Thanh Hóa - địa chỉ bảo tàng văn hóa đá
17:25', 22/3/ 2006 (GMT+7)

Ở Thanh Hóa đá đi  vào đời sống  sinh hoạt của người dân từ hàng ngàn năm nay. Đá có ở đây từ thời kỳ đồ đá qua những dấu vết khảo cổ học, tồn tại - phát triển - và bảo lưu cho đến ngày nay. Đá có mặt mọi nơi trong đời sống. Cối đá, chày đá giã cua, giã giò, giã gạo, cối đá xay đậu, xay bột gạo, con lăn đá lăn rơm đập lúa, giường đá, thúng đựng nước bằng đá, giếng đá, bàn thờ đá, bia đá, bát hương đá, câu đối đá, thơ trên núi đá, voi đá, ngựa đá, thú đá, người đá, thành đá… Đá làm nền nhà, tảng kê, ốp tường, lát sân… Lăng mộ vua chúa, đền thờ, đình chùa…nguy nga đồ sộ đều dùng nhiều vật liệu đồ thờ bằng đá.

Không chỉ được sử dụng rộng rãi ở địa phương. Nguồn đá Thanh Hóa còn được đưa bằng đường sông, đường biển ra  bắc xây dựng Hoàng thành Thăng Long, vào Nam xây dựng Cố đô Huế. Thành đá Nhà Hồ (Vĩnh Lộc) là di sản văn hóa đá độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Đặc biệt đá núi Nhồi là đá quý. Đá núi Nhồi còn là đá thiêng. Đồ thờ đá nơi đền chùa đều làm từ đá núi Nhồi. Đá núi Nhồi góp phần xây dựng Lăng Bác, quốc kỳ trong Lăng Bác lấy từ núi ở huyện Cẩm Thủy.

Đồ đá Thanh Hóa bảo lưu tiến trình liên tục của người cổ Việt Nam. Cách đây 50 vạn năm từ thời đồ đá cũ, người nguyên thủy đã ghè những mảnh tước làm công cụ hiện còn ở di chỉ núi Đọ (huyện Thiệu Hóa), núi Nuông, núi Quan Yên (huyện Yên Định). Văn hóa hậu kỳ đồ đá cũ (tương ứng với văn hóa Sơn Vi cách nay 12.000 năm) tìm thấy ở hang núi Một (Cẩm Thủy), lớp dưới mái đá Diều, mái đá Nước, hang Anh Rồ (huyện Bá Thước), hang Con Moong (huyện Thạch Thành) kéo theo suốt dải vườn Quốc gia  Cúc Phương đến “động người xưa” của Ninh Bình. Các công cụ ghè đẽo đã mang tính chuyên dụng, công cụ bằng xương mài nhọn, mộ táng nằm bó gối và đồ trang sức được chôn theo. Sang thời kỳ văn hóa đồ đá mới (tương ứng văn hóa Hòa Bình, văn hóa Bắc Sơn, văn hóa Đa Bút, cách nay 11.000 năm) được tìm thấy trên 30 di chỉ khắp các huyện miền núi Thanh Hóa. Văn hóa Bắc Sơn(cách nay 8.000- 7.000 năm) tìm thấy các di chỉ ở huyện Cẩm Thủy, huyện Bá Thước, huyện Thạch Thành. Thời kỳ này, con người đã biết nấu chín và định cư theo thị tộc mẫu hệ với canh tác trồng trọt chăn nuôi, đã có chày nghiền, cối, đồ gốm, thổi nấu, có hình vẽ trên vách hang. Văn hóa Đa Bút dưới chân núi Mông Cù (Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Lộc cách nay 6.000 năm) đã  phát hiện rìu mài hai mặt, công cụ bằng xương, bằng sừng, có vết tích chài lưới, nhiều xương cá biển và nhà lều ở ngoài trời. Nằm trong  văn hóa Đa Bút có di chỉ Cồn Cổ Ngựa(Hà Lĩnh, huyện Hà Trung), Gò Trũng (Phú Lộc, huyện Hậu Lộc), là những di chỉ ở vùng đồng bằng và ven biển. Điều này đã chứng tỏ người cuối thời đồ đá mới đã mở rộng đến đồng bằng và phát triển nghề trồng lúa nước và nuôi trâu bò. Di chỉ hang Thẩm Hài và hang Thẩm Trôi ở huyện Thường Xuân lại thuộc giai đoạn cuối cùng của thời đại đồ đá phát triển cao thuộc văn hóa  Phùng Nguyên.

