Du khách trong và ngoài nước quen thuộc về một thành phố Đà Lạt du lịch sinh thái rừng, hồ, thác nước… thơ mộng, quyến rũ. Nhưng sẽ rất thiếu sót bạn chưa biết đến miền du lịch sinh thái với những đồi chè (trà) cổ thụ bao la ở đây - vùng du lịch sinh thái chè Cầu Đất-Xuân Trường.
|
Một cây chè cổ thụ. |
Từ trung tâm thành phố đi về hướng Nam chừng hai mươi cây số trập trùng đèo dốc là đến Cầu Đất, Xuân Trường. Ở đây, cây chè đã cắm rễ đã hơn trăm năm. Dẫn tôi đi thăm một nương chè cổ vừa được khoanh vùng quy hoạch du lịch, bảo tồn nguồn gien, anh Nguyễn Hữu Phước, cán bộ của Công ty Cổ phần chè Cầu Đất kể...
...Chè ở đây tuyền là giống chè Shan được người Pháp du nhập về “Sở chè Cầu Đất” từ những năm đầu của thế kỷ XX. Vùng chè cổ rộng hơn một ha, xuôi theo triền dốc dẫn xuống ven hồ nước Tăng Gia rộng lớn. Bên kia quả đồi là hồ nước Phát Chi có từ lâu đời. Phía sau nữa là Hang Dơi - nơi trú ngụ của những bầy dơi rừng, kích thích sự khám phá thiên nhiên của rất lớn lượng khách du lịch vào đây.
Bốn bề non non, nước nước bao bọc khoảng không gian khoáng đạt đến tận cùng. Ướm thân mình bên những hàng chè trăm tuổi, từng hàng từng hàng cao vút thân mốc lên vì thời gian mà vẫn chắc cành xanh lá, tôi dang cánh tay làm thước đo, ước tính đường kính thân cây hơn 0,5m vòm lá trung bình ở mỗi cây chè cổ thụ từ 2m đến 4m. Thời gian non một thế kỷ trôi qua đã phủ lên những lớp rêu mốc trắng bám dày từ gốc cây đến thân cành. Một màu rêu trắng phếch dưới tán lá ngát xanh, gợi bao điều liên tưởng về cõi nhân sinh…
Cắn đôi một quả chè mọng nước, anh Phước bảo: “Uống chè xanh giống cổ này có tác dụng rất tốt cho việc ngăn ngừa các bệnh béo phì, gan, thận và thậm chí tránh được bệnh ung thư nữa…” Ở xứ chè Cầu Đất-Xuân Trường, nhiều chủ vườn đã thay thế giống chè mới để thích ứng với nhu cầu thị trường nhưng Công ty Chè Cầu Đất vẫn thủy chung giữ lại nguồn gien chè cổ trên vườn chè hơn 100 ha để vừa sản xuất vừa phục vụ khách tham quan.
Dẫu bị thu hẹp nhưng thị trường chè xanh nội tiêu và chè đen xuất khẩu nhưng "hổ chết để da" chè Cầu Đất vẫn còn một bộ phận khách hàng truyền thống đặt mua lâu dài. Hạch toán cho thấy mỗi ha chè cổ chăm sóc tốt vẫn thu được trên dưới 15 triệu đồng mỗi năm. Tính ra giá trị kinh tế hiện tại thấp hơn rất nhiều so với các giống chè cao sản mới, nhưng giá trị không thể tính bằng tiền là cái sự cổ! Người ta có thể dễ dàng thu về hàng trăm triệu đồng từ chè cao sản nhưng không thể gầy lại những nương chè cổ thụ một khi đã dứt lòng phá bỏ. Vả lại đó là chỉ nói đến nguồn thu trực tiếp, nếu phát triển bài bản những nguồn thu gián tiếp từ vùng chè này chưa chắc đã nhỏ.
Điều khá bất ngờ từ sau Festival hoa Đà Lạt đến nay, giới chơi cây cảnh ở địa phương, các tỉnh, thành bạn đã tìm mua khá nhiều cây chè cổ về làm bonshai, tạo tiểu cảnh trong các khu du lịch. Trung bình mỗi cây chè cổ giá mua đến 500 ngàn đồng; cá biệt có cây hơn 01 triệu đồng vì có dáng tự nhiên sần sùi, già cỗi đến…lạ mắt. Ông Hòa, một Việt Kiều từ nước Úc, 60 tuổi, bồi hồi nhớ lại: Ông sinh ra ở xứ chè Cầu Đất này. Hơn ba chục năm định cư nơi đất khách quê người, nhưng hương chè Cầu Đất vẫn luôn tươi xanh trong máu thịt ông. Hàng năm về nước thăm quê, vẫn còn dạo thăm giữa những gốc chè xưa; uống nước chè xanh xưa, lòng ông hạnh phúc vì xúc động biết nhường nào. Thân sinh của ông Hòa nguyên là công nhân của sở chè này từ thời Pháp thuộc. Nơi đây một giàn máy sản xuất chè đen mà thân sinh ông Hòa đã từng vận hành nó lúc xa xưa ấy; nay vẫn còn bảo dưỡng vẹn nguyên. Bây giờ nó là dây chuyền gồm sáu cỗ máy cổ nhất Đông Dương, hiệu Marshall với các chức năng vò, sấy, sàn…ngày ngày vẫn “chuyển động”, sản xuất ra những cánh chè đen xuất khẩu sang Châu Âu, Châu Mỹ, mang thương hiệu Cầu Đất-Xuân Trường. Từ chỗ rùng rùng phá bỏ, nay nhiều người trồng chè đã lờ mờ thấy ra rằng dường như mình đã hủy hoại một phần lịch sử của mình.
Mô hình du lịch sinh thái chè ở Cầu Đất-Xuân Trường dẫu chỉ trong thời gian khởi động nhưng đã hiện ra một tour du lịch mới thật lôi cuốn, thật hấp dẫn cho Đà Lạt. Người “phát kiến” ra ý tưởng này là ông Nguyễn Văn Khanh, Giám đốc Công ty Cổ phần chè Cầu Đất này. Ông Khanh cho biết rằng, việc đầu tư du lịch sinh thái chè nơi đây không phải “rầm rộ” như những mô hình khác. Có chăng chỉ mở rộng những con đường mới để xe du lịch vào ra nương chè cổ được thuận tiện hơn. Những nhà khoa học đến đây được đối chứng giữa giống chè cổ với giống chè mới đang có sức hút mạnh với thị trường. Khách du lịch không chỉ thưởng thức tại chỗ cốc chè cổ, sóng sánh nước xanh nóng hổi; mà được tĩnh lại tâm mình, tinh mơ đón sương mù bồng bềnh; chiều ngắm hoàng hôn dát vàng nơi đỉnh cao nhất của Đà Lạt, thả hồn tưởng tượng về chốn tiên cảnh trong những câu chuyện kể ngày xưa…
Những đồi gốc chè cổ thụ ở Cầu Đất-Xuân Trường, Đà Lạt đang chuyển mình trong vị thế mới.
|