Trong gần 2 năm qua tuyến bay Đà Lạt (Lâm Đồng) - Hà Nội đã được khai thác có hiệu quả cao. Hiệu quả của đường bay này cho phép người ta nghĩ đến những đường bay khác dài hơn, xuất phát từ Đà Lạt.
Đường bay mới
Sân bay Liên Khương (ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) cách trung tâm TP Đà Lạt khoảng 20km. Ra đời cách nay 73 năm (1933), Liên Khương là một trong những sân bay đầu tiên ở VN.
Đến thập niên 60 của thế ký XX, sân bay Liên Khương trở nên quan trọng khi chính phủ Sài Gòn chọn Đà Lạt là một trong những điểm quân sự trọng yếu để mở rộng các hoạt động đào tạo (lập trường Võ bị Đà Lạt, xây dựng một trung tâm huấn luyện tâm lý chiến…) và tập kết vũ khí phục vụ chiến tranh. Cơ sở hạ tầng của sân bay được trang bị hiện đại. Sau 1975, chính quyền cách mạng tiếp quản sân bay Liên Khương và tiếp tục duy trì đường bay Đà Lạt - Sài Gòn với tần suất mỗi ngày một chuyến. Sau hơn 70 năm phục vụ, sân bay Liên Khương xuống cấp dần và trong bối cảnh mới nó trở nên nhỏ bé và không đáp ứng tốt yêu cầu phát triển chung của xã hội.
Cuối năm 2003, Thủ tướng Chính phủ cho phép Hãng Hàng không quốc gia VN (Vietnam Airlines) cải tạo, nâng cấp sân bay Liên Khương đủ tiêu chuẩn sân bay quốc tế. Với tổng vốn đầu tư 345 tỷ đồng, sân bay Liên Khương được nâng cấp đủ để đáp ứng nhu cầu lên xuống các loại máy bay quân sự cấp 2 và máy bay hàng không dân dụng tầm trung (như A 320, A 321…). Triển khai nâng cấp sân bay như dự án đã được phê duyệt nhưng để đón lõng thời cơ Vietnam Airlines đã mở thêm tuyến Đà Lạt – Hà Nội.
Những hy vọng mới
Lúc 9 giờ 10 phút, ngày 29-10-2004, lần đầu tiên chiếc Fokker 70 hai động cơ cánh quạt của Vietnam Airlines cất cánh tại sân bay Liên Khương (Lâm Đồng) đi Hà Nội và đã hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài lúc 10 giờ 50 phút.
Trong nhiều năm qua, khoảng cách 2.000km Hà Nội – Đà Lạt quả là dài đối với tất cả các phương tiện giao thông. Ngay cả với ngành hàng không, khách muốn đi từ Đà Lạt ra Hà Nội và ngược lại cũng đều phải "tăng bo" qua sân bay Tân Sơn Nhất. Chi phí khá lớn và thời gian chờ đợi phiền phức khiến Đà Lạt trở nên xa xôi với nhiều du khách. Còn bây giờ, chỉ chưa đến 2 tiếng đồng hồ, hành khách dễ dàng có mặt tại Hà Nội bằng máy bay Fokker 70 cất cánh từ sân bay Liên Khương; và ngược lại.
Cách nay khá lâu, đường bay Đà Lạt – Đà Nẵng cũng được Vietnam Airlines đưa vào khai thác nhưng chẳng được bao lâu buộc phải dẹp bỏ vì thua lỗ nặng. Tuy nhiên, với đường bay nối với Hà Nội tình thế đã khác.
Theo số liệu tổng hợp của Văn phòng đại diện Vietnam Airliens tại Đà Lạt, lúc khai trương đường bay (cuối tháng 10-2004), tần suất bay được bố trí từ 3 chuyến/tuần, đến tháng 6-2005 lên 4 chuyến/tuần. Điểm đáng chú ý là công suất khai thác máy bay thường xuyên đạt mức 100%. Liệu điều này đã cho phép ngành hàng không lại nghĩ đến sự nối lại đường bay Đà Lạt - Đà Nẵng hay chưa? Hoặc xa hơn: Một đường bay nối Đà Lạt với Bình Định hoặc một tỉnh nào đấy cũng thuộc khu vực miền Trung?
Kể từ cuối tháng 10-2004 đến nay, mỗi tuần có trên dưới 300 hành khách đi từ Đà Lạt ra Hà Nội và cũng từng ấy người từ Hà Nội vào Đà Lạt bằng đường hành không. Con số này hẳn không dừng ở đó; đặc biệt khi mà sân bay Liên Khương thực sự trở thành sân bay quốc tế và du lịch Đà Lạt phát triển mạnh hơn cùng với sự phát triển chung của kinh tế Lâm Đồng nhằm thu hút mạnh mẽ đầu tư trong và ngoài nước thì chắc chắn tần suất bay 7 chuyến mỗi tuần từ Đà Lạt đi Hà Nội và ngược lại sẽ không nằm ngoài tầm tay của ngành hàng không VN.
“Bàn tay” hàng không từ Đà Lạt đã vươn tới TP.HCM, Hà Nội thì không lý do gì không nghĩ đến miền Trung bởi điều kiện về kinh tế trong khu vực nay đã khác trước khá nhiều.
|