Di sản văn hóa Sa Huỳnh
10:51', 26/3/ 2006 (GMT+7)

Di chỉ văn hóa Sa Huỳnh được M.Vinet phát hiện năm 1909 ở khu vực giáp ranh giữa hai xã Phổ Khánh và Phổ Thạnh thuộc huyện Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi, nằm ở phía tây đầm An Khê với trên 200 chiếc bình gốm vùi không sâu trong cát biển, có chiều cao  trung bình 8,80 m, khác nhau trong cách tạo dáng và chứa những  đồ trang sức bằng đá quý, thủy tinh. Năm 1923 người Pháp đã tiến hành khai quật. Nhiều tài liệu đã được thông báo trong  tập san của Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp cũng như công bố của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu nước ngoài về văn hóa Sa Huỳnh. Theo tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi thì cũng trên bãi cồn cát này, năm 1934 M.Colani nghiên cứu khai quật ở Tăng Long, Đồng Phú, Phú Nhuận (Bình Định); kết quả nghiên cứu được bà công bố trong hội nghị tiền sử Viễn Đông họp tại Manila (Philippin) năm 1935 và đăng trong tập san của Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp. Năm 1936 trong bài viết ghi chú về tiền sơ sử Quảng Bình đăng trong tạp chí “Những người bạn Huế xưa”, M.Colani lần đầu tiên dùng thuật ngữ “Văn hóa Sa Huỳnh”. Năm 1939 nhà khảo cổ học Thụy Điển O.Janse đã khai quật 84 mộ chum ở Sa Huỳnh và Phú Khương (thuộc xã Phổ Khánh). Sau đó, năm 1960 ông quay trở lại Sa Huỳnh để nghiên cứu thêm. Tư liệu được công bố trong tạp chí  Asian Perstive năm 1961 ông đưa ra khái niệm “Phức hợp Sa Huỳnh”. Cũng trên cồn cát Sa Huỳnh, L.Mallenet quai quật năm 1957 thu nhặt những mảnh gốm nằm trên bề mặg di tích vừa dựa trên cơ sở nghiên cứu đồ gốm ở Bảo tàng  Finot, đã đặt ra mối quan hệ rộng hơn trong khu vực Đông Nam Á của văn hóa Sa Huỳnh trong bài viết từ năm 1961.

Nêu những vấn đề trên để chứng minh rằng, văn hóa Sa Huỳnh không chỉ giới hạn ở một địa phương, một tỉnh của Việt Nam mà nó đã vượt ra ngoài lãnh thổ quốc gia.

Về niên đại của văn hóa Sa Huỳnh, nhiều nhà khoa học, nhà sử học đưa ra những con số khác nhau. Theo giáo sư- tiến sĩ Phan Ngọc Liên (Trường đại học Sư phạm Hà Nội): “Việc đi sâu nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh từ giai đoạn sớm có niên đại 4.000 đến 3.000 năm trước ngày nay. Giai đoạn muộn ở vào giữa  thiên niên kỷ I trước Công nguyên”. Phó giáo sư- tiến sĩ Đặng Viết Bích- Phó Viện trưởng Viện Văn hóa thông tin, Ủy viên Hội đồng khoa học, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc thì cho rằng “Văn hóa Sa Huỳnh không chỉ nổi danh trong nước mà còn trên trường quốc tế, địa bàn văn hóa Sa Huỳnh trải dài từ nam sông Gianh đến Đồng Nai. Tại Philippin các nhà khảo cổ cũng phát hiện được văn hóa Calanay cùng hệ với văn hóa Sa Huỳnh”.

Nhóm di chỉ văn hóa Long Thạnh thuộc huyện Đức Phổ  đại diện cho văn hóa sơ kỳ đồng thau, còn nhóm di chỉ Bình Châu (Bình Sơn) thuộc trung kỳ thời đại đồng thau, cuối thiên niên kỷ I, trước Công nguyên. Như vậy, di chỉ văn hóa Long Thạnh phải có trước đó khá lâu. Theo tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi thì cho là niên đại tương đối của tiền Sa Huỳnh Long Thạnh cách đây khoảng trên 3.000 năm, còn một số nhà khoa học, nhà sử học khác thì cho rằng trên 2.500 năm…Những đánh giá đó rất quan trọng, vì nó là sự có mặt của người Việt cổ trên dải đất này.