Văn hóa Hoa Lộc (huyện Hậu Lộc cách nay 4.200 năm) là gạch nối giữa thời đại đồ đá sang thời đại đồ đồng. Theo nhóm tác giả “Văn hóa trong tay bạn” cho rằng tiến trình có cả ba giai đoạn phát triển từ di chỉ Cồn Chân Tiên(sát chân núi Đọ phái đông nam thuộc Thiệu Khánh, huyện Thiệu Hóa) đến di chỉ Đông Khối (Đông Cương, TP Thanh Hóa, cách nay 3.100 năm) đến di chỉ Quỳ Chử và 7 địa điểm khác: Bãi Vác (xã Đông Hòa), xóm Rú (xã Đông Lĩnh), Đồng Ngầm (xã Đông Tiến), núi Nấp(xã Đông Hưng), làng Đông Sơn (TP Thanh Hóa), Đan Nê (huyện Yên Định), Thiệu Dương (huyện Thiệu Hóa). Dụng cụ đồ đá mới thời này đã đến độ hoàn hảo, có lưỡi cuốc, lưỡi cày đá, đồ gốm nồi niêu phong phú. Di chỉ cồn Chân Tiên có vị trí quan trọng, mở đầu việc hình thành Bô Cửu Chân, kẻ Chàn được giả thiết là tên nôm của Cửu Chân. Đông Khối là di chỉ công xưởng chế tác đá phong phú và rộng lớn nhất Việt Nam thuộc thời đại đồng thau. Ở đây tìm được di vật đầu tiên của chõ đồ xôi bằng gốm. Văn hóa Quỳ Chử đã tìm được rìu cân, rìu xén, mũi giáo, tên đồng trang trí hoa văn đúc nổi và các dụng cụ để nấu và đúc đồng.

Tiến trình phát triển của thời đại đồ đá ở Thanh Hóa càng minh chứng Thanh Hóa cũng là cái nôi của loài người từ cộng đồng thời nguyên thủy với bộ lạc, bộ tộc đến sơ khai Nhà nước Văn Lang của Vua Hùng.

Đồ đá Thanh Hóa từ thời Bắc thuộc đến các triều đại phong kiến Việt Nam cho ta nhận ra tiến trình tư duy thẩm mỹ của người thợ đá xứ Thanh, từ giá trị sử dụng đến cách điệu thẩm mỹ, từ thẩm mỹ dân gian đến dấu ấn nghệ thuật tượng trưng cổ điển của các triều đại phong kiến Lý- Trần- Lê- Nguyễn trên văn bia đồ thờ.

. Theo báo Thanh Hóa

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nguyễn Khoa Ðăng - Bao Công Việt Nam  (22/03/2006)
Hướng tới mục tiêu đô thị có thương hiệu  (21/03/2006)
Trẩy hội Thu Bồn  (21/03/2006)
Gong Lu - Cồng đá Tây Nguyên  (20/03/2006)
“Khu du lịch làng quê Việt Nam” ở Hội An  (16/03/2006)
Những người nuôi bướm làm tranh  (15/03/2006)
Một nhà ba Trạng Nguyên  (15/03/2006)
Trường Lưu bát cảnh  (14/03/2006)
Để Sầm Sơn đẹp hơn trong lòng du khách  (13/03/2006)
“Tổng công trình sư trên vùng đất thép năm xưa”   (10/03/2006)
Văn hóa Tây Nguyên trong dòng chảy văn hóa Việt Nam  (09/03/2006)
Ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi ở Buôn Đôn  (08/03/2006)
Hành trình 14D  (07/03/2006)
Phục sinh loài hoa nữ hoàng ở Đà Lạt  (07/03/2006)
Người lưu giữ một phần lịch sử Đà Lạt   (06/03/2006)