Nguyễn Khoa Đăng (1691-1725) là võ tướng thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725), con thứ ba Băng của Trung Hầu Nguyễn Khoa Chiêm, quê Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông tuổi trẻ tài cao, làm đến Nội tán, kiêm ám sát sứ, Tổng tri quân quốc trọng sự. Giàu mưu lược, xét đoán sáng suốt, ông dẹp tan được nhiều đám giặc cướp, bình định một vùng truông nhà Hồ nổi tiếng thiếu an ninh. Do đó, có ca dao truyền tụng:
Thương em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang
Phá Tam Giang ngày rày đã cạn
Truông nhà Hồ nội tán cấm nghiêng
Nguyễn Khoa Ðăng còn được truyền tụng là Bao Công Việt Nam do ông có tài xét việc, giỏi phán đoán, phát hiện nhiều gian ẩn rất thần tình. Sau đây là một số vụ kiện mà ông đã tìm được kẻ gian.
Có người trồng dưa, đêm bị kẻ khác dùng xẻng phá huỷ, không biết ai là kẻ phá hoại (ngày nay ta vẫn gọi thủ phạm các vụ phá hoại này là… nông tặc). Người chủ vạt dưa đem việc đến kiện. Ông lập tức cho thu hết xẻng của mọi người trong làng, ra lệnh ai nấy đều ghi tên mình vào xẻng. Sau đó ông lấy lưỡi liếm vào xẻng, có một cái xẻng có vị đắng. Đem chủ nhân của chiếc xẻng ấy ra tra hỏi, quả nhiên bắt được thủ phạm.
Lại có người hàng dầu bị người mù lấy trộm tiền, bắt người mù ra hỏi thì người này lấy cớ mắt mù không thấy nên không thú nhận. Người hàng dầu đến kiện, ông sai đem tiền đó thả vào trong chậu nước, quả nhiên có váng dầu nổi lên, người mù phải chịu tội.
Ngày xưa muốn đi vào Huế thì phải đi đường bộ qua truông Nhà Hồ hoặc đường thủy đi qua phá Tam Giang, nhưng cả truông Nhà Hồ và phá Tam Giang đều là mối đe doạ khủng khiếp đối với mọi người. Truông Nhà Hồ là một truông rộng bạt ngàn, cây cối um tùm, là sào huyệt của một băng cướp rất nguy hiểm. Người đi qua đó thường bị chúng bắt bớ, giết chóc để cướp lấy của nả hoặc đòi tiền mãi lộ. Còn phá Tam Giang nằm ngày chỗ ba con sông cùng đổ ra biển, hay có sóng thần lập úp nhiều thuyền bè qua lại. Vì thế trong dân gian truyền tụng câu hát:
Đường vô xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
Thương em anh cũng muốn vô
Sợ Truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang
Biết được nỗi lo sợ của dân chúng, Nguyễn Khoa Đăng tìm cách đánh dẹp. Một hôm, ông bố trí một đoàn xe chở lúa và hàng hoá qua truông. Ông cho một người lính ngồi sẵn trong thùng xe chở lúa. Khi bị cướp, nguời lính ngồi trong thùng xe rải lúa ra dọc đường. Nhờ có dấu lúa rải này, ông đã lần ra sào huyệt của bọn cướp, quan quân tràn vào bắt gọn cả ổ. Từ đó truông nhà Hồ trở nên yên bình.
Dẹp xong giặc truông Nhà Hồ, Nguyễn Khoa Đăng lại tìm cách trị sóng thần phá Tam Giang. Một mặt ông sai người lặn xuống phá, đào bới mở rộng cửa phá để trừ sóng dữ. Một mặt ông cho loan báo trong dân chúng là quan Nội tán sẽ cho quân dùng súng thần công bắn sóng thần trừ họa. Nghe tin ấy ai nấy đều khiếp sợ, nghĩ rằng quan Nội tán xâm phạm đến thần linh, phen này chắc hoạ lớn. Mặc mọi người khuyên can, ngăn trở, đến ngày đã định, Nguyễn Khoa Đăng đem súng hướng ra phá, ra lệnh bắn. Ba tiếng súng ầm ầm vang lên, khói bốc mù mịt. Những người chứng kiến đều sợ hãi quỳ sụp xuống. Nhưng bỗng trên mặt phá, một luồng đỏ như máu từ từ loang ra. Nguyễn Khoa Đăng bảo với mọi người là sóng thần đã bị trúng đạn chết, từ nay không phải lo sợ nữa. Thực ra thì người của ông đã bí mật lặn xuống và rải phẩm đỏ cho tan dần trong nước. Quả nhiên từ đó sóng thần không còn, thuyền bè qua lại trên phá Tam Giang đều bình an vô sự. Nỗi lo sợ về truông Nhà Hồ, phá Tam Giang không còn nữa, nhưng câu hát xưa vẫn còn, nay được chắp thêm hai câu ghi nhớ công ơn của quan Nội tán Nguyên Khoa Đăng:
Phá Tam Giang ngày rày đã cạn
Truông Nhà Hồ nội tán cấm nghiêm
Một trường hợp khác cũng chứng tỏ tài năng của ông. Kẻ cướp ở truông Nhà Hồ ăn cướp giấy của lái buôn, không truy được dấu vết gì. Người lái buôn đem việc ấy đến kiện, ông sức cho dân sở tại mỗi người khai họ tên quê quán vào một tờ giấy. Giá giấy do dó đắt lên, tên kẻ cướp mang giấy ra bán, nhân thế bắt được bọn cướp giấy.
Do Nguyễn Khoa Ðăng nghiêm khắc, lại truy tìm được tông tích nhiều vụ án khiến kẻ gây điều ác phải chịu nhận tội nên có nhiều người thù oán, muốn trả thù. Nhân khi chúa Hiền Tông mất (1725), Chưởng doanh Nguyễn Cửu Thế vốn ghét ông bèn làm giả di mệnh của Chúa, cho triệu ông về, dọc đường ông bị giết, lúc đó Nguyễn Khoa Ðăng mới 35 tuổi.
|