Cùng với hàng chục di tích do các nhà khảo cổ phương Tây phát hiện khai quật trước năm 1975, từ sau ngày giải phóng đến nay, các nhà khảo cổ học Việt Nam, Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Trường đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Khoa học Xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh đã tham gia nghiên cứu, khai quật chẳng những ở Long Thạnh mà còn nhiều nơi trong tỉnh như Gò Quê (xã Bình Đông), xóm Ốc (xã An Vĩnh), suối Chình phía đông đảo Lý Sơn, xã Bình Châu và tiếp đó là một số nơi ở Bình Định, dọc sông Thu Bồn- Quảng Nam, Quảng Bình… tất cả đều phát hiện nhiều hiện vật cổ quý giá, đa dạng về cách trang trí, các đồ trang sức. Chiều cao các mộ chum thuộc dòng văn hóa Sa Huỳnh. Qua các cuộc khai quật khảo cổ ở Long Thạnh, Bình Châu, Bầu Trám, Xóm Cồn, Bãi Ông ở Quảng Ngãi và một số nơi khác, điều thú vị là đã tìm thấy giai đoạn sớm hơn Sa Huỳnh cổ điển theo phát hiện của người Pháp và là những dòng chảy trực tiếp hoặc gián tiếp phát triển lên đỉnh cao Sa Huỳnh sắt…

Rất nhiều tài liệu trong và ngoài nước viết về văn hóa Sa Huỳnh. Song, các nhà khoa học, các nhà lịch sử trong nước và địa phương cũng chỉ mới dừng lại ở mức phát hiện, khai quật và nghiên cứu. Mong rằng nó không chỉ là di chỉ văn hóa Sa Huỳnh của Việt Nam mà là di sản văn hóa thế giới. Điều đó không có gì là quá đáng. Bởi lẽ, với bề dày lịch sử trên 3.000 năm, với những tác phẩm, kiểu dáng độc đáo của những công cụ sản xuất, đồ trang sức, nền văn minh của người Việt đầu thời kỳ đồng thau, nó chạy dài dọc theo ven biển miền Trung Nam bộ và vươn ra một số nước Đông Nam Á. Người Pháp cùng một số nhà khảo cổ học phương tây trước kia cũng như hiện nay đã và đang lưu giữ, sưu tầm, nghiên cứu về di chỉ văn hóa này, đó là một lợi thế của chúng ta.

Muốn làm được việc lớn đó, tỉnh Quảng Ngãi mà trước hết là ngành văn hóa thông tin cùng địa phương phải thu thập, bảo quản toàn bộ hiện vật tìm được; đánh dấu bảo tồn những địa danh, vị trí, những nơi đã và sẽ khai quật, sưu tầm tư liệu trong và ngoài nước. Cần có bảo tàng trưng bày riêng về văn hóa Sa Huỳnh ngay tại địa phương để khách du lịch có thể đến tham quan nghiên cứu; cùng với Viện Khảo cổ Việt Nam tiến hành tổ chức hội thảo quốc tế gồm các nhà khoa học trong và ngoài nước nhân kỷ niệm 100 năm ngày phát hiện di chỉ văn hóa Sa Huỳnh tại huyện Đức Phổ. Đây là điều không thể thiếu đối với một di sản văn hóa lớn của địa phương.

Vừa qua, UNESCO đã công nhận nhiều công trình văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam là di sản văn hóa thế giới, đó là niềm tự hào của dân tộc ta. Ngoài cồng chiêng Tây Nguyên đã được công nhận, Việt Nam còn tiếp tục đệ trình các loại hình văn hóa đặc sắc của dân tộc như ca trù, quan họ, múa rối nước. Mong rằng, sau đó văn hóa Sa Huỳnh cũng được “xếp hàng” nhân kỷ niệm 100 năm ngày phát hiện ra nó.

. Theo báo Quảng Ngãi

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Từ thành công của đường bay Đà Lạt - Hà Nội  (23/03/2006)
Thầy dạy hai Tổng bí thư  (23/03/2006)
Thanh Hóa - địa chỉ bảo tàng văn hóa đá  (22/03/2006)
Nguyễn Khoa Ðăng - Bao Công Việt Nam  (22/03/2006)
Hướng tới mục tiêu đô thị có thương hiệu  (21/03/2006)
Trẩy hội Thu Bồn  (21/03/2006)
Gong Lu - Cồng đá Tây Nguyên  (20/03/2006)
“Khu du lịch làng quê Việt Nam” ở Hội An  (16/03/2006)
Những người nuôi bướm làm tranh  (15/03/2006)
Một nhà ba Trạng Nguyên  (15/03/2006)
Trường Lưu bát cảnh  (14/03/2006)
Để Sầm Sơn đẹp hơn trong lòng du khách  (13/03/2006)
“Tổng công trình sư trên vùng đất thép năm xưa”   (10/03/2006)
Văn hóa Tây Nguyên trong dòng chảy văn hóa Việt Nam  (09/03/2006)
Ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi ở Buôn Đôn  (08/03/2006)