chia thửa đất dọc bờ biển như như kiểu phân lô đã diễn ra ở Mũi Né-Phan Thiết, Đà Nẵng, Nha Trang, bịt luôn hướng nhìn ra biển và tạo ra sự manh mún trong quy hoạch. Đô thị-cảng biển không chỉ là đầu mối, là cầu nối trong sự phát triển mỗi quốc gia. Không chỉ là pháo đài tiền tiêu trong sự phòng thủ mà còn là một hiện tượng lịch sử-xã hội-văn hoá-nhân văn. Vì vậy, phải có một cách tiếp cận sâu xa hơn, văn hoá hơn. Mỗi đô thị ở ta đều có quỹ kiến trúc cũ có giá trị, chúng tạo ra phần nào hình ảnh của các thành phố. Ví dụ như bảo tàng Chàm ở Đà Nẵng, Nhà thờ Núi ở Nha Trang… Thành phố càng trẻ thì càng phải giữ gìn dấu ấn tuổi tác như tích luỹ bộ nhớ của mình. Để làm được điều đó và tạo thương hiệu cho các đô thị biển Việt Nam, theo ông Hoàng Đạo Kính cần phải khắc phục lối mòn tư duy truyền thống, thực hiện phi lục địa hoá (tư duy, kinh tế và xây dựng) đối với quốc gia nói chung và vùng đất ven biển nói riêng.
